Đọc Người đẹp trên... mây của anh Đỗ Hòa trên Báo Phụ nữ TPHCM ngày 15/5, về những trường hợp quý ông bị lừa trên mạng, tôi tự hỏi tại sao tác giả không có một dòng nào cảnh báo cho phụ nữ. Thống kê cho thấy, phụ nữ bị lừa và tổn thương nhiều hơn vì những tài khoản mạo danh.

Lên mạng gặp toàn “chuẩn men”

Trang cá nhân của tôi chỉ phục vụ cho sở thích làm vườn. Tôi tham gia các hội hoa cỏ, cây cối. Bạn bè kết nối chủ yếu là phụ nữ có cùng đam mê. Thế nhưng ngày nào cũng “một mớ” đàn ông vừa đẹp trai vừa tài giỏi nhảy vào kết bạn. Các anh là người Việt, Hoa, Singapore, Thái… đang sinh sống ở Mỹ, Đức, Anh… Ai cũng đang làm những nghề hot-hit. Mười người như một, độc thân, ưa nhìn và hình như lên mạng chỉ để kết bạn với phụ nữ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đôi khi thử bấm xem hồ sơ các anh, thấy có nhiều bạn chung, mà bạn của tôi chủ yếu từ các hội hoa. Tôi đoán, bọn lừa đảo nấp sau các tài khoản giả mạo đã lần mò đến những hội nhóm nơi chị em tập trung đông để kết nối hàng loạt. Khi có nhiều bạn chung, chị em sẽ dễ tin tưởng anh ta hơn. Lúc này, kẻ giấu mặt bắt đầu tiếp cận mục tiêu, nhắn tin trò chuyện, nhanh chóng kết thân.

Tùy theo sở thích, nội dung bài đăng và thói quen đọc của chị em, bọn lừa đảo sẽ gửi “đội bạch mã thiên thần” phù hợp đến tận nơi. Ai mê xem phim Hàn Quốc sẽ gặp toàn đàn ông Hàn sáu múi bảnh bao với ngập tràn hình ảnh sang chảnh. Ai quan tâm học thuật sẽ thấy mấy anh kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, luật sư, sĩ quan quân đội ở trời Tây. Họ rất thích đóng vai các ông bố độc thân giàu có.

Chuyện phiếm với nhau, một chị đùa: “Sao đàn ông trên mạng với đàn ông thực tế ngoài đời khác xa đến vậy? Hãy nhìn từng đợt sóng “chuẩn men” ào ạt đập vào mắt, quan tâm mình, thương yêu mình. Nếu đó là tài khoản thật thì cuộc đời này đúng là đẹp như mơ”. Thật và ảo chỉ cách nhau vài cú lướt phím. Họ ảo cả đấy. Nhưng nếu chị em lơ là không cảnh giác thì mất tiền, mất tài sản và chịu tổn thương nặng nề là rất thật.

Một nạn nhân điển hình

Đội quân lừa đảo dùng rất nhiều thủ đoạn, khó lòng liệt kê hết được, để chiếm lòng tin của bạn, sau đó lấy hết tiền, thậm chí dụ dỗ chị em vay mượn khắp nơi để trao cho chúng. Bọn bất lương ấy sẽ vơ vét cho đến khi bạn không còn đào đâu ra tiền nữa. Biết bao người đã chịu cảnh tủi nhục nợ nần mà phải câm nín, không dám thổ lộ với ai.

Để hình dung về nhóm nạn nhân là phụ nữ, chúng ta thử tìm hiểu một trường hợp đàn ông điển hình bị lấy cắp hình ảnh, thông tin để tạo tài khoản giả mạo. Anh là Huynh Wynn Tran, bác sĩ gốc Việt ở Mỹ. Bác sĩ Wynn Tran có kênh YouTube và trang cá nhân trên Facebook, chuyên nói chuyện về sức khỏe, được đông đảo người Việt khắp thế giới quan tâm. Facebook của anh có hơn 150.000 lượt theo dõi và kênh YouTube có trên 700.000 người đăng ký.

