leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Trong giới làm ăn, anh Khánh - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân - nổi tiếng vì có người vợ luôn theo anh sát nút. Anh đi đâu chị Linh cũng đi kèm.

Nếu anh đi một mình, y như rằng đang ngồi vui vẻ với bạn bè chưa nóng chỗ thì thấy chị Linh đến tìm với ngàn lẻ một lý do. Chị Linh chưa bao giờ an tâm khi chồng mình đi chơi với bạn bè, lúc nào chị cũng sợ anh… hư.

Sự “kèm cặp” của chị Linh khiến anh Khánh ngày càng bị bạn bè xa lánh, ngại tiếp xúc, anh luôn cảm thấy không thoải mái, đôi khi còn là đề tài cho mọi người bàn tán trong các bàn nhậu.

Những khi anh đi một mình thế nào cũng có người nói: “Lo mà về nhà sớm, kẻo có người đến kiếm”. Cho đến một ngày sự việc nào cũng có giới hạn của nó. Hôm đó anh đang cùng bạn bè vui vẻ với nhau thì nhận được điện thoại của chị Linh hỏi anh đang ngồi ở đâu. Vì không muốn vợ đi tìm mình như mọi khi anh không trả lời và tắt máy.

Chị Linh ở nhà hoang mang không biết có chuyện gì hay không mà anh đột nhiên điện thoại cúp. Vốn tính hay lo và đa nghi, chị vẽ ra trăm tình huống đang xảy đến với chồng. Cuối cùng không chịu nổi, chị xách xe đi tìm. Đến một quán quen thấy anh Khánh đang vui vẻ nâng ly trăm phần trăm với bạn bè, bên cạnh có 2 em tiếp thị bia mặc váy ngắn màu đỏ cười nói rót bia. Máu nóng ở đâu dồn lên mặt, chị giận dữ nghĩ "trong khi mình ở nhà trông đứng trông ngồi lo lắng không biết ổng có bị gì không, thì ở đây ổng vui vẻ, cười nói".

Cạn nghĩ, chị bước thẳng đến bàn anh Khánh dằn cái ly anh đang cầm xuống mặt bàn: “Có phải tại 2 con này mà anh tắt điện thoại không?”.

Cả bàn nhậu đang ồn ào, bỗng im phăng phắc. Anh Khánh sững sờ, nhìn không chớp mắt vào vợ mình. Chưa bao giờ anh thấy chị xấu đến như vậy: tóc tai bù xù, mặt đỏ bừng, son đi đường son, phấn đi đường phấn, quần áo xốc xếch…

Chẳng nói chẳng rằng, anh Khánh đứng dậy bỏ đi một lèo ra xe. Cuối cùng điều không muốn đã xảy ra: họ chia tay vì không chịu đựng nổi nhau. 

Gia đình chị Châu và anh Tú trải qua nhiều cơn sóng gió vì tính đa nghi và ghen tuông của chị. Thật ra, không phải chị ghen không có cơ sở. Anh Châu vốn là người bay bướm, thích tán gái. Lần đó, anh "dính bẫy" một cô gái và phải sống chung cùng chu cấp cho cô ta hàng tháng. Khi chị Châu biết, không thể diễn tả nổi những xung đột trong gia đình chị lúc ấy, tưởng là sẽ ly hôn.

Năm đó, con trai lớn của anh chị thi đại học, sự cãi vã to tiếng của cha mẹ hằng ngày khiến cháu không thể tập trung học và đã thi rớt. Đến khi cháu dọa đi bụi đời, anh Châu mới trở về nhà và vợ chồng đành nuốt giận, bỏ qua hết vì con. 

Giờ đây, anh Châu như bị nhốt trong lồng, muốn đi đâu phải "khai báo rõ ràng". Sau khi khai báo rồi, chị Châu còn sai người làm theo dõi có đúng anh đến địa điểm đó không. Sau đó, nếu lâu quá chưa thấy anh về, chị lại đi tìm. Người ta vẫn thường thấy cảnh chị Châu lảng vảng ở quán cà phê khi anh Tú đánh cờ, hay khi anh đang ngồi với bạn bè ở quán quen. Những khi ấy, bạn bè anh Tú lại nháy: "Cán bộ đi kiểm tra, thị sát tình hình”. 

Một sáng Chủ nhật, những ai đi bộ thể dục chứng kiến cảnh tìm chồng của một người vợ đều thấy xót xa. Vừa dựng chiếc xe đạp, chị nhảy bổ vào một quán cà phê, túm lấy anh chồng, vừa la, vừa khóc: “Ông đưa cho tui 1 tháng có 3 triệu, rồi phó mặc hết cho tui, chẳng biết con cái sống thế nào. Cả tuần ông không về nhà, ông đi đâu, theo con nào?”.

Anh chồng có lẽ bị tấn công bất ngờ nên khựng lại một chút, sau đó đứng lên nắm lấy tay người phụ nữ kéo ra xe: “Về nhà đi, rồi tui về”.

Người phụ nữ dùng dằng không chịu về nếu không có chồng đi cùng. Giằng co một hồi, anh chồng tức quá đánh chị vợ mấy bạt tai. Người đi đường xúm lại can gián, anh chồng rồ xe chạy mất, bỏ lại sau lưng chị vợ tóc tai rũ rượi, mặt mày bê bết nước mắt...

Chị Hằng và anh Toán lấy nhau trải qua bao nhiêu sóng gió. Họ đến với nhau lúc cả hai đều có gia đình, và theo lời của họ thì gia đình cả hai không hạnh phúc. Vợ anh Toán sau một thời gian ghen tuông dữ dội, đành chấp nhận ly hôn. Từ ngày lấy nhau, chị Hằng theo anh Toán sát nút, anh đi đâu chị cũng theo.

11 giờ đêm anh chưa về nhà là chị xách xe đi tìm, không ai lạ gì cảnh chị Hằng đêm đêm chạy xe một mình ngoài đường hớt hơ, hớt hải. Quan điểm của chị: “Ai biết được ổng làm gì, rồi lại bia bọt sa vào gái…”.

Mọi người nói chị nên “rút kinh nghiệm” sợ mất chồng từ vợ cũ anh Toán. Rồi một lần, sự chịu đựng của anh Toán cũng có giới hạn. Hôm đó, anh Toán đang vui vẻ với bạn bè, chị Hằng bỗng dưng lù lù xuất hiện kéo anh Toán về nhà. Anh Toán chẳng những không về mà còn quay vào quán kêu to: “Cho thêm 2 két nữa”. Không chỉ mình chị Hằng chưng hửng mà cả bàn nhậu ai cũng… hết hồn!

Thâm niên trong việc đi tìm chồng có lẽ không ai qua được bà Bảy. 40 năm sống chung là từng ấy thời gian bà xách nón đi tìm chồng. Giờ đây nghĩ lại bà vẫn thường nói với con cháu: “Mãi đến khi ổng chết, tao mới hết đi tìm. Nghĩ sao mà dại, vì ghen tuông, bỏ con còn nhỏ xíu đi tìm chồng. May mà hồi đó chẳng có việc gì xảy ra”.

Đó cũng là kinh nghiệm xương máu của bà Ánh một thời đi tìm chồng. Giờ đây nhớ lại bà vẫn còn rùng mình: “Hôm đó 12 giờ khuya rồi mà ổng chưa về, nóng ruột quá tui xách xe đi tìm, bỏ 2 đứa nhỏ 5 tuổi, đứa 3 tuổi đang ngủ. Hồi đó còn thắp đèn đầu, con mèo nhảy làm đổ cây đèn, lửa bắt cháy tấm rèm, khi bắt đầu lan sang cái mùng thì tui vừa về đến. Ôm được 2 đứa nhỏ ra khỏi nhà mà tui vẫn chưa hoàn hồn. Nghĩ dại ghê, từ đó thôi hẳn việc đi tìm ổng, mặc cho ổng đi đâu thì đi”.

Từ kinh nghiệm trên, bà Ánh và bà Bảy đều đồng ý: Ghen tuông và đa nghi luôn làm người ta mù quáng và cạn nghĩ. Phụ nữ nên nghĩ đến bản thân mình và những đứa con trước khi nghĩ đến việc ông chồng bây giờ đang làm gì, ở đâu. Khi đầu óc không tỉnh táo, chạy xe ra đường, loanh quanh tìm kiếm, dễ xảy ra tai nạn giao thông, lúc đó chỉ có những đứa con bị thiệt thòi.

Biết đi, tự khắc biết về, ở đời cái gì càng cố giữ càng dễ mất; con cái là quan trọng, bỏ bê con cái để đi tìm chồng là việc không nên”.

Theo phụ nữ TPHCM