Mẹ tôi ngồi thất thần, miệng cứ lẩm bẩm: “Ủa, bộ nó không lái xe được hả con? Đi đâu vợ nó chở vậy hả?”.
Mẹ nói về em gái và em rể tôi. Số là chàng rể của mẹ… sợ xe. Chàng ấy chẳng dám ngồi sau tay lái, và chẳng lẽ cứ lệ thuộc vào tài xế, hay đi đâu í ới taxi mãi cũng bất tiện, nên em tôi học lái và rồi thành tài xế của cả nhà.
Lúc đầu mẹ tôi cứ tưởng con gái của mẹ thích lái xe và chàng rể thì bận bia bọt với khách khứa, nên ngồi sau cho vợ chở. Đến khi biết được lý do, bà cứ ngẩn ngơ: “Làm đàn ông phải là chỗ dựa cho vợ con chứ! Không chỉ là lái chiếc xe….”
Mẹ bỏ lửng câu nói. Chắc bà đang sắp xếp những ý nghĩ, có phần chậm chạp và không còn bắt kịp được với thời đại của mình nữa rồi. Lắm khi mẹ nói những câu, với các con các cháu, rồi tiu nghỉu như một kẻ chăm chú dồn hết sức lực vào những bước chân, đi gần hết một đoạn đường, mồ hôi đẫm lưng áo, mới hay mình đã lạc.
Tôi nhớ có lần nói với mẹ về việc, có người đàn ông sợ độ cao, một người đàn ông sợ tốc độ, một người đàn ông không chịu được khi nhìn thấy những vết thương, hay nhiều lắm những người đàn ông cũng mềm yếu, cũng hoang mang, mất phương hướng….
Thời đại bây giờ, ở thành thị, khi cuộc sống không còn cần nhiều đến sức vóc của đàn ông. Mà cần đến tri thức, bản lĩnh và các mối quan hệ xã hội. Những thứ đó, nhiều người phụ nữ, càng ngày càng làm rất tốt. Cũng không vì thế mà người đàn ông giảm đi vẻ nam tính hay phụ nữ đánh mất đi vẻ nữ tính của mình. Hãy nghĩ tích cực, hôn nhân là cuộc nương tựa vào nhau để sống. Người này tựa vào người kia, tùy lúc tùy chuyện. Ai có thể làm việc gì tốt nhất thì người ấy làm.
Đàn bà làm những việc của đàn ông không phải là thiếu nữ tính. Đàn ông làm những việc của đàn bà cũng chẳng mất đi phong độ. Tôi đã từng ngồi nhìn người đàn ông của mình đeo tạp dề, đứng thật lâu trong bếp, hay cầm cái cây lau nhà khoát tay: “Ngồi yên đó cho anh!”.
Tôi không hiểu sao, lúc ấy tôi nhìn anh như nhìn một danh tướng. Và nghe trỗi dậy trong mình cảm giác bình an đến lạ. Ai trên thế gian này không mưu cầu một sự bình an?
Chỉ lo, những người đàn ông buông xuôi phó mặc cho người đàn bà của mình chông chênh lẻ bóng, tứ bề trống hoác, dẫu rằng luôn hiện hữu bên cạnh. Lần nào ấy, tôi có nhớ đọc ở đâu một ý rằng, đàn bà rất lạ, họ cần đàn ông như lính nhảy dù cần bung dù trong những khoảnh khắc nhất định. Qua khỏi thời khắc ấy rồi, đàn ông với họ, không còn có ý nghĩa gì!
Ngày 8/3 - đàn ông có thể tặng cho phụ nữ bó hoa thật đẹp, món nữ trang đắt giá, chuyến du lịch lãng mạn, hay những lời có cánh tựa trong phim ngôn tình... họ sẽ rất thích.
Tôi nghĩ, tất cả, già trẻ bé lớn, đàn ông đàn bà, có ai nhận được quà mà không thích? Nhưng nếu đàn ông đã bỏ phụ nữ trong những thời khắc họ cần nhất, thì những món quà kia chỉ dấy lên trong dạ sự chua chát mà thôi. Chẳng có nghĩa lý gì!
|
Già trẻ bé lớn, đàn ông đàn bà, có ai nhận được quà mà không vui thích? (Ảnh minh họa) |
Phụ nữ - mạnh hơn chúng ta tưởng rất nhiều - cái gì họ cũng có thể tự làm cho mình. Họ tự mua quà, tự lo cho bản thân được. Cái phụ nữ cần là một sự bình an. Bình an thật thụ. Thứ bình an tỏa ra từ tình yêu và chở che của người đàn ông bên cạnh họ.
Khi bất an, khi đau khổ, khi tuyệt vọng đàn bà - kỳ lạ thay như phượng hoàng vậy - họ sẽ tái sinh bằng một phiên bản khác mạnh mẽ hơn. Và khi ấy, họ cần đàn ông để làm gì?
Vậy nên, trong những ngày tôn vinh phụ nữ như thế này, đàn ông, khi rút tiền mua một bó hoa, một gói quà hay là nấu một bữa ăn để tặng người đàn bà của mình. Có lẽ nên tự hỏi, có phút giây nào ta đã buông tay người phụ nữ bên cạnh chưa? Có phút giây nào ta để cô ấy loay hoay tự ngã, tự lau nước mắt đứng lên chưa? Có phút giây nào ta tự nhìn mình trong gương và tự hỏi: từng ấy thời gian có nhau ta đã thật sự mang đến sự bình an cho người đàn bà của mình chưa?
Phụ nữ không đơn giản như đàn ông vẫn tưởng!
Theo phụ nữ TPHCM