Chị vừa nhìn đồng hồ vừa vội vàng dắt xe ra khỏi cổng. Trong đầu chị nhẩm tính chỉ có 30 phút để mua đồ ăn sáng cho cả nhà và ghé qua chợ mua thêm ít rau củ.

Mải nghĩ, chị không để ý cái chân chống xe máy chưa gạt lên, đè trúng ngón cái chân chảy máu khiến chị đau điếng. Chị ôm chân ngồi khóc nức nở, anh chạy ra vừa đỡ xe cho vợ vừa nói: “Khổ chưa, ăn tạm gì đó cũng được, sao lúc nào cũng hấp tấp vậy em”.

Chị luôn muốn chăm sóc gia đình một cách hoàn hảo nhất. (hình minh hoạ)
Chị luôn muốn chăm sóc gia đình một cách hoàn hảo nhất (ảnh minh hoạ)

 

Vì đau chân, chị hạn chế đi lại nên không thể quán xuyến việc nhà như trước. Bữa sáng đầy đủ các món thay thế bằng mì gói, cơm nguội chiên hoặc nồi bún tự nấu thiếu nguyên liệu. Trái với lo lắng của chị, cả nhà đều ăn uống vui vẻ như bình thường. Chị nhớ lại lời chồng mỗi lần vợ càu nhàu: “Em ôm đồm làm gì mà than mệt, chuyện gì cũng phiên phiến thôi”.

Quả thật chị là người cầu toàn, luôn muốn gia đình được chăm sóc một cách tốt nhất. Buổi sáng của chị luôn tất bật bận rộn vì muốn chiều theo sở thích ăn uống của từng người trong gia đình. Có sáng chị chạy mấy vòng để vừa mua phở cho con, bánh mì chả cho chồng rồi ghé qua chợ mua bánh đúc cho cha, cháo lươn cho mẹ. Chị vui khi mọi người được ăn món yêu thích mà quên đi sự vất vả.

Bữa cơm nào chị cũng phải cân đo đong đếm xem nấu bao nhiêu món để người nào cũng có món tủ. Một chuyện nhỏ như nước chấm đậu chiên, chị cũng làm 3 chén: chén xì dầu, chén mắm ớt tỏi, chén mắm ớt bột để hài lòng cả nhà. Chị từ chối mọi cuộc vui sau giờ làm để lo chu toàn bữa ăn cho gia đình. Khi đồng nghiệp đi ăn uống, hát hò, đi thể dục, cà phê thì chị đang loay hoay trong căn bếp của mình.

Trong một lần vợ chồng tranh cãi, anh nói rõ quan điểm của mình: “Nhà này không ai bắt em như thế cả, tự em làm rồi than vãn gì”. Chị thấy uất ức lắm, vì không được ghi nhận công sức nhưng giờ ngẫm lại chị thấy anh nói không sai.

Nửa tháng chị đau chân, mọi người vẫn lo chuyện ăn sáng được. Cha chồng đi bộ ra đầu hẻm mua cháo, chồng chở con đi học tiện đường ghé quán ăn. Bữa cơm hàng ngày chỉ vài ba món đơn giản, trong tủ lạnh còn gì nấu nấy cũng xong. Chị nhận ra không có sự tất bật của mình thì cả nhà vẫn ổn.

Chị quyết định thay đổi không chỉ trong chuyện nấu nướng mà cả công việc nhà. Trước đây, dù mệt đến đâu, chị cũng gắng sức pha nước ấm với chanh lau sàn nhà rồi mới đi ngủ. Áo quần thường xuyên giặt tay vì sợ nhanh hư, bận việc lắm mới dùng máy giặt. Chiếc máy rửa chén, rôbốt lau nhà chồng tặng nhân dịp sinh nhật vẫn chưa một lần sử dụng do chị nghĩ không cần thiết. Bây giờ chị dùng máy móc để hỗ trợ và mạnh dạn nhờ chồng con phụ giúp.

Sau một tháng, chị thấy áp lực giảm hẳn, buổi sáng không còn tình trạng chạy sấp chạy ngửa cho kịp giờ đi làm. Thay vì tính toán mua đồ ăn sáng, chị thong thả đi bộ tập thể dục khi đã thống nhất, mỗi người sẽ tự túc ăn theo sở thích. Những bữa cơm gói gọn trong những món cơ bản canh - xào - mặn nên đỡ mất công đi chợ.

Mỗi lần chị than thở, anh đều trách do chị tham công tiếc việc rồi
Lần đầu tiên trong từng ấy năm kết hôn, chị mới chịu thừa nhận lời chồng nói đúng (ảnh minh họa)

 

Chị không còn từ chối những cuộc vui của cơ quan, chỉ cần nhắn tin báo cho chồng biết, việc sắp xếp ăn uống ở nhà ra sao, mọi người tự lo. Chị nhận ra, cuộc sống còn rất nhiều điều để tận hưởng, sao cứ phải tự làm khổ mình vì việc bếp núc nhà cửa.

Việc gì phiên phiến thôi lại khoẻ người, nhà bẩn mà người mệt thì khi khác dọn, bận không nấu được cơm nhà thì ăn cơm tiệm, áo quần giặt máy cũng chẳng sao. Và quan trọng nhất là đừng ôm hết việc vào người rồi than mệt.

Theo phụ nữ TPHCM