Nhà tôi ở vùng ven, mỗi khi đi uống cà phê, con gái tôi và nhóm bạn chọn những quán nước cách nhà chừng 20km, vì ở đó có view đẹp. Các con không quá quan trọng chất lượng thức uống, giá cả, miễn nơi đó có chỗ ngồi lý tưởng, có góc chụp hình ưng ý.

Chồng tôi phản đối. Anh cho rằng, đã vào quán thì phải chọn quán có thức uống ngon. Khi anh hỏi: “Đi uống nước hay đi chơi?”, con trả lời đi chơi, sống ảo là chính, uống nước là phụ thì nhận được cái lắc đầu của ba. Con gái tôi 22 tuổi, nghĩa là tôi sống với chồng trên 22 năm, nên đã quá hiểu chồng, con.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi bảo với chồng, nếu anh đi nhậu, nhất định sẽ chọn quán có mồi ngon, nếu con đi uống nước sẽ chọn quán có view đẹp. Điều này chