Tại hội nghị về tình hình cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp chiều 28/11/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: thống kê tại 44 tỉnh thành chủ yếu từ giữa năm đến nay và chỉ với lao động có giao kết, hợp đồng trong doanh nghiệp, có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng đến 472.000 công nhân, trong đó có 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Bức tranh hậu COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình trẻ như thế nào?
Trước đây, hai vợ chồng trẻ cạnh nhà tôi như đôi chim câu, rất hạnh phúc, vui vẻ. 3 tháng trước, người chồng nghỉ ở nhà, tháng sau đến phiên người vợ nghỉ. Cuộc sống xáo trộn, xích mích nổ ra. Một hôm, tôi nghe người chồng lớn tiếng: “Cứ vài ngày lại giận, sống sao nổi!". Giọng người vợ nhỏ hơn: “Đáng lý anh đừng làm nơi đó để giờ thất nghiệp". Tôi hiểu, tâm lý dồn nén vì công ăn việc làm không thuận lợi khó kiềm chế xung đột.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Nhiều bạn trẻ tâm sự, cả hai vợ chồng đều bị cắt giảm lương, trong khi vật giá lại tăng. Quả thật, đây là giai đoạn khá “nhạy cảm” trong đời sống vợ chồng, chỉ cần một câu nói phật ý nhau cũng khiến chuyện bé xé ra to. Ai dám nói tiền bạc không ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng?
Tâm lý xáo trộn, buồn nhiều vui ít len lỏi trong nhiều gia đình trẻ. Nhiều cô vợ thậm chí nước mắt ngắn dài khi cô ôm bời bời nỗi lo còn chồng cứ vùi đầu vào bóng đá, rồi còn cá độ, ít nhất là vài chầu nhậu. Cô cảm thấy tâm trạng bị đẩy xuống tận cùng khi không có sự chia sẻ từ chồng. Nhưng, thử đặt tình huống ngược lại, ở vị trí người chồng…
Đang mùa World Cup, 4 năm mới có 1 lần, việc làm cũng đã mất rồi, theo dõi bóng đá, thỉnh thoảng cá độ chầu nhậu với bạn bè cũng là cách… “tìm quên” tích cực. Có ôm mặt khóc cũng đâu giải quyết được gì!
Nhiều chuyên gia tâm lý khuyên hãy cố tìm quên tích cực khi gặp biến cố, nhưng làm sao có được sự bình thản để đọc 1 cuốn sách, xem 1 bộ phim gánh áo cơm đè nặng. Nhiều bậc cha mẹ là bạn tôi biết tình hình của con cái, góp lời khuyên, giúp con trong khả năng có thể. Họ giải quyết nỗi lo tạm thời, hướng dẫn con từng bước làm quen với nghịch cảnh để vượt qua.
Trong chung cư tôi ở xuất hiện nhiều hơn những bà mẹ lớn tuổi ở quê vào phụ con cái trông cháu, đi chợ, nấu ăn.
Một hôm, có chị nói nhỏ với tôi: “Sự có mặt của mình cũng giảm đi ít nhiều việc vợ chồng tụi nó cãi nhau”. Tiếng nói bao dung của người lớn và những câu khuyên răn hiểu đời rất có ích trong trường hợp này.
Tôi thường mua chả lụa của một cô ở tầng 18. Cô là giáo viên. Chồng cô trước đây làm trưởng phòng một công ty may mặc. 3 tháng nay, chồng cô nghỉ việc, chuyển sang làm chả lụa bỏ mối cho bạn hàng. Nhờ vậy, cư dân nơi đây được mua chả lụa nóng hổi mới vớt ra. Cô vợ khá dễ thương. Thỉnh thoảng tôi mua chả lụa, cô mang xuống tận nhà.
Cô nói: “Cháu cảm ơn cô đã mua. Có ai quen cô giới thiệu ủng hộ chồng cháu với”. Câu nói vừa tinh tế lại thêm âm điệu nhẹ nhàng khiến tôi có cảm giác cô chẳng những không nề hà chồng bây giờ làm công việc chân tay vất vả mà còn quảng cáo giúp chồng với thái độ hết sức trân trọng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Trong hành trình dài của đời sống vợ chồng, bất cứ gia đình nào cũng không tránh khỏi những xáo trộn. Nhớ ngày xưa, chồng tôi thất nghiệp tới 3 lần. Trong 3 lần thất nghiệp, anh tranh thủ học thêm nghề gì đó hay tự học ngoại ngữ.
Tất nhiên, đó là những quãng thời gian tôi phải tự mình gồng gánh. Khi ấy, tôi còn trẻ mà nhiều lúc cảm thấy quá tải, muốn buông xuôi nhưng rồi cũng vượt qua được. Giờ con cái trưởng thành, vợ chồng hiểu nhau hơn, nhìn lại, biết trân quý quãng đời nhiều khó khăn đó.
Hãy cố nén tiếng thở dài. Không chỉ tránh lời nói công kích, chê bai nhau mà nhiều khi phải làm sao cho mọi thứ nhẹ nhàng là điều không dễ. Hạnh phúc và thử thách luôn đi với nhau. Cả hai phải hiểu trong giai đoạn này, chỉ cần một người buông xuôi, mọi thứ sẽ hỏng.
Chồng nói câu nhẹ nhàng với vợ: “Rồi sẽ ổn thôi em!” là vợ hiểu không chỉ chồng động viên mình mà còn tự động viên bản thân, để hiểu cả hai phải cùng cố gắng chèo chống vượt qua những khó khăn.
Theo phụ nữ TPHCM