Từ khi phải ăn kiêng, mẹ rất khó tính (ảnh minh họa)
Từ khi phải ăn kiêng, mẹ rất khó tính (ảnh minh họa)


Đi làm về muộn, thấy mẹ đang ngồi trên ghế với nét mặt không vui, tôi biết chắc mẹ lại vừa xung khắc với con dâu.

Tôi không hỏi cũng đoán ra là chuyện gì. Chuyện bữa cơm thường ngày thôi. Và cũng giống như bao nhiêu gia đình, phải 1 bếp 2 mâm, 1 mâm 2-3 chén nước chấm. Từ ngày mẹ tôi phát hiện bệnh tiểu đường, phải điều trị theo căn dặn của bác sĩ, việc ăn uống của gia đình xáo trộn ghê gớm.

Đầu tiên, mẹ tuyệt đối không đụng đến đường. Chị dâu tôi người miền Tây, có thói quen nêm đường khi nấu ăn. Việc này ban đầu cả nhà tôi không quen, nhưng do thương chị dâu lấy chồng xa, nếu bị bắt bẻ việc bếp núc thì thêm căng thẳng, nên cả nhà cứ ăn và… quen từ lúc nào không rõ.

Thế rồi từ khi mẹ tôi phải ăn kiêng thì thói quen nêm đường vào món ăn của chị dâu thành cơn cớ mâu thuẫn. Bữa cơm nào mẹ cũng “tra hỏi”: “Món này/món kia có đường không?”.

Chị dâu mới đầu chưa quen với việc ăn kiêng của mẹ, nên luôn phải xin lỗi vì nêm đường theo thói quen. Lập tức mẹ trừng mắt: “Nêm đường thì mẹ ăn thế nào được?”. Rồi bà giận dỗi, bữa cơm thế là mất ngon.

Kế đến là các món chiên, xào. Thấy mâm cơm có món dầu mỡ là mẹ không hài lòng. Hôm nào chị dâu lỡ tay cho hơi nhiều dầu ăn, mẹ tôi nhất định phải gạt bớt nước xào có chứa dầu ăn ra. Bà nói dầu mỡ không tốt cho sức khỏe. Chị dâu tôi cãi: "Dầu mỡ chỉ không tốt cho sức khỏe khi dùng quá nhiều". Thế là mẹ chồng con dâu căng thẳng.

Tiếp theo là các loại rau củ. Có loại mẹ được ăn nhiều, có loại chỉ được ăn ít, hay thậm chí không nên ăn. Chị dâu đi chợ về là mẹ lục tung cái làn kiểm tra xem có loại rau củ nào bà không được ăn mà con dâu vẫn mua về nấu hay không.

Cuối cùng, mẹ muốn mâm cơm phải nhiều thức ăn mặn. Bà nói bệnh tiểu đường không cho phép bà ăn nhiều cơm, vì nó nhiều tinh bột, nhưng phải ăn nhiều thịt và các món rau. 

Chị dâu tôi nói không nên ăn quá nhiều món đạm trong một bữa, cơ thể sẽ vất vả xử lý nhiều sẽ mỏi mệt. Mẹ tôi phản đối, bà nói con dâu lý sự để lười, không quan tâm đến sức khỏe của mẹ.

Ăn kiêng hay không, niềm vui trong bữa ăn mới là quan trọng (Ảnh minh họa)
Ăn kiêng hay không, niềm vui trong bữa ăn mới là quan trọng (ảnh minh họa)


Nhiều lần chứng kiến những bữa cơm nặng nề như đeo đá do mẹ liên tục tra hỏi đường, dầu, sao không làm món này, sao không làm món nọ... chứng kiến sự chịu đựng của chị dâu, tôi biết sẽ có ngày những ấm ức bùng nổ.

Tôi cất túi rồi góp ý với mẹ: "Mẹ bệnh, mẹ ăn kiêng, nhưng không có nghĩa mẹ bắt cả nhà ăn kiêng theo mẹ. Các cháu còn nhỏ, chúng cần được ăn ngon, được ăn đa dạng thực phẩm. Bố và anh tôi cũng khá kỹ tính trong ăn uống, nay mẹ lại làm khó người nấu thế này, người giỏi lắm cũng chỉ chịu đựng được dăm ba bữa".

Mẹ tôi bực dọc: “Bệnh từ miệng mà ra cả. Không kiêng, đến lúc cả nhà ôm bệnh vào người còn khổ hơn”.

Tôi vẫn kiên trì: "Mẹ à, ăn kiêng là việc khó khăn với những người có thói quen ăn uống vài chục năm rồi, có một số điều cần thay đổi, nhưng đừng làm khó chị dâu và mọi người. Không vui, thì bữa ăn có nấu khéo đến đâu cũng đều khó nuốt mẹ à. Con nghĩ ăn kiêng không quan trọng bằng việc có vui khi ăn hay không. Hay là con và mẹ tách ra nấu ăn riêng, không phiền chị dâu nữa?".

Mẹ giãy nảy phản đối chuyện tách bếp, bà cho là tôi nói tầm phào. Suốt buổi tối mẹ ấm ức nhìn tôi, mặt bà vẫn buồn, nhưng có vẻ bà đã hiểu...

Theo phụ nữ TPHCM