Trước khi đi ngủ, chị phàn nàn: “Anh này, sao hôm nay anh không like hay thả tim ảnh của cháu Bo?”.
Anh ngẩn ra một lúc, cố nhớ xem cái ảnh nào của Bo mà anh không tương tác. Chị tiếp: “Hôm nay dì Uyên đăng trên nhóm gia đình ấy”.
Anh nhớ ra, à, cô em vợ sáng nay đăng một đống ảnh con trai cô ấy lên nhóm. Em vợ rất rảnh, suốt ngày ôm con, và vì yêu con thái quá, nên bất cứ biểu hiện nào của con, cô ấy cũng chụp lại rồi đăng lên các tài khoản mạng xã hội mà cô ấy tham gia. Việc đăng ảnh của cô ấy trên nhóm gia đình, anh có thấy, nhưng lúc đó đang bận bịu, chỉ mở ra xem, tức là “đã xem”. Rồi anh cũng quên bẵng đi, chẳng nghĩ gì đến chúng nữa, thế là bị vợ “nhắc nhở”.
Theo anh, mạng xã hội không phải đang khai thác hay lợi dụng gia đình anh, mà gia đình anh, cụ thể là gia đình bên vợ đang lợi dụng mạng xã hội. Bất cứ thứ gì, bất cứ hoạt động nào, từ mua gì, ăn gì, gặp ai, hay trẻ có biểu hiện gì, tất tật họ đều chụp lại và đăng lên nhóm.
Khổ nỗi, nhóm gia đình có hơn 10 thành viên, thì thành viên nào cũng nhất định phải xem, thả tim, hay bình luận kiểu “ngon thế”, “đẹp quá”, “so cute” (quá cưng). Anh thấy mình không rảnh để tham gia toàn bộ các hoạt động đó. Thậm chí chúng khiến anh thấy phiền. Nhiều lúc đang làm việc mà điện thoại cứ kêu thông báo mới từ nhóm gia đình, ngắt âm thanh thì hình ảnh vẫn nhảy vào. Một lần anh dại dột “rời khỏi nhóm”, lập tức bị mẹ vợ, em vợ “hỏi thăm”: “Sao lại ra khỏi nhóm?”.
|
Gia đình anh đang phụ thuộc mạng xã hội một cách thái quá (Ảnh minh họa) |
Phiền hà quá đi chứ. Ai rảnh đâu mà canh các thông báo để tương tác. Nhưng chẳng lẽ nói toạc ra như thế, cả gia đình vốn toàn người yếu đuối, sẽ tổn thương và giận dỗi, anh đành tiếp tục chịu đựng.
“Này em. Anh nghĩ đăng lên nhóm chung các hoạt động cũng tốt, nhưng không nên hoạt động nào cũng đăng, rồi mong chờ người khác tương tác”, anh dè dặt nói với vợ.
Điều anh băn khoăn, cũng chính là điều mà chị băn khoăn. Chị luôn lo sợ mọi người nói anh chị thiếu thân thiện với gia đình. Chẳng hạn, một bữa tiệc sinh nhật của đứa cháu được tổ chức. Ông, bà, bố mẹ, anh chị, cô dì chú bác đều có mặt, đều có quà và đều nói những lời chúc mừng. Nhưng đồng thời, họ vẫn phải đăng lên nhóm Zalo gia đình rằng ông/bà/dì/mợ "chúc cháu yêu chăm ngoan học giỏi, nghe lời người lớn"... Thế rồi đứa cháu ấy lại phải thả tim vào những lời chúc và trả lời từng người một. Cứ như thể họ ở xa nhau cả ngàn cây số và bao năm rồi chưa gặp mặt.
Không chỉ "có cái gì đăng cái đó", mẹ vợ và em vợ anh còn có sở thích video call nhóm. Tức là khi mẹ vợ gọi điện cho các dì, em gái của bà, thì đồng thời cũng gọi cho vợ chồng anh, hay nối các cháu vào. Nhiều khi, sau vài câu chào hỏi xã giao, các bà nói chuyện của các bà, chẳng liên quan gì đến vợ chồng anh.
Chị không biết người khác có ngán nhóm chat gia đình của họ không, hay cho rằng đó mới là cách người ta thể hiện sự gắn kết. Một phiền phức nho nhỏ như thế mà không chịu nổi, sao chịu nổi những phiền phức lớn?
Cuộc sống vốn đã nhiều lo toan, mỏi mệt, chẳng nên ép mọi người phải thể hiện cảm xúc khi họ không muốn. Việc tương tác trên mạng xã hội tưởng như gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, nhưng lạm dụng thì lại thành phiền toái, ác cảm.
Chị biết chồng không thích nhóm chát, nhưng anh không tiện nói, thôi thì chi bằng tự chị nói riêng với mẹ và em gái, để gia đình bớt khoa trương và hạn chế "động tác thừa" trên mạng xã hội. Thà mất lòng còn hơn khiến người khác khó xử.
Theo phụ nữ TPHCM