Mọi nỗ lực tìm kiếm người thân của ông Vũ Quốc Oai (sinh năm 1961) đều tắc tị cho đến một ngày, ông sực nhớ hồi xưa, khi sống với gia đình ở gần nhà thờ Ba Chuông (quận Phú Nhuận, TPHCM), mình còn có tên Vũ Nguyễn Tiến Dũng…

Một căn bệnh ập đến vài năm nay khiến ông phát âm rất khó khăn, chỉ ú ớ, không rõ lời. Dù chẳng gọi được tên các em nhưng mọi niềm vui sướng của ông đã dồn lên ánh mắt. Với vòng tay cuống quýt, ông ôm chầm các em ruột và họ hàng trong cuộc tương phùng đẫm nước mắt tại phim trường chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly

Cứ nghĩ "cha mẹ bỏ rơi mình" 

Năm 1973, cha mẹ gửi ông Oai vào Chủng viện Fatima Bình Triệu (TP Thủ Đức, TPHCM ngày nay) để học, mong sau này ông trở thành linh mục. Về sau, cha mẹ ông bận rộn nên việc thăm nom thưa dần.

Nhớ nhà và dỗi hờn, hiểu lầm rằng cha mẹ đem bỏ mình vào cô nhi viện, cậu bé Oai đã bỏ đi, lăn lóc đầu đường xó chợ. Khi cha mẹ đến chủng viện tìm thăm thì các tu sĩ cho biết, tất cả chủng sinh đã được đưa qua Mỹ. Lại có thông tin 1 trong 2 chuyến bay đã bị rớt với khoảng 200 người tử nạn.

6 năm cuối đời, bị tai biến nằm 1 chỗ, cha của ông Oai vẫn trông ngóng con về. Cụ còn dặn các cháu ở Mỹ ráng đăng báo tìm.

Gia đình nào biết ông Oai không hề qua Mỹ. Theo dòng đời trôi dạt, ông về sống với người anh kết nghĩa ở tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1975, nay ông đã lên chức ông ngoại.

Con gái ông Oai ngỡ ngàng khi tìm được về nguồn cội ở đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TPHCM: “Hóa ra trước đây, hằng ngày, con qua lại trường đại học gần nhà ông bà nội mà đâu hay biết”.

Nhìn ông Oai sau hơn nửa thế kỷ xa cách, những người đã gặp lẫn chưa gặp ông lần nào đều thấy nét mặt ông giống hệt cha mình. 

Năm 1989 rồi 2014, vợ chồng ông Oai lặn lội vào TPHCM, đến khu vực nhà thờ Ba Chuông để tìm lại căn nhà xưa nhưng rất tiếc là đã tìm nhầm hẻm.

Tâm tư vui buồn, hờn dỗi, nhớ mong lẫn lộn nhưng không phút giây nào ông nguôi nhớ về tổ ấm thuở thiếu thời. Những buổi uống trà, ông thường nhắc em gái tên Trang với người anh kết nghĩa: “Thương em lắm, hồi xưa thường đưa võng ru em ngủ”. 

Vào cuối năm 2023, một chuyến xe đặc biệt đưa ông và các em hội tụ bên nhau, cùng thăm thú non nước hữu tình miền Trung, sau khi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly kết nối thành công.

Nôn gặp em, nôn đi chơi quá, ông Oai bỏ ăn bỏ ngủ mấy ngày trời trước đó, ông còn đem cất bịch thuốc. Đến khi vợ ông báo cho các em ông biết và các em dọa “nếu anh không chịu ăn, ngủ, uống thuốc điều độ thì sẽ hủy chuyến đi”, ông mới “ngoan ngoãn” nghe lời. 

“Vui quá! Được đi chơi với mấy em vui quá!” - ông viết giấy, chìa cho bà xem và tủm tỉm cười. Để rồi sau khi chụp hình lưu niệm ở cổng nhà, các em chào từ biệt về miền Nam và về lại Mỹ, ông âm thầm quay vào buồng, khóc như một đứa trẻ, bà dỗ dành kiểu gì cũng không chịu nín.

Tết này hứa hẹn niềm vui sẽ lại đầy qua những chuyến thăm viếng, lì xì; qua những thùng quà 2 chiều Sài Gòn - Quảng Ngãi, Quảng Ngãi - Sài Gòn; qua hương trầm khấn nguyện ba mẹ, tổ tiên chứng cho người con lưu lạc nay đã trở về. 

Nghĩ về nhau, đường xa cũng hóa gần

Do đường xa và kinh tế eo hẹp, có thể tết năm nay, ông Cao Quốc Tựu - tên thật là Trần Văn Tựu, hiện ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An - không thể về thăm chị ở quê nhà Bình Thuận. Tuy vậy, ông vẫn ấm lòng khi đã tìm lại được nơi chôn nhau cắt rốn. Những cuộc gọi thấy mặt nhau, thấy chị vẫn tươi tắn, khỏe mạnh cũng đủ cho ông vui mừng, an tâm. 

Cuộc chạy loạn hãi hùng do chiến tranh vào giữa tháng 4/1975 đã rứt lìa cậu bé Tựu khỏi gia đình. Mẹ vác nhiều đồ để lên xe đi sơ tán; chị Hoa quảy gióng gánh, gánh cả em Tâm theo cùng. Cậu bé Tựu khoảng 8-9 tuổi chen lên xe trước và khi xuống xe thì không còn tìm đâu ra mẹ, chị và em. Mảnh đất Biên Hòa, Đồng Nai xa lạ đã đón cậu bằng cơn mưa rả rích, tái tê.

Cậu sống bằng cơm từ thiện ở chùa. Tứ cố vô thân, chỉ có quần xà lỏn và áo thun đang mặc, trên vai quấn chiếc khăn lông, cậu không có cả cái ca, cái thau để đựng cơm nên cứ đứng hoài. Sư cô thấy động lòng, bới cơm vào bọc ni lông hoặc xé miếng lá chuối bên đường gói cơm cho cậu.

Đêm, cậu len lén ngủ dọc hàng ba, bờ rào nhà người dân gần chợ Biên Hòa, vừa sợ ma, vừa sợ muỗi, vừa sợ chủ nhà xách chổi rượt.

Các chú bộ đội trong doanh trại đối diện thấy cậu bị xua đuổi nên rước về cho ăn cơm, cho đồ mặc và chuyển gửi qua trại giam Chí Hòa (đối diện Bệnh viện Biên Hòa) để cậu tá túc.

Hằng ngày, cậu xách cơm cho tù nhân ăn, tối ngủ với các anh nhân viên trại giam. Khoảng 1 tháng sau khi các anh nhân viên trại giam đăng báo, đài phát thanh mà vẫn không nhận được tin tức gì, cậu bé được gửi vào cô nhi viện để đi học (ngày xưa ở Bình Thuận, Tựu chỉ bưng khoai lang đi bán, chưa được đi học).

2 năm sau, có một phụ nữ ở Long An đến thăm cô nhi viện và chọn cậu bé Tựu đem về nuôi. Tưởng từ đó được sống trong tổ ấm nhưng không may, cậu bé phải trải qua nhiều bận long đong, sống qua nhiều gia đình, bị hành hạ, đánh đập. 

Bà Cao Thị Ảnh - Bí thư Đảng ủy xã Bình Quới, huyện Châu Thành lúc bấy giờ mất chồng sớm, không có con - thấy thương tình, nhận Tựu về làm con nuôi. Dù được mẹ Ảnh yêu thương như con ruột, cho đất cất nhà, đứng ra cưới vợ, Tựu vẫn không nguôi khát khao tìm về cội rễ của mình nơi mảnh đất miền Trung nắng gió.

Bao nỗi ưu tư, ông gửi hết vào quyển nhật ký đơn sơ. Lật từng trang, từng trang, người đọc bắt gặp nhiều nhất là 2 chữ “lang thang”. Từng đoạn đời, ông đều nghĩ buồn cho phận mình, nhất là khi nghe những người độc mồm độc miệng dị nghị, mỉa mai là “thứ trôi sông lạc chợ”.

Ông nhớ quê nhà, nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ chị, nhớ em, không biết ngày nay ai còn ai mất. Nhớ rồi tự nhủ chắc tìm cũng không được đâu, ông lặng lẽ xếp lại trang hồi ức.  

Không ngờ, với những thông tin do ông cung cấp, Như chưa hề có cuộc chia ly đã kết nối được ông với bà Trần Thị Hoa - chị ông - ở quê nhà. Nghe lại lời chị kể rằng trước khi mất hồi năm 2017, má còn dặn dò “con ráng kiếm thằng Tựu”, ông cảm động, khóe mắt cay xè.

Bây giờ nhìn các con và cháu có gương mặt giống nhau, cười cũng giống nhau, ông Tựu, bà Hoa lâng lâng nghĩ đến dòng chảy huyết thống bất tận trong đại gia đình.

Ông Tựu cảm động chia sẻ: “Hằng năm, dịp tết, tôi thường chở mẹ Ảnh đi viếng chùa. Năm nay, tôi có thêm lời cầu nguyện cho chị, em cùng gia đình được vui khỏe, hạnh phúc. Khoảng cách dẫu xa mà gần khi nghĩ về nhau, hẹn ngày sẽ lại đoàn tụ. Xưa tôi nhiều đêm sống vất vưởng lang thang, nay vì công việc ở mảng xây dựng, vẫn thường ở trọ hoặc ngủ dưới tấm bạt che nên tôi càng quý khoảnh khắc được gặp gỡ, quây quần bên mâm cơm cùng những người thân”. 

Ông Vũ Quốc Oai (thứ hai từ trái sang) cùng 3 em trong chuyến tham quan các tỉnh miền Trung - Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Ông Vũ Quốc Oai (thứ hai từ trái sang) cùng 3 em trong chuyến tham quan các tỉnh miền Trung - Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Gia đình - tiếng gọi cháy lòng con

“Khát khao tìm được gia đình khiến có lần ở tuổi mười mấy, hai mươi, tôi đã ôm chai thuốc rầy ra đồng ruộng hoang vu ở Bến Cát (Bình Dương) định kết liễu cuộc đời vì nghĩ sống làm gì mà không mẹ không cha, tẻ nhạt, buồn khổ quá.

Những đêm trằn trọc, tôi thèm được như thằng em nuôi, được ngủ chung với cha mẹ ruột, được ôm ấp, vỗ về. Cha mẹ nuôi vẫn yêu thương và chăm lo nhưng do mặc cảm, tự tôi dựng lên một bức tường ngăn cách. Tôi không thể sà vào lòng cha mẹ nuôi; không dám nói thèm ăn gì, mặc gì; bị cảm lạnh cứ ra ngồi giữa nắng mà phơi…

Tôi từng có nhiều cơ hội tiến đến hôn nhân nhưng với câu nói của mẹ bạn trai rằng “bộ hết con gái sao mà mày lại chọn con nhỏ không cha không mẹ”, tôi đành chọn nút dừng. Tôi không để mình tổn thương hơn nữa và vì lòng tự trọng, chẳng thà tôi tự chịu khổ một mình, không muốn có thêm một người phải khổ đau.

Cũng vì quá ao ước, nôn nóng được quay về với cốt nhục tình thâm nên nhiều năm trước, tôi đã nhận nhầm một gia đình ở Bến Tre. Dù giờ đây, tôi đã thực sự tìm về được gia đình ruột thịt nhưng vẫn gắn kết tình cảm với gia đình ở Bến Tre. Bây giờ, tôi có đến 2 nguồn yêu thương và biết bao đồng nghiệp, ân nhân, bạn bè tri kỷ…”.

Nguyễn Thị Loan
(SN 1972, thất lạc gia đình từ năm 9 tuổi, đã đoàn tụ cùng người thân vào năm 2022 nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly)

Theo phụ nữ TPHCM