Vợ tôi một tay đang quẹt màn hình điện thoại lướt Facebook, tay kia bốc đồ ăn, miệng không ngớt càm ràm: “Những người hay đăng bài thể hiện mình hạnh phúc thì thực tế là họ rất đau khổ. Người ta nói thiếu điều gì thì hay khoe điều ấy đấy thôi”.
Mặc dù đây không phải là lần đầu chứng kiến cảnh vợ chê bai người khác, nhưng tôi vẫn rất khó chịu. Tôi đáp trả: “Sao em biết bạn mình không hạnh phúc? Em có tận mắt thấy cuộc sống của họ không? Và câu “người ta nói” kia cũng không phải đem ra áp dụng bừa bãi được đâu”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Thấy tôi khó chịu, vợ tìm cách đưa ra một lô lốc “dữ liệu” chứng minh phán đoán của cô ấy. Nào là “Hà cũng như em thôi, từ quê lên thành phố mới 3 năm. Chồng nó cũng người quê, làm gì có tiền mà tậu nhà sắm xe nhanh thế”, “Hồi xưa đi học, Hà đâu phải đứa xuất sắc, đặc biệt gì. So với tụi em nó cũng chỉ cá mè một lứa”, “Nó hay kể chồng nó giỏi giang, yêu thương gia đình, nhưng suốt mấy năm nay tụi em chỉ thấy qua mạng, có kỳ họp lớp nào vợ chồng nó có mặt đâu”.
Thì ra, thói quen đặt điều của vợ tôi có nguyên cớ. Cô ấy hay suy nghĩ tiêu cực về người khác là do cô ấy thiếu tự tin. Vợ tôi không chấp nhận được việc bạn bè vượt mình.
Xung quanh tôi không hiếm người như vợ, thậm chí, căn bệnh suy diễn, đặt điều còn rơi vào tình trạng mạn tính. Dũng - người cùng nghề với tôi - mỗi lần thấy đồng nghiệp nào ở cơ quan Dũng có được thiện cảm của cấp trên, chuẩn bị được cất nhắc thì anh bắt đầu phao tin đồn. Dũng cho rằng đồng nghiệp bất tài, vô dụng, chẳng qua do đằng nhà vợ “cơ to”. Lần khác, trong cơn say chuếnh choáng, Dũng còn quy chụp một người khác lên chức trưởng phòng là do vào vai nhân tình của sếp nữ.
Vì không phục nên ngoài tỏ thái độ khó chịu, Dũng còn nói ra những lời lẽ khó ưa: “Xem anh ta sẽ trụ lại ở vị trí mới bao lâu”, “Dự án lần này, nếu không có tôi làm trưởng nhóm thì sớm muộn cũng như gà mắc tóc”…
Để tránh cảm giác phiền phức, nặng nề, đã từ lâu, tôi tránh gặp những người như Dũng. Tôi nhận ra, đặt điều không chỉ là một hành động bịa đặt, vu khống, nói không thành có, nói có thành không, đặt điều khởi phát ngay từ khi ai đó có mầm mống suy diễn, phủ nhận thành quả của người khác, mà không chịu nhìn lại bản thân, luôn quay cuồng với những câu chuyện của người khác, rồi sinh tật hay nghi ngờ, thêm thắt, suy diễn.
Tôi hỏi vợ: “Việc suy diễn, chê bai bạn bè có làm em thoải mái hơn không?”. Cô ấy thật thà: “Có, nó làm em dễ chịu hơn một chút”. Tuy nhiên, vợ tôi cũng nói thêm, cảm giác dễ chịu nhờ hạ thấp người khác không bền, vợ tôi sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng ấm ức, khó chịu sau đó. Cô ấy đã “phỏng tay” trước khi hất “đốm lửa” về phía người cô ấy chê.
Tôi mong vợ và anh Dũng sẽ dừng thói quen tiêu cực. Thay vào đó, hãy tập trung vào bản thân, giữ lấy lòng tự trọng bằng cách suy nghĩ chừng mực, nói năng đúng chỗ. Chúng ta không chỉ xa nhau vì những câu nói mang tính xua đuổi, bỏ rơi, chúng ta xa nhau từ khi bắt đầu những suy diễn, nghi ngờ thiếu căn cứ.
Theo phụ nữ TPHCM