Nhan đề của hai bài viết Mình xấu xí thế này liệu chồng có chê? và Đẹp mới được chồng mê? khiến tôi liên tưởng đến hai trường hợp đình đám trong giới ngôi sao gần đây.

Người thứ nhất là diễn viên Diệp Lâm Anh. Nổi tiếng vì xinh đẹp, đa năng, từng được nhiều người (nhất là phụ nữ) ngưỡng mộ vì cuộc hôn nhân trong mơ, thế nhưng câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường của cô ấy vẫn không có được một kết thúc có hậu với nguyên nhân tan vỡ được cho là do người thứ ba.

Cô bạn cũ vừa gửi vào nhóm Zalo của lớp tấm ảnh hoa hậu Đặng Thu Thảo kèm lời bình "đẹp đẳng cấp như hoa hậu Đặng Thu Thảo có bầu vẫn xấu, bị chồng nhục mạ, ngoại tình, đánh đập".

Có thật rằng phải đẹp mới được yêu?
Có thật rằng phải đẹp mới được yêu? (Ảnh minh họa)

Dù hai trường hợp ngẫu nhiên được công bố rộng rãi trên truyền thông đại chúng cùng thời điểm nhưng bản chất cả hai sự việc khiến người ta không khỏi kết luận: "nhan sắc phụ nữ chính là nguồn cơn mọi khổ đau của họ".

Lúc còn trẻ, ắt hẳn cô gái nào cũng từng tin rằng đẹp thì sẽ dễ có người yêu, đồng nghĩa với việc dễ tìm được hạnh phúc. Lúc ấy, có lẽ cũng như bao nhiêu cô gái cùng trang lứa, họ chăm chút làn da, mái tóc, trang phục của mình từng ly từng tí, cứ ngỡ chỉ cần lơ là trong việc chăm sóc ngoại hình thì cuộc đời mình sẽ rẽ sang hướng khác u ám hơn.

Thế nhưng, chỉ đến khi đã trải qua ít nhiều trải nghiệm, người ta mới nhận ra nhan sắc của phụ nữ không tỷ lệ thuận với hạnh phúc trong hôn nhân, thậm chí còn ngược lại như một sự bù trừ của tạo hoá.

Những người đàn bà cạn nghĩ thường ganh tỵ với nhan sắc một người đàn bà khác mà ít khi nhận ra thượng đế vốn luôn công bằng, không ưu ái ai quá nhiều, nhưng cũng không tước đoạt của ai tất cả: sức khoẻ, nhan sắc, sự nghiệp, gia đạo... Vì thế, quá chú trọng nhan sắc mà bỏ lơ hoặc xem nhẹ những yếu tố khác e cuộc sống dễ rơi vào thế mất cân bằng.

Người viết từng chứng kiến nhiều phụ nữ nhan sắc chỉ ở mức trung bình, năng lực chẳng có gì nổi trội, gia cảnh làng nhàng nhưng lại sở hữu cuộc hôn nhân viên mãn. Ngược lại, báo chí vẫn đưa tin siêu mẫu này, hoa hậu kia trắc trở về đường hôn nhân.

Mới hay, nhan sắc chỉ là một trong những tấm giấy thông hành đi đến tình yêu chứ không phải chiếc thẻ bảo hành cho tình yêu vĩnh cửu. Nhiều người qua trải nghiệm trở nên tin vào duyên số, dù lúc trẻ chẳng buồn nghe những chuyện tâm linh.

Khi còn trẻ, người ta có khuynh hướng xem tình yêu là tất cả nên sẵn sàng làm mọi thứ để có được tình yêu hay níu giữ tình yêu ở lại nhưng khi đã trải nghiệm đủ nhiều, người ta lại đề cao cảm xúc bản thân.

Các cô gái trẻ có thể thay đổi kiểu tóc, màu son hay bộ váy áo chỉ để làm vừa lòng người yêu, nhưng một phụ nữ trung niên lại tự tin với hình ảnh của chính mình trong gương chứ không phải trong mắt của gã đàn ông nào đó. Là vì họ hiểu hạnh phúc chỉ là khi họ hài lòng với chính mình chứ không phải với việc chiều chuộng hay đuổi theo cảm xúc của một ai đó.

Đừng làm đẹp bằng mọi giá chỉ để níu chân người đàn ông (Ảnh minh họa)
Đừng làm đẹp bằng mọi giá chỉ để níu chân người đàn ông (Ảnh minh họa)

Rõ ràng, tình yêu của người trẻ khác, của người đã qua thăng trầm cũng khác, tình yêu của người giàu khác, của người nghèo cũng khác. Đừng chạnh lòng nếu thượng đế không ban cho ta một hình thức ưa nhìn, cũng đừng làm đẹp bằng mọi giá để giữ chân một ai đó, trừ khi điều đó khiến ta hài lòng với chính mình và trở nên tự tin. Khi người ta đã không còn yêu thích, thì chiêu chước gì cũng không giúp ta giữ họ lại, đến hoa hậu mà họ còn bỏ đi kia mà.

Theo phunuonline.com