Có người vẫn sợ “tính trước bước không qua”, nhưng có người vẫn mạnh dạn xây dựng kế hoạch mục tiêu trong thời khắc giao mùa, để tăng động lực phấn đấu hoặc đơn giản để mà… mơ mộng.
Đầu năm, thử đem máy tính ra thềm nhà, ngắm nắng xuân rực rỡ, ngắm vườn hoa reo cười theo gió, bạn viết vài dòng khai bút và nhấn phím F5 - refresh như một sự cam kết ngầm về “làm mới”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Nhà mình năm nay có gì mới? Làm mới có khó không? Làm gì cho mới? Làm sao để thực sự cải tiến mà không phải là “cải lùi”, nhất là cả nhà đồng loạt dịch chuyển chứ không phải riêng lẻ mỗi cá nhân?
Từ miền Nam ra Tây Bắc du lịch trong tiết trời giá lạnh, chị Hoàng Anh (nhân viên văn phòng tại quận 6, TPHCM) ngỡ ngàng, lâng lâng khi thức dậy, nhìn qua cửa sổ mờ sương, thấy chồng hí hoáy vẽ bức tranh trên nền sương mờ đục ấy.
Bị phát hiện “làm chuyện mờ ám”, chồng bối rối, đỏ mặt, che miệng cười rồi... chạy trốn, bỏ lại bức tranh còn dang dở nhưng cũng đã thể hiện thông điệp rõ ràng với hình con cua (biệt danh ở nhà của chị) kẹp con rồng (anh tuổi Thìn), làm nạn nhân đau, kêu á á.
Chị ngỡ ngàng hỏi “phải anh không vậy?”, bởi anh là dân kỹ thuật, vốn khô khốc, không biết đẩy đưa, hài hước, lãng mạn mà chị vẫn chê là “khúc củi”, nay lại trổ tài họa sĩ và còn trêu ghẹo vợ. Anh chia sẻ rằng đang tập cách đem lại niềm vui cho vợ, anh thích vợ cười. Điều này sẽ là vô giá khi chị sắp bước vào tuổi 50 với những thử thách về thay đổi tâm sinh lý tiền mãn kinh.
Gia đình anh Tâm Kiên (làm nghề xây dựng ở TP Thủ Đức, TPHCM) hứa hẹn năm nay tổ ấm sẽ bình an, vui vầy hơn, ít nhất cũng giảm những lời cằn nhằn, cự nự vì đầu năm, cả nhà đã ký xong bản cam kết phân công lao động. Theo đó, anh sẽ chăm sóc vườn kiểng, vợ anh lau dọn nhà cửa, con trai lớn nấu ăn, con gái nhỏ chăm sóc chó mèo… Các thành viên có thể linh hoạt, trao đổi phần việc cho nhau, ai phá vỡ cam kết sẽ phải bỏ tiền vào ống heo.
Hơn 1 tuần trôi qua, con heo đất vẫn đói meo vì ai cũng hăng hái thực hiện công việc của mình và còn tự giác giúp nhau. Trước đây, nữ nội tướng - vợ anh - phải đảm đương hầu hết các việc nội trợ và mỗi khi nhờ ai làm giúp, nội tướng cũng phải nhắc tới nhắc lui rồi nổi quạu trước sự chậm chạp, ì ạch, miễn cưỡng ấy.
Các thành viên cũng bắt đầu khen ngợi, khuyến khích, lên dây cót tinh thần cho nhau, tạo động lực trong học tập và sự nghiệp, thay vì chê bai, phủ định như trước.
Không có công thức chung để làm mới cho mọi nhà, chưa kể điều ấy có thể mới với nhà này nhưng là cũ với nhà khác. Làm mới có khi là yêu bản thân hơn, cho phép mình tận hưởng hương vị cuộc sống. Làm mới bằng những chuyến đi đổi gió cùng nhau hay cà phê tại một góc độc lạ của thành phố.
Có thể cả nhà rủ nhau đăng ký tham dự một lớp học/buổi hội thảo về giá trị sống, tư duy tích cực hoặc viết thư tay gửi cho bạn đời xoa dịu những hiểu lầm, hờn giận vu vơ thay vì đùng đùng ôm con về nhà mẹ, ngày đêm phập phồng ngóng trông ai kia qua rước.
Cũng có thể người lớn mượn mốc thời gian năm mới để quyết tâm bỏ thói quen xưng hô mày - tao với con cháu. Và thật lung linh với hình ảnh cha mẹ già tung tăng nắm tay dạo chơi công viên hay cùng tập thể dục dưỡng sinh…
Không phải sự thay đổi tích cực nào cũng phải mất tiền mua nên cớ gì dè sẻn cơ hội “làm cách mạng” cho nhà mình.
Hiếm ai lập kế hoạch mà thất bại hoàn toàn, bởi nếu không cải thiện được trăm phần trăm thì cũng vài chục phần trăm, miễn là các thành viên “dám tiến hóa” vì tổ ấm phiên bản mới mẻ, tốt hơn; vì một cuộc đời đáng sống.
Theo phụ nữ TPHCM