Bà nội trợ Amy Leung, 38 tuổi choáng ngợp vì hậu quả của Covid-19 khi vừa phải chăm hai con nhỏ, nấu ăn, dọn dẹp và khử trùng. Chồng cô, một công chức tuổi 40 dễ nổi cáu và thích soi mói. Anh ta không chăm sóc con hay làm bất kỳ việc nhà nào. "Mỗi khi tôi phàn nàn và nhờ giúp đỡ, anh ấy mắng tôi vô lý", cô kể.
Ba năm trước, Amy từ bỏ công việc văn thư để ở nhà, tiền bạc phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Cô cho biết, anh liên tục chỉ trích vợ vì không hoàn thành việc nhà. Họ cãi vã, thỉnh thoảng xô xát.
"Đại dịch khiến tôi càng áp lực hơn khi chồng ở nhà, nhưng tôi không biết làm thế nào", người mẹ hai có hai con nhỏ than thở.
Amy không phải trường hợp duy nhất. Những người ủng hộ nữ quyền cho biết, đại dịch Covid-19 khiến tình trạng bất bình đẳng giới ở Hong Kong càng gia tăng. Phụ nữ rơi vào bế tắc. Bạo lực gia đình cũng vì thế mà nhiều hơn.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc về tác động của đại dịch đối với phụ nữ, sự bất bình đẳng giới đã trầm trọng hơn trong các lĩnh vực y tế, kinh tế đến an ninh xã hội. Ủy ban cơ hội bình đẳng của Hong Kong cho biết đã nhận được 157 khiếu nại từ tháng 1 đến tháng 6. Khoảng 80% trong số đó do phụ nữ gửi đến. Cơ quan giám sát chống phân biệt đối xử nhận 336 đơn khiếu nại vào năm ngoái, đa số cũng là đơn của nữ.
Fiona Nott, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Phụ nữ (TWF), cho biết Hong Kong vẫn tụt hậu về bình đẳng giới. Tại nơi làm việc, người sử dụng lao động thành kiến với nhân viên nữ đã làm mẹ. Trong khi ở nhà, họ phải gánh vác hầu hết công việc chăm sóc con nhỏ, mẹ già và nhiệm vụ khác. "Covid-19 khiến tình trạng bất bình đẳng càng thêm trầm trọng. Đại dịch gây áp lực lên phụ nữ và bé gái - từ công việc gia tăng khi các thành viên đều ở nhà đến sự bất ổn tài chính và nguy cơ bạo lực", bà nói.
Theo bà Nott, mẹ đơn thân, phụ nữ có thu nhập thấp và những phụ nữ làm công việc về dịch vụ ăn uống, du lịch và khách sạn là những người khốn đốn nhất.
Chị Yu, 46 tuổi, một mẹ đơn thân mất việc làm giúp việc bán thời gian và bán hàng. Khi trường học đóng cửa, chị phải ở nhà chăm con trai 10 tuổi, mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Yu ly dị vào đầu năm ngoái khi bị chồng lừa dối. Chị từng kiếm được 9.000 HKD (khoảng 27 triệu đồng) mỗi tháng. Chồng cũ hỗ trợ chị 2.000 - 3.000 HKD hoặc không xu nào.
Cuộc vật lộn mưu sinh càng tồi tệ khi Covid-19 bắt đầu vào tháng một. Lịch làm việc bán thời gian giảm hẳn, con trai thì nổi loạn, sẵn sàng ném và phá vỡ mọi thứ. Không có thu nhập, Yu phải tiêu tiền tiết kiệm ít ỏi. "Cuộc sống đã đảo lộn. Tôi cảm thấy mệt mỏi và không có thời gian nghỉ ngơi", người mẹ than thở.
Theo thống kê, phụ nữ Hong Kong tham gia vào lực lượng lao động chỉ chiếm 53,9% từ tháng 3 đến tháng 5, trong khi nam giới chiếm 65,5%. Phụ nữ thường kiếm ít tiền hơn và làm công việc kém an toàn hơn nam giới.
Theo TWF, phụ nữ kiếm tiền ít hơn nam giới 22% và chỉ là ba trong số 10 người nắm vai trò quản lý ở Hong Kong. Nhiều lĩnh vực sử dụng số lượng lớn nữ giới, bao gồm bán lẻ, khách sạn và du lịch lại là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Những người còn làm việc ở nhà vẫn bị sa thải, cắt giảm lương.
Đại dịch cũng khiến phụ nữ gặp áp lực khi ở nhà. Một khảo sát trên 200 phụ nữ vào tháng 4 của Liên đoàn Phụ nữ Hong Kong cho thấy số phụ nữ dành hơn 10 giờ mỗi ngày để làm việc nhà và chăm sóc con, gấp đôi trước dịch.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, phụ nữ toàn cầu dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày để làm việc nhà mà không được trả lương. Trong khi đó, thời gian của nam giới chỉ 1,7 giờ. Fiona Yuen Sau-ying, nhân viên xã hội và trưởng bộ phận của Hiệp hội Kitô giáo Phụ nữ trẻ Hong Kong (YWCA), một tổ chức phi chính phủ cho hay, định kiến giới nổi bật ở các gia đình có đàn ông là trụ cột và phụ nữ là nội trợ.
"Hong Kong là một xã hội truyền thống. Phụ nữ được nhận định là những người tỉ mỉ và giỏi các công việc tẻ nhạt hơn nam giới. Do đó, khi phải làm việc nhà, phụ nữ là sự lựa chọn tốt nhất", bà Sau-ying nói.
Vị này cho rằng phải chịu nhiều áp lực từ việc nhà ảnh hưởng đến chất lượng công việc của phụ nữ. Khi không được trả lương, họ bị tổn thương lòng tự trọng và ít có tiếng nói trong nhà.
Đàn ông cũng chịu áp lực khi thành trụ cột tài chính. Vì vậy, bà khuyên các cặp vợ chồng nên chia sẻ công việc gia đình. Mỗi việc vợ hoặc chồng đảm nhiệm nên dựa trên khả năng của họ, thay vì lấy giới tính làm cơ sở phân chia.
Tiến sĩ Michael Eason, một nhà tâm lý học và cố vấn có trụ sở tại Hong Kong, thường xuyên có các buổi trị liệu liên quan đến bất bình đẳng trong đại dịch. Nhiều phụ nữ đã dám lên tiếng chống lại định kiến họ cho là không công bằng.
Vị này cũng nhận định, một số nam giới cũng làm việc nhà nhiều hơn trong đại dịch. Phần lớn họ ở độ tuổi 30-50 tuổi. Họ dành thời gian giúp con học trực tuyến, tổ chức hoạt động gia đình vào ngày lễ và sinh nhật.
Thừa nhận đàn ông đã chia sẻ việc nhà hơn, bà Sau-ying cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thay đổi quan niệm về vai trò của nam và nữ. "Đại dịch là cơ hội để thách thức các động lực quyền lực giữa nam và nữ, khắc phục sự phân bổ trách nhiệm trong nước", vị này nói.
Bobby Wong làm việc tại nhà trong đại dịch. Anh nhận ra vợ mình phải vất vả với việc nhà trong căn hộ 350 m2 của họ. Cả hai đều là nhân viên văn thư ở tuổi 20 và không có con.
Wong giúp vợ việc nhà. Anh nấu ăn và rửa chén, thỉnh thoảng giặt giũ, khử trùng. "Vợ khen ngợi tôi và tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ cô ấy sau khi quay lại văn phòng làm việc, dù làm ca đêm rất mệt mỏi", anh nói.
Theo vnexpress