Chồng chậm đón con, hàng xóm để xô rác lấn qua sát cổng, bạn bè hứa mua giúp món gì đó nhưng vô tình quên mất… Bất cứ lỗi gì cũng dễ khiến vợ tôi nổi cáu. 

Cùng một sự việc nhưng không phải lúc nào vợ cũng phản ứng giống nhau. Biên độ cảm xúc của cô ấy có khi chỉ rung rinh, báo động ở mức bình thường, nhưng cũng có lúc chỉ vì một xung đột cỏn con, nàng vùng vằng đòi viết đơn ly hôn bằng được.

Thật ra, trong khoảng thời gian hẹn hò, nhiều lần vợ chồng tôi đã nhận ra sự trái dấu của nhau. Nếu nàng nhiều tham vọng, cầu toàn, luôn muốn con cái sau này được sống trong môi trường tài chính đầy đủ, học hành ở những cơ sở giáo dục hiện đại, tiện nghi… thì tôi lại thích một cuộc sống bình an, ổn định, không quá ồn ào.

Vì khác quan điểm sống, cộng thêm cách cư xử quá đà, hay để cảm xúc lấn át của vợ, cuộc hôn nhân của chúng tôi có thời điểm càng vá càng hỏng, có lần tôi còn suýt ký vào đơn ly hôn.

Tôi đem lục đục gia đình tâm sự với một người bạn. “Hình như, mình đã ảo tưởng, đánh giá sai về vợ. Một người hay “xù lông nhím” như cô ấy rốt cuộc cũng chẳng yêu ai ngoài bản thân. Nếu thực sự yêu chồng, thương con, biết chăm chút cho gia đình thì cô ấy phải luôn nỗ lực, tu dưỡng, tạo ra bầu không khí cân bằng, dễ chịu cho gia đình. Đằng này…” - tôi bỏ lửng câu nói.

Cậu bạn thân đáp: “Vợ bạn cũng như vợ tôi. Tuy nhiên cách đón nhận, xử lý vấn đề của tôi lại khác bạn. Trong những lần vợ mất bình tĩnh, tôi sẽ áp dụng nguyên tắc “đèn giao thông”. Vợ nóng giận, sắc mặt nàng đỏ lên. Lúc ấy, tôi sẽ như người đi đường, thấy đèn đỏ dừng lại, chờ khi nào nàng “chuyển màu” mình sẽ đi tiếp.

Chẳng có cái đèn nào mà đỏ mãi được”. Bạn khuyên tôi đừng đánh đồng việc vợ hay mất bình tĩnh là do cô ấy không đủ yêu thương. 2 vấn đề không liên quan đến nhau, như thể việc nhiều người thích ăn cơm nhà hơn đâu phải do cơm quán dở. Đôi khi, đó chỉ là lựa chọn, là thói quen thường ngày.

Trong giao tiếp vợ chồng, người xưa vẫn thường có nhiều câu nói: “Cơm sôi bớt lửa”, “Một điều nhịn chín điều lành”. Tôi nghiệm lại, vì nhiều lý do và bối cảnh xã hội nên những bài học này thường dùng để giáo huấn những cô gái trước khi về nhà chồng. Đó là thói quen nhẫn nhịn, cương nhu đúng lúc, “lạt mềm” giúp người phụ nữ có thể “buộc chặt”. Ở hoàn cảnh của tôi, một khi đã chọn xây dựng gia đình với người vợ hay mất bình tĩnh, tôi không thể áp dụng bài học chung - làm vợ nên nhịn chồng. Tôi phải đổi vai.

Thời gian đầu theo lời khuyên của bạn, tôi như người bộ hành bước đi trên sa mạc, mỗi bước chân đều chệch choạc, gập ghềnh, đôi lúc nản chí, tôi chỉ muốn tranh biện chuyện ai đúng ai sai.

Tôi tìm đọc thêm nhiều tài liệu. Một nghiên cứu do ông Lawrence Henry Summers công bố vào năm 2005 (lúc đó ông đang là Hiệu trưởng Đại học Harvard) đã chỉ ra rằng: phụ nữ có những thói quen cư xử không giống với đàn ông, dựa trên những điểm khác biệt cơ bản về di truyền. Theo đó, bộ não của nữ và nam khác nhau rất lớn về thành phần.

Ở nam giới, chất xám cao gấp 6 lần nữ giới; bù lại, chất trắng của nữ lại cao gấp 10 lần phái nam. Các tế bào thần kinh màu xám chịu trách nhiệm về lý trí. Chúng hình thành các "trung tâm phân tích thông tin". Còn các tế bào trắng là các chồi của tế bào thần kinh, phụ trách những xung nhịp liên quan đến cảm giác. Chính điều này khiến phụ nữ hay rơi vào trạng thái bồn chồn, tức giận, lo sợ, mất bình tĩnh… nhiều hơn.

Ảnh minh họa
Phụ nữ dễ mất bình tĩnh hơn nam giới (ảnh minh họa)

Những thông tin vừa đọc được như cơn mưa rơi xuống đúng lúc khiến tôi tự kiểm điểm, nhìn nhận lại tình hình. Tôi hiểu, có thể vợ tôi đôi lúc cũng không muốn bản thân cư xử vô lý, trút thêm áp lực xuống chồng con. Nàng chỉ là chưa thực sự nhận ra, chưa chiến thắng chính mình.

Cách lựa chọn của nàng khá trùng khớp với phần cuối cuộc trò chuyện giữa tôi vào cậu bạn trước đây. Bạn bảo, thường tình trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng muốn thay đổi người khác theo ý mình. Tuy nhiên, chính bản thân lại không chịu nổi sự gò uốn, áp chế rất chật chội của một “cái khuôn”.

Bạn đưa ra ví dụ, nếu tôi có tính cách trầm lắng, bảo thủ thì khi ai đó muốn lái tôi thành người sôi nổi, biết lắng nghe, tôi sẽ không dễ dàng chấp nhận.

Sự thay đổi chỉ đến khi tôi hạ quyết tâm chuyển hóa chính mình. Tôi sẽ trở thành người sôi nổi, hoạt bát khi chính tôi muốn như vậy, chứ không phải vì vợ tôi hay con tôi bắt ép, đưa ra điều kiện bắt buộc tôi phải sống khác trước đây. 

Tôi sẽ nhẫn nại thực hành nguyên tắc đèn giao thông của bạn. Tôi tin, một khi mình chấp nhận, mềm mỏng lờ đi cơn nóng giận vô lý ngắn ngủi của vợ thì nàng cũng sẽ dần tự thay đổi mà hạn chế “bật đèn”. 

Theo phụ nữ TPHCM