Hẻm tôi ở khá dài, chừng 60 gia đình, chủ yếu gia đình trẻ. Đàn ông ở đây hầu hết biết nhậu. Từ ngày có cao điểm xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đàn ông trong hẻm tôi rủ nhau nhậu ở nhà.
Từ chỗ không quá thân thiết, thậm chí có những người chưa biết mặt nhau, bia rượu đã khiến họ trở nên gần gũi. Căn hẻm bây giờ tối nào cũng vài ba bàn nhậu. Dù mấy ông đã ý tứ không nói to tiếng, sợ ảnh hưởng tụi nhỏ học hành, ngại mấy bà vợ rầy; nhưng nói gì thì nói, chồng nhậu đâu khuất mắt không biết, bày biện trước mắt thường xuyên, vợ nào không rầu cho được.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ban đầu mấy bà yên tâm khi chồng nhậu gần nhà, không lo tai nạn, không sợ cảnh sát, chẳng sợ gái gú. Còn mấy ông, ỷ gần nhà, có say cũng chỉ vài bước chân là vào tới giường nên cứ cụng ly bôm bốp, có hôm 12 giờ khuya vợ con đi ngủ mà chồng vẫn còn “dô dô” ngoài ngõ. Bà vợ nào cũng âm thầm quan sát và thầm nghĩ chiêu để “cai” bớt việc nhậu nhẹt của chồng, nhất là khi nghe mấy ổng kết luận bây giờ nhậu ở nhà là sướng nhất, an toàn nhất.
Chỉ cần nâng ly bia lên, đàn ông dễ dàng kết nối... chiến hữu. Nhậu vô, mấy ông chồng mặc sức vui vẻ, trước lạ sau quen. Từ ngày nhậu ở nhà, các ông nhậu nhiều hơn vì nghĩ đơn giản: nhậu ở nhà là coi như... ở nhà rồi, vợ con yên tâm rồi. Chồng nâng ly “dô dô” ngoài ngõ, trong nhà vợ tất bật con cái, việc nhà, có khi giờ cơm cũng chẳng có mặt người chồng, người cha.
Chứng kiến cảnh tượng này, chị Hà - nhà đầu hẻm - nói... lén: “Thà dắt nhau đi đâu nhậu cho khuất mắt. Chồng ngồi sờ sờ ra đó, vợ thì bao nhiêu việc, tức chết mất”. Đã có vài ba bà vợ bắt đầu “mắng vốn” nhau kiểu “Hôm nay chồng cô Hạnh rủ rê mấy ổng trước nha”.
Cô Hạnh chẳng vừa: “Chồng tôi rủ, nhưng chồng mấy bà đâu phải trẻ con, có quyền từ chối mà”. Còn cô Phượng thì “Tưởng xử phạt căng, chồng sợ mà giảm nhậu, ai dè nhậu càng nhiều hơn”.
Sau 1 tháng chồng nhậu gần nhà thoải mái, tôi tâm sự với chồng về những gì tôi nghĩ, tôi nghe, tôi thấy. Chồng tôi than thở: “Đàn bà thật lạ. Chồng nhậu xa thì bảo rủi ro, nhậu gần thì bảo ngứa mắt. Nhậu có phụ nữ đẹp thì bảo chê vợ xấu đi tìm gái đẹp. Nhậu với phụ nữ có nghề nghiệp, tính cách không thiện cảm thì bảo sao lại giao du với mấy “ngữ” ấy... Nhậu là thú vui của đàn ông. Nhậu nhưng vẫn đảm bảo tài chính nuôi vợ con thì xin thông cảm cho. Lơ đi là được”. Ngôn ngữ của mấy người mê nhậu là vậy.
Nhưng chồng tôi chỉ nói vậy chứ anh cũng chịu nghe. Tôi bảo với anh về sự bất hòa giữa các bà vợ hàng xóm khi các ông chồng bày bàn nhậu trước nhà. Chưa kể “rượu vào, lời ra”, sớm muộn gì cũng lời qua tiếng lại giữa bạn nhậu với nhau. Có câu “Bán bà con xa mua láng giềng gần”, để xóm làng bình yên, tối lửa tắt đèn, nương tựa nhau mới phải. Tình làng nghĩa xóm xây dựng bao lâu nay, đừng vì ly rượu mà đổ vỡ thì uổng phí. Thỉnh thoảng cà phê, uống trà; muốn nhậu thì tối thứ Bảy nhậu thoải mái, vì sáng Chủ nhật được nghỉ, không sợ đo độ cồn.
Nhậu ngày thường, sáng đi làm vẫn còn độ cồn trong máu, cảnh sát tuýt còi thì bị phạt tiền, giam bằng lái, chưa kể hiệu quả làm việc giảm sút, rước bệnh vào thân, tốn tiền vô lý. Điều quan trọng là phải dành thời gian cho gia đình. Tôi không muốn sau cuộc nhậu, chồng vác cái xác không hồn vào nhà.
Nhậu ở nhà đâu phải để vợ con yên tâm khi được nhìn bóng dáng chồng/cha. Trách nhiệm của người đàn ông phải đặt đúng chỗ, không phải để trên bàn nhậu, không phải mang tiền về là xong việc.
Có thể mấy bà vợ hàng xóm cũng tâm tình với chồng về chuyện nhậu nhẹt và dần có hiệu quả. Mấy ông dần dần nhậu thưa ra, có tối chuyển sang đánh cờ, uống trà. Nhóm phụ nữ xóm tôi vui ra mặt, hứa với nhau mỗi tối thứ Bảy sẽ làm mồi nhậu hoành tráng cho các ông giải mỏi sau một tuần lao động mệt nhọc.
Theo phụ nữ TPHCM