Đọc những thông tin như bài viết “Bệnh dịch cô đơn đang lan rộng toàn cầu", đề cập đến vấn đề nhiều người già chết trong cô đơn, không ai phát hiện, chị Huyền trầm ngâm hồi lâu.
Từ ngày mẹ chị mất đến nay cũng đã 2 năm, dù nói thế nào, bố chị cũng không chịu đến sống cùng chị vì lý do: “Ở quê rộng rãi thoáng đãng rồi, lên thành phố gò bó không quen”.
|
|
Người già rất ngại làm phiền con cái (ảnh minh họa) |
Đối diện nhà chị Huyền có cụ bà neo đơn. 4 năm trước, gia đình anh con trai quyết định về tỉnh làm ăn, có bàn với cụ việc bán căn nhà ở thành phố để bà về sống với gia đình anh, nhưng bà từ chối. Bà bảo căn nhà là mồ hôi làm lụng cả đời, là chốn chứa đựng những kỷ niệm từng đứa con ra đời, bà không nỡ bán. Trước khi mất, ông cũng nói chỉ muốn được hương khói ngay tại căn nhà thân quen này.
Ba của chị Huyền năm nay đã hơn 70 tuổi. Hằng ngày ông đi bộ ra chợ rồi tự nấu ăn. Ông vẫn ra vườn phác cỏ, tưới cây… Thương cha tuổi già vất vả, chị ngăn không cho ba làm thì ông bảo làm việc cho khỏe tay khỏe chân.
Thật ra, ông làm để quên đi sự cô đơn. Chị Huyền day dứt nhiều, vì mùa hè vừa qua chị mời ông lên thành phố chơi, nhưng chỉ vui vẻ được mấy ngày thì vợ chồng chị bận công việc nên chẳng ai chở ông đi đây đi đó được. Quanh quẩn bức bí 4 bức tường, chẳng có ai trò chuyện nên ông đòi về quê. Ông ngại anh chị phải lo lắng thêm cho ông, ảnh hưởng công việc.
Trong sâu xa, bà cụ hàng xóm với chị Huyền không sống cùng gia đình con trai cũng là để tránh phiền phức mẹ chồng - nàng dâu. Bà và nàng dâu không hợp, cũng từng xảy ra lời qua tiếng lại, không muốn con trai khó xử nên bà chọn sống một mình.
Trò chuyện với chị Huyền, bà bảo có những đêm tim lên cơn đau tưởng không qua khỏi, nhưng do những lần trước cũng từng như thế mà không sao nên bà không dám gọi cho con trai. “Lỡ không có chuyện gì mà lại phiền con bỏ công việc chạy xe 100 cây số thì cô rất áy náy”.
Bà cụ chuẩn bị sẵn bức thư, chắc là di nguyện của bà. Lúc nào thấy mệt, bà lại đem ra để ở đầu giường để "lỡ có ra đi thình lình, thì con cháu về sẽ thấy". Bà cũng gửi chị Huyền sẵn một bộ chìa khóa nhà để nếu ngày nào đó không thấy bà ra ngoài, gọi không thấy trả lời thì có thể mở cửa vào nhà.
Thấy cảnh bà hàng xóm, chị Huyền càng xót xa nghĩ đến cha già lủi thủi một mình giữa căn nhà trong khu vườn lớn. Lỡ có chuyện gì xảy ra mà không có ai giúp kịp thời, chị sẽ ân hận suốt đời.
Có những ngày chị gọi điện thoại cho ba mấy lần không được và lo lắng không yên. May gần nhà ba chị ở quê có gia đình bác Bảy hàng xóm thân thiết nên chị cũng nhờ bác thăm nom giúp. Bác Bảy cũng tiết lộ đang giữ dùm bố chị một cái rương cùng lời dặn nếu ông qua đời thì giao lại cho chị. Người già ai cũng nghĩ đến lúc ra đi. Người già sống neo đơn càng lo liệu nhiều hơn.
Hôm qua, khi sang nhà cụ bà hàng xóm để đưa đĩa rau rừng luộc, chị vô tình nghe bà trò chuyện cùng với người chồng đã khuất trên bàn thờ: “Ông ơi, ông đi trước thật là có phước. Ông được tôi lo hậu sự không thiếu thứ gì. Giờ tôi ở lại suốt ngày một mình. Ông linh thiêng phù hộ để tôi có ra đi thì ra đi yên lành trong vòng tay con cháu...”. Chị Huyền nghe mà thắt lòng...
Theo phụ nữ TPHCM