Chị Hạnh Dung kính mến,

Chồng em làm thầu xây dựng ở TP Biên Hòa, thu nhập khá ổn. Em làm kế toán, lương chỉ đủ đi chợ. Phần tiền anh đưa về, em lo cho con, ông bà 2 bên, còn lại gửi tiết kiệm. Em sống vui khỏe 5 năm qua mà không bao giờ quan tâm chồng kiếm được bao nhiêu tiền.

Thế nhưng năm rồi, em sinh đôi. Giờ nhà có 3 đứa trẻ nên chi phí cũng nhiều lên, đâm ra em áp lực tài chính. Hiện tại chúng em vẫn chưa túng thiếu, nhưng tiền để gửi tiết kiệm thì không còn được như xưa.

Trong khi đó, chồng em không thay đổi gì trong chi tiêu và sinh hoạt. Anh rất phóng khoáng, quen dùng đồ xịn, hay giúp đỡ anh em, bạn bè. Anh là niềm vui của cả xóm vì thường xuyên mua quà bánh cho trẻ con, rộng tay đóng góp vào những việc chung của khu phố. Em không biết được thu nhập của anh bao nhiêu và anh chi bao nhiêu phần trăm cho gia đình.

Thời gian qua, nghe em than thở về chi phí, anh có đưa thêm; nhưng em rất khó chịu khi không quản lý được thu nhập của chồng. Em hỏi mẹ ruột, mẹ chồng, cả 2 mẹ đều mắng em dở vì “không nắm tiền chồng".

Em tham khảo ý kiến bạn bè mới biết ai cũng “tịch thu" tiền ngay khi chồng nhận bất kỳ khoản nào đó, rồi chi ngược lại cho chồng để chi tiêu. Tính ra, trước nay em quá lơi lỏng chuyện này. Các chị, các mẹ có kinh nghiệm còn cho rằng đây chính là nguồn cơn để các ông ngoại tình.

Vậy nhưng, em vừa nửa đùa nửa thật về việc “tịch thu" thu nhập, chồng em đã ngỡ ngàng. Anh bảo, đều là người trưởng thành thì “sao lại quản lý nhau", em đành bỏ cuộc. Nhưng cảm giác khó chịu và “thua kém" cứ giày vò em. Làm vợ mà không quản lý được thu nhập của chồng là một thất bại phải không chị?

Thu Nguyệt (Đồng Nai)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Thu Nguyệt mến,

Tại sao phải quản lý thu nhập của chồng? Em có bao giờ tự hỏi như vậy không? Cần hỏi, để biết cuối cùng mình muốn điều gì đằng sau sự “quản lý" đó. Nếu quản lý chỉ để… quản lý thì đó là một thất bại trong một mối quan hệ thân tình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.

Thường, các chị hay quản lý thu nhập của chồng là để “nắm" được phần quyền lợi cho gia đình, tránh việc các ông vung tay quá trán bên ngoài. Thứ nữa, nhiều chị cho rằng, khi vợ quản lý thu nhập sẽ khiến chồng túng thiếu, không thể ngoại tình.

Thực ra như vậy cũng chỉ là quản phần ngọn. Không có ông nào chung thủy chỉ vì… không có tiền cặp bồ cả. Nếu đã có nhu cầu… sa ngã, mà không “quản lý" được phần cốt lõi về sự gắn bó vợ chồng thì người ta cũng sẽ tìm đủ mọi cách để mà sa ngã thôi.

Quay lại chuyện của em. Chồng em có năng lực, có trách nhiệm, lại rất hợp tác với vợ trong việc đảm bảo chi tiêu cho gia đình. Điều này em không cần “quản lý” mà vẫn có được là do trách nhiệm tự thân của anh ấy, hay nói như anh ấy là do anh ấy “là người trưởng thành".

Thứ nữa, công việc của anh ấy là kinh doanh, phần thu - chi không cố định như nhân viên văn phòng, và vì anh là thầu xây dựng nên doanh thu lớn nhưng chi phí cũng rất nhiều như tiền mua vật tư, lương nhân công, thuế..., có khi còn phải chủ động ứng trước, vậy nên rất khó để “tịch thu".

Nếu “tịch thu" được, em sẽ chỉ thêm vất vả vì lại phải chịu trách nhiệm chi ra khi anh ấy cần chi cho công việc.

Có thể em khó chịu về sự phóng khoáng của chồng. Nhưng ta không thể lấy thước đo “tiết kiệm" để đo đếm sự chi tiêu của một người làm kinh doanh. Đôi lúc, sự phóng khoáng mang về cho họ uy tín cá nhân, những mối quan hệ và những cơ hội tốt trong kinh doanh. Trong việc này, đôi khi mình tính một mà mất mười.

Vậy, em có thể sâu sát vấn đề tài chính của vợ chồng bằng cách nào? Thay vì đòi quản lý chồng, em hãy tự lên kế hoạch chi tiêu cho gia đình: cần đảm bảo những khoản chi nào, cần tiết kiệm bao nhiêu…

Hãy bàn với chồng về kế hoạch này, để cùng nhau tối ưu hóa kế hoạch tài chính gia đình và nguồn tài chính dự trữ cho tương lai. Khi vợ chồng cùng thống nhất và vun đắp cho kế hoạch chung, đó chính là trạng thái lý tưởng nhất của việc quản lý tài chính gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM