Em chào chị,
Em đang yêu người từng có gia đình, và có 3 đứa con. Anh nhận nuôi 1 đứa, 1 đứa vợ cũ nuôi, và 1 đứa vợ cũ không cho nhận. Ảnh hay giấu em gửi tiền thêm cho đứa con ảnh không nuôi đó.
Lúc đầu kinh tế em khá giả nên em không để ý. Sau này, em đầu tư đất chưa thanh khoản được, nên em cân đối hơn. Vì bọn em sống chung nên cũng tính toán như vợ chồng. Anh không nhắc gì chuyện gửi tiền thêm đó cả. Sau này vô tình em mới biết chuyện đó.
Em không tiếc, nếu anh ấy bàn với em, thì em sẽ dễ chịu hơn, nhưng anh ấy không bàn. Trong khi đó, anh ấy đang nợ em hơn 800 triệu. Tự nhiên em thấy mất niềm tin, sinh lòng hoài nghi, và thấy mệt mỏi vô cùng.
Lê Thị Liên
|
Ảnh minh họa |
Em Liên thân mến,
Điều đầu tiên Hạnh Dung muốn xác định cùng em về hành động gửi tiền thêm để vợ anh nuôi đứa con thứ 3 của anh ấy, là đúng hay sai? Theo Hạnh Dung là đúng, đúng hoàn toàn và thậm chí là rất đúng.
Có rất nhiều người cha hoặc mẹ, nhưng đặc biệt là cha, thường lảng tránh chuyện chu cấp cho con mình, thậm chí bấu víu vào mọi lý do để có thể từ chối trách nhiệm đó.
Người yêu em, không biết vì một lý do nào đó mà không được vợ cũ cho chăm sóc một đứa con, nhưng anh ấy vẫn luôn cố gắng làm một điều thiết thực nhất cho con mình: gửi tiền. Hạnh Dung nghĩ, điều đó chứng tỏ anh ấy thật sự là một người cha tốt, có trách nhiệm với con cái.
Vì sao anh ấy giấu em, em có thử hỏi anh một cách nghiêm túc, rộng lượng và với tâm trạng sẵn sàng hiểu và chia sẻ hay không? Hạnh Dung nghĩ, có thể lý do đầu tiên là vì anh ấy ngại em sẽ phản đối, sẽ khó chịu.
Còn lý do thứ hai, có thể anh ấy nghĩ rằng đó là việc riêng của anh ấy, việc chăm lo cho con của anh ấy, nó cũng là nỗi lo lắng riêng của anh, gánh nặng riêng của anh, không cần phải nói với em để em bận tâm làm gì.
Em nói rằng anh ấy còn nợ em 800 triệu, như thế có nghĩa là các em dù chung sống, nhưng vẫn có những rạch ròi, rõ ràng trong vấn đề tiền bạc, chứ không phải tất cả đều chung. Và như vậy, có nghĩa là anh ấy đang lo cho con trong khoản tiền của anh ấy, chứ không phải là "bớt xén hay trộm cắp" gì trong tiền chung của hai người. Vậy thì vì sao anh phải báo cáo hay xin phép em?
Nhất là khi bây giờ, khi biết anh góp thêm tiền cho một đứa con nữa, em đã liên tưởng ngay hai việc đó với nhau theo một cách có thể hiểu rằng: nếu anh còn nợ em thì anh không được sử dụng tiền của anh theo ý anh, ngay cả trong việc nuôi con của anh. Với một người cha thương con và có trách nhiệm với con, điều đó thật là... một viễn cảnh mệt mỏi.
Tất nhiên, sẽ tốt hơn một chút, nếu anh ấy có hỏi ý kiến em về điều đó. Nó sẽ làm em thấy nhẹ nhàng hơn, được coi trọng hơn. Còn lúc này, khi em phải tự biết chuyện, thì em hãy nói thẳng thắn cảm xúc của mình, để anh có cơ hội giải thích cho lý do "không nói" của mình ("không nói" chứ không phải là giấu diếm, em nhé).
Tất nhiên, chu cấp cho con riêng như thế nào luôn là một vấn đề khó khăn và tế nhị nhất trong một cuộc hôn nhân mới. Và trong việc này, người yêu, người vợ mới cần phải có một chút bao dung, thông cảm, hiểu biết và cả tôn trọng, để cho người yêu và có thể là chồng tương lai của mình một khoảng tự do quyết định.
Và như vậy, nói ra không phải để cãi nhau, lên án, chỉ trích, thể hiện quyền và đòi quyền lợi của mình, mà là một cơ hội để bàn bạc về những vấn đề chung riêng trong tài chính của hai người một cách cởi mở, thẳng thắn. Chắc chắn là phải thống nhất với được nhau những nguyên tắc cơ bản trong quản lý tài chính của gia đình, thì các em mới có thể tiếp tục đi chung một con đường.
Theo phụ nữ TPHCM