Hồi mới vào TPHCM, tôi đến ở nhờ nhà chị gái một thời gian. Thời đó anh rể làm ăn có tiền, chị tôi ở nhà nội trợ. Anh rể rộng rãi với vợ, bất kỳ khoản tiền nào đưa cho chị, anh đều đưa dư.
Tôi nhớ, mỗi buổi chiều đi làm về, anh lấy ví ra, tháo dây chuyền, nhẫn để hết trên bàn. Tiền lẻ vài ba trăm ngàn, khi nhớ thì anh lôi ra khỏi túi, khi có men bia trong người thì anh thảy luôn quần áo có tiền vào máy giặt.
Mấy lần chị tôi “nhặt” được tiền của anh khi giặt quần áo, sau này trước khi giặt, chị moi hết các túi áo, túi quần của anh rể ra, dường như lần nào cũng có vài ba trăm ngàn đồng. Lúc đó tôi thầm nghĩ, riêng số tiền chợ dôi dư mỗi ngày, rồi tiền “nhặt” được từ chồng, nếu dồn lại, có khi bằng lương của một công chức có thâm niên.
Chị tôi là phụ nữ biết tích cóp. Ngoài tiền chồng cho mua sắm, mà chị chẳng dùng mấy, cộng với số tiền rơi vãi trong máy giặt, tiền chồng “vứt” trên bàn khi thay quần áo… chị đều đặn ra ngân hàng gửi. Chị là người chịu “nhặt”, còn anh là người biết “vứt” tiền có nơi có chỗ, anh không dư tiền đến nỗi phung phí bên ngoài. Anh đi mua đồ biết mặc cả, biết ai có ý đồ lợi dụng, biết cân nhắc chi tiêu.
20 năm làm vợ, số tiền chị “nhặt” được từ anh khá lớn. Chị bảo, sau này nhỡ hôn nhân trục trặc, hoặc vợ chồng có nghèo đi thì chị cũng còn chút vốn liếng.
Nỗi lo như vận vào chị. Một thời gian sau đó anh làm ăn thua lỗ, chỉ còn giữ lại được căn nhà. 20 năm kết hôn, tài chính một tay chồng lo. Khoảng thời gian ấy, cả gia đình sống sung sướng, tận hưởng mọi điều tốt đẹp. Khi chồng làm ăn thất bại, chị chẳng hề trách cứ. “Anh có muốn thế đâu”, thậm chí chị cảm nhận, chia sẻ được sự đau khổ của chồng. Phần anh rể tôi, thương vợ con bao nhiêu, trách mình bất cẩn, tính toán sai lầm để rồi không còn cơ hội vực dậy, lấy gì nuôi vợ con…
Vài ba tháng đầu sau làm ăn thất bại, dù cuộc sống không sung túc như trước, nhưng mọi sinh hoạt diễn ra khá ổn.
Bữa cơm vẫn đầy đủ dưỡng chất, tiếng cười vẫn rổn rảng. Anh rể thầm quan sát và nghĩ chắc vợ chỉ cầm cự chừng nửa năm là cùng. Anh đâu có ngờ vợ đã có số tiền kha khá trong ngân hàng, mỗi tháng lấy tiền lãi cũng đủ chi tiêu.
Chưa bao giờ anh thấy vợ mình… vĩ đại như lúc này.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Từ một người đàn bà quẩn quanh bếp núc, đến khi gia đình lâm nguy, vợ như thiên thần hộ mệnh. Còn anh, lúc nắm trong tay mấy chục tỉ đồng, nhưng chưa từng nghĩ về chuyện rủi ro. Chị gái tôi biết tính chồng chủ quan, luôn cho mình hơn người, nên chị cứ thu vén, phòng hờ. Để rồi, sự “ra tay” giữa lúc chồng cùng đường như một minh chứng cho câu nói: Hạnh phúc là sự góp nhặt, như chiếc áo ấm giữa ngày phong ba, bão táp.
Chị bảo ông xã đừng nghĩ ngợi gì nhiều, anh vất vả 20 năm nay rồi, 20 năm đó, các thành viên trong gia đình đã tận hưởng đủ thứ, cũng đã mãn nguyện. Khoảng thời gian sau này chẳng cần chi tiêu gì nhiều. Các con, đứa tốt nghiệp đại học, ra trường có việc làm ngay, đứa thì học năm cuối, như thế là ổn rồi. Tiền lãi mỗi tháng, coi như lương hưu thuộc hàng khá của anh chị, vợ chồng dư sức chi tiêu.
Chị khuyên chồng bớt nghĩ chuyện làm ăn kinh tế, mà lên kế hoạch những cuộc rong ruổi cùng vợ, điều mà ngày trẻ chưa làm được, vì thời đó ít có thời gian.
Cha mẹ tôi hay nhắc 4 chị em gái hãy nhìn tấm gương vợ chồng chị mà bắt chước. 2 người ấy dù không phải hoàn hảo, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng tôn trọng nhau. Ngày kinh tế còn khấm khá, hay khi làm ăn thất bại, họ không phân biệt ai làm ra tiền, ai không làm ra tiền.
Chị của tôi, không đơn giản là người đàn bà nội trợ, mà đã là người hùng của anh rể tôi khi biết phòng bị rủi ro cho cả nhà. Chị tôi luôn hạnh phúc với những gì mình đã làm để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Người ta hay nói: Nếu một phụ nữ hạnh phúc, cô ấy sẽ biết cách làm cho gia đình hạnh phúc, hoặc cô ấy lan tỏa năng lượng tích cực đến các thành viên khác, giúp gia đình hạnh phúc. Tôi đã thấy bóng dáng chị tôi trong câu nói trên.
Theo phụ nữ TPHCM