Em chào chị Hạnh Dung,

Em nay 33 tuổi. Em và chồng cũ đã ly hôn. Em quen một người cũng đã ly hôn. Tụi em sống với nhau như vợ chồng, tuy chưa đăng ký giấy kết hôn.

Ban đầu anh rất thương em, quan tâm em. Nhưng dạo gần đây, anh ấy hay liên hệ lại với vợ cũ, và về nhà thăm con. Mỗi lần như vậy anh lại thay đổi với em. Em làm gì anh ấy cũng nổi nóng. Em bảo anh ấy muốn quay về với vợ cũ thì cứ quay về, anh ấy bảo không còn gì để quay về. Vậy mà ngày nào anh ấy cũng gọi cho vợ cũ, nhưng lại nói với em là gọi cho con.

Em phải làm thế nào đây chị?

Lê Thị Hoa

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Lê Thị Hoa thân mến,

Điều em cần làm trước tiên là đừng tỏ ra khó chịu, bực bội, nghi ngờ khi người đàn ông của em đột nhiên liên hệ với vợ cũ, về thăm con và thường xuyên gọi điện cho vợ cũ mà lại nói rằng gọi cho con. 

Đó là một việc một người cha cần phải làm chứ, phải không em? Quan tâm, chăm sóc, thương yêu, có trách nhiệm với đứa con do mình đẻ ra. Có thể từ trước tới giờ anh ấy quá bận rộn, quá tập trung vào những cảm xúc của mình (vào tình yêu với em chẳng hạn). Giờ đây, khi mọi việc yên ắng, bình an, anh ấy mới có thời gian để dành cho con.

Cũng có thể gần đây, cùng với thời gian và sự lớn lên của một con người, đứa trẻ có những vấn đề gì đó cần đến sự quan tâm nhiều hơn của người cha, và vì thế anh cần phải gần gũi với con hơn, cần trao đổi nhiều hơn với vợ cũ, chẳng hạn.

Dù là gì đi chăng nữa, điều em cần phải làm, phải nghĩ là bình tĩnh, coi chuyện anh quan tâm đến con của anh là điều bình thường, thậm chí là việc tốt, là điều anh ấy cần phải làm. Bởi nó là trách nhiệm với con cái của một người đàn ông. Và em phải hiểu là dù cho gia đình có tan vỡ, thì quyền lợi của con cái vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Tốt hơn nữa, nếu em có thể, thay vì đặt ra những câu hỏi, những vấn đề thể hiện sự nghi ngờ, khó chịu, cưỡng ép người đàn ông phải chọn lựa giữa mình và con, thì em phải tỏ ra vui mừng vì điều đó, phải quan tâm, chia sẻ, động viên anh quan tâm đến con của anh nhiều hơn.

Em và anh dù chưa đăng ký kết hôn, nhưng đã sống chung với nhau, tại sao em không thử thể hiện vai trò là một người mẹ kế tốt, có tấm lòng bao dung, quý trọng tình cảm của chồng dành cho con riêng, và sẵn sàng giúp anh chăm sóc con của anh?

Nếu em thể hiện được điều đó, em sẽ rất tự nhiên bước vào vùng không gian riêng của anh dành cho đứa con và có thể một cách rất khôn ngoan, "kiểm soát" được mối quan hệ của anh với vợ cũ. Kiểm soát không phải để gò bó, cưỡng ép anh, mà để biết được thực tình anh có muốn quay về với gia đình cũ hay không, hay chỉ đang nói dối mình.

Tuy vậy, Hạnh Dung cũng không loại trừ việc quả thật anh ấy có thể đang có những cảm xúc tốt đẹp với gia đình cũ của mình. Điều ấy không phải là không có, "gương vỡ lại lành" là chuyện cũng bình thường trong những hoàn cảnh hậu ly hôn.

Thế nhưng, điều thứ nhất là con người ta luôn nghiêng về phía bình yên, thanh thản, nhẹ nhàng. Nếu trong hoàn cảnh phức tạp này, khi anh ấy đang dao động một chút, mà em gây sóng gió, thì tức là em đang đẩy anh ấy ra xa mình hơn. Còn nếu em "trời yên, biển lặng", thậm chí tạo nên vũng, vịnh cho con thuyền của người đàn ông trú ngụ, thì việc gì anh phải giương buồm về phía từng bão giông?

Điều thứ hai là nếu người đàn ông đó quả thật đang muốn ra đi, thì sự bình tĩnh, quan sát của em sẽ tạo điều kiện cho người đó có thể nói thẳng, nói thật chọn lựa của mình, cho em một thái độ tốt đẹp để "buông tay" với sự thanh thản trong lòng. Hơn nữa, khiến người đó phải cảm phục, biết ơn, thậm chí quý trọng em nhiều hơn. Đó chẳng phải là "thua trong thế thắng" sao em?

Bởi nếu anh ấy đã muốn rời đi, quay về với gia đình cũ, thì trước sau gì anh ấy cũng sẽ làm. Đứa con luôn là một thế mạnh đặc biệt nếu anh ấy quả thật đang trong tâm trạng giằng co này, liệu em có thể làm gì được để ngăn cản điều đó?

Vậy thì, cuối cùng, điều tốt hơn hết em có thể làm là bình tĩnh, khôn ngoan, bao dung, quan sát, giúp cho cả người đó lẫn em có những sự chọn lựa tốt đẹp nhất, sáng suốt nhất để quyết định tình cảm của mình, em nhé.

Theo phụ nữ TPHCM