Sự nhỡ nhàng của người chị có rất nhiều nguyên do từ hoàn cảnh gia đình bởi có mười mấy năm ròng, nhà chị chịu cảnh nghèo túng. Cha mẹ đau ốm lất lây mà đám em lại đông quá thể. Cả bầy non chục đứa nheo nhóc, lầm lụi. Cái khó khổ, cùng cực cứ bấu níu lấy chị, mỗi lúc thêm chặt thêm sâu, không làm sao gỡ nổi. Mà gỡ bằng cách gì? Lương giáo viên mẫu giáo chị nuôi được thân mình đã giỏi, lấy đâu… 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Hằng đêm, chị cặm cụi bên cái máy may cũ kỹ đến mờ mắt, run tay vì đói ăn và thiếu ngủ thì cũng chỉ thêm được vài bó rau cho bữa cơm nhà có một chút xanh xanh, cho đám em quơ đũa không phải rụt rè. Trước tình cảnh đó, người con trai nào đến với chị mà không phải lòng… chùng và chân… chựng. 

Anh - người chị yêu - chắc cũng thế nhưng được cái thực lòng và tâm huyết. Anh quyết mà chị lại không. Làm sao mà nỡ cột buộc người ta. Mà bỏ mặc người thân, vùng thoát ra để hưởng lấy cái sung sướng, hạnh phúc một mình, chị lại không đành lòng. Thế là… lỡ đò, lần một, lần hai, lần ba… và rồi cả đời. 

Những chuyến tàu chở hạnh phúc lứa đôi cũng vẫn ghé qua chỗ chị nhưng chị luôn là người đến ga muộn để rồi cay mắt nhìn đoàn tàu chuyển bánh và lướt đi ngay trước mặt mình. Dăm lần như thế háo hức nào còn, ham muốn nào có đủ?

Người em chưa kịp lớn đã thấu hiểu sâu sắc cái khổ nhục của người nghèo và quyết lòng vượt qua. Muốn thế thì phải học. Mà muốn học thì phải tự thân. Để có được bằng đại học thứ nhất, người em đã phải bươn chải với đủ thứ nghề. Vốn liếng chữ nghĩa ngang bằng vốn liếng đắng cay trong suốt những tháng năm mưu sinh, ngay trên ghế giảng đường. 

Ra trường, người em kiếm được việc làm rồi thăng tiến trong nghề nghiệp. Vinh quang tới đâu thì cay cực tới đó. Tâm hồn, theo đó, cũng vất vả. Bao lần người em bóp thắt trái tim để nhắc mình: hãy khoan, hãy chờ, hãy đợi… 

Lần thì chờ để kiếm thêm tiền cất cho cha mẹ cái nhà. Lần thì đợi để lấy cho rồi tấm bằng đại học thứ hai. Lần thì lo cho căn bệnh của mẹ, cái chết của cha. Lần thì gả chồng cho đứa em, lấy vợ cho người anh đã đứng tuổi… Bắt trái tim mình hãy khoan, hãy chờ, hãy đợi… thì được nhưng còn trái tim người ta… Cái giá phải trả cho sự thành đạt của một người, lại là phụ nữ, luôn rất đắt. 

Đã bao lần người em bật khóc một mình khi tiễn đưa một cuộc tình và say một mình trong ngày cưới của ai đó. Chữ hy sinh thấm đẫm nước mắt xót xa. 

Năm nay, người chị 51 tuổi và người em tròn 48. Chẳng ai muốn nhắc với họ về tuổi nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn nhắc với nhau, đôi khi cũng có cả tôi. Nhắc tới, người chị lại thở dài: thôi thì nhờ vậy mà được sống gần nhau. Nhắc tới, người em lại chép miệng: có vậy cả 2 mới được ở chung nhà. Nghe trong cách nhắc rất nhiều nỗi ngậm ngùi, cũng may là nỗi ngậm ngùi không phải lẻ riêng. Tôi nghe và lặng người trong nỗi buồn nhưng cũng mừng vì có chị có em, nỗi quạnh đơn cũng hao hụt.

Đêm qua, trời bỗng đổ cơn mưa lớn. Người chị đang ở nhà một người quen, vội băng mưa trở về. Người em ra đứng hẳn ngoài mưa đón đợi. Tôi nghe được tiếng cười từ ngôi nhà họ. Những tiếng cười có gộp chung hòa lẫn, những tiếng cười có đôi… 

(Thương tặng P.M.)

Theo phụ nữ TPHCM