Vợ chồng chị Liên đã mua được nhà riêng, trong nhà lại trống một phòng, khổ nỗi họ hàng bên chồng đều biết điều ấy.
Thực ra nó là căn phòng mà khi xây nhà anh chị thiết kế cho cô con gái út. Năm anh chị mua được đất xây nhà ở thành phố cũng là năm chị Liên sinh cô bé út này. Chỉ là 10 năm qua cháu còn bám cha mẹ, chưa chịu “ra riêng” ngủ, nên anh chị mới cho người trong họ hàng bên chồng ở trọ. Nhưng cũng chính vì điều đó mà chị Liên cứ triền miên phải chịu áp lực, phiền phức.
Họ hàng bên chồng chị Liên ở tỉnh, năm đầu tiên nghe tin anh chị xây nhà, ngay lập tức người anh con ông bác ruột của chồng chị Liên đưa đứa con gái đậu trường sư phạm đến tận nhà đặt vấn đề cho cháu ở trọ.
Biết từ nhà chị đến trường của cháu khá xa, đi lại vất vả, chị Liên khuyên cháu nên đăng ký ở kí túc, hoặc thuê trọ gần đó cho tiện học hành. Nghe thế, anh họ lập tức khó chịu. Anh bảo: "Cả đời có khi chỉ nhờ chú thím lần này thôi. Sở dĩ anh không muốn con ở kí túc vì sợ cháu ảnh hưởng không tốt từ môi trường tập thể ồn ã, sợ cháu dễ bị bạn bè dụ dỗ".
Nghe anh ta nêu lý do, chị Liên không còn cách nào khác là đành để cháu gái bên chồng trọ. Chị không lấy tiền trọ, cháu chỉ góp 15kg gạo phần cháu ăn. Ngoài ra, chị yêu cầu là nhà chị bán hàng ăn, nên bận rộn, nếu cháu có thời gian thì thu xếp giúp đỡ chút việc nhà như phơi quần áo, cắm nồi cơm, rửa bát đĩa chẳng hạn. Anh họ và cô cháu gái vui vẻ nhận lời.
Nhưng chuyện lại không đơn giản thế. Cô sinh viên ngày ngày bắt xe bus đi học, về đến nhà là đóng chặt cửa phòng lấy lý do bận học tập. Đến bữa ăn, chị phải nhờ con út lên gọi cô sinh viên xuống ăn cơm. Ăn xong, cô bé chỉ vội vàng rửa bát đĩa trong bồn, mà cô bé chỉ rửa bát, chứ không rửa xoong chảo sau khi nấu ăn. Chị Liên lại phải cầm tay chỉ từng việc nhỏ.
Được hơn một năm, cô sinh viên bỏ học về quê cưới chồng, vì trót có bầu trước. Cha mẹ cô nói vợ chồng chị Liên không quản lý cháu, làm hư hỏng cháu. Ở với nhà chú thím khác gì Osin, con ở, suốt ngày chỉ lo rửa bát. Chị Liên ngậm ngùi nuốt trái đắng đầu tiên.
Những tưởng “tiếng ác đồn xa” như thế, chị Liên sẽ không phải lo người họ hàng ở nhờ nữa. Nhưng không, ngay mùa tuyển sinh sau đó của các trường đại học, cao đẳng trong thành phố, gia đình chị lại phải chấp nhận cho một cháu trai ở trọ. Như lần trước, chị Liên không lấy tiền trọ, hay bất cứ khoản thu nào khác, cũng không lấy gạo, chỉ yêu cầu cháu trai ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp, lễ phép.
Cháu trai này khá ngoan ngoãn, nhưng đi học về chỉ ngồi lì ở phòng khách xem ti vi. Có khi chị chạy ra ngoài, siêu nước sôi sùng sục, cháu cũng không chủ động rót giùm vào phích.
Cháu trai bắt đầu hòa nhập với bạn bè. Các dịp liên hoan ngọt mặn ở trường lớp, cháu đều làm quen với rượu. Không ít lần chị Liên và các con phải dọn dẹp chiến trường nôn mửa của cháu trai tập... sành điệu. Chồng chị Liên gọi cháu ra tỉ tê tâm sự, dạy bảo, nhưng cháu chỉ gật đầu vâng dạ, rồi đâu lại vào đấy.
Rồi cũng đến ngày chị Liên không thể chấp nhận được cậu sinh viên, sau khi chị vô tình trở vào nhà và nghe cháu trai “điện đàm” với bạn: “Ông bà ấy có phải bố mẹ tao đâu mà đòi dạy dỗ tao”.
|
Ảnh minh họa |
Năm nay, những tưởng sẽ được yên, nhưng tối qua, chị Liên lại nhận được cuộc gọi từ một người bà con bên chồng, nói có hai đứa nhỏ năm nay cùng thi đậu vào một trường đại học, sẽ nhờ cậu mợ lo cho cháu chỗ ở kẻo ra ngoài nhiều cạm bẫy.
Nghĩ tới những đứa trẻ tối ngày cắm mặt vào điện thoại, coi việc được phục vụ tận răng là lẽ đương nhiên, chị thở dài ngán ngẩm, rồi chị quyết định sẽ từ chối thẳng thừng.
Đã đến lúc mỗi người đều phải tự lo cho bản thân, không thể ỷ vào người khác. Đặc biệt với các bậc phụ huynh, họ phải chịu trách nhiệm nuôi dạy, cung cấp cho con những kỹ năng tối thiểu để hòa nhập với cuộc sống hiện đại, chứ không thể cứ gửi rồi trách cứ người khác thiếu trách nhiệm.
Theo phụ nữ TPHCM