Thử gõ tên anh vào ô tìm kiếm của Facebook, sẽ thấy hàng loạt trang giả mạo với hình ảnh và nghề nghiệp của anh, nhưng nơi sống lại rải rác khắp nơi. Đó là chưa kể hàng trăm tài khoản giả nữa sử dụng ảnh của bác sĩ với những tên gọi khác. Nhiều phụ nữ sau khi mất số tiền lớn đã tìm cách liên hệ với “chính chủ” các bức ảnh. Đến tận lúc ấy vẫn có người còn chưa tin mình đã bị lừa, vì vị “bác sĩ thật” bảo chưa từng quen biết họ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Wynn Tran liên tục nhắc nhở trên các video và bài viết mới rằng anh chỉ nói chuyện về sức khỏe, không bán các thiết bị y tế, thuốc men, cũng không nhắn tin, trò chuyện riêng với bất cứ ai. Anh cũng lên tiếng nhờ cộng đồng chung tay lan truyền thông tin để mọi người không còn bị gạt. Nhưng kẻ xấu chẳng dừng lại. Các nữ nạn nhân tiếp theo vẫn đang vét tài sản âm thầm trao cho chúng.

Mảnh đất màu mỡ cho kẻ ác làm giàu

Khi nghe chuyện người này người kia bị lừa tình, lừa tiền, một số bạn tôi ngạc nhiên bảo sao lại dễ tin người trên mạng vậy. Rút kinh nghiệm, hễ đứa bạn thấy có trai đẹp nào xin kết nối, giao lưu là chặn ngay lập tức, khỏi bị làm phiền. Một bạn khác tự tin hơn, nói nhiều lúc nhìn mấy cái nick mới toanh biết là bọn lừa, mà không nỡ xóa hay chặn. Cứ để đó, lâu lâu lướt ngắm mấy anh trai “chuẩn men” rồi mơ mộng vu vơ, cảm giác cũng hay hay; hoặc lúc nào đầu óc căng thẳng thì trả lời họ vài câu ỡm ờ cho vui chứ thời nay, đào đâu ra những người lý tưởng như vậy, còn tình nguyện đến bên mình san sẻ buồn vui, cùng nhau vượt ngàn dặm xa xôi xây dựng tương lai.

Đọc thông tin về một phụ nữ bị lừa 400.000 USD, nhiều người không khỏi xót xa. Hỏi ra mới biết cô ấy đã vay mượn nhiều nguồn; bây giờ đã tổn thương tinh thần còn thêm nợ nần chồng chất. Một phụ nữ khác, chủ doanh nghiệp, đang kinh doanh ổn định. Nghe lời hứa hẹn của bọn bất lương núp sau bóng dáng một giáo sư rằng sẽ về Việt Nam kết hôn và đưa chị sang Mỹ lập nghiệp, chị gom hết tiền mặt đưa “chồng tương lai” mua đất. Dần dà, chị bán thêm tài sản, bán cả công ty và cầm cố căn nhà. Đến lúc này chị mới đi gặp luật sư xin tư vấn. Mọi chuyện phơi bày. Cả đời phấn đấu, phút chốc trắng tay.

Người ta nói thời nay, không có ngành công nghiệp nào siêu lợi nhuận như ngành… lừa đảo. Dù xã hội đang ra sức ngăn chặn, không gian mạng vẫn là mảnh đất màu mỡ cho bọn tội phạm tung hoành. Không còn cách nào khác, mọi cá nhân phải tự cập nhật tin tức, quan tâm nhắc nhở người xung quanh cẩn thận hơn. Kẻ ác vẫn rình rập chúng ta mỗi ngày. Lơ là, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin đều có thể khiến ta trở thành con mồi, tiếp tay cho tội phạm làm giàu bất chính.

Số vụ lừa tình, lừa tiền, quấy rối trực tuyến tại Việt Nam tăng 70% so với năm trước. Cứ 10 nạn nhân bị lừa đảo thì có 9 người là phụ nữ (hội thảo của Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - UN Women).

Theo phụ nữ TPHCM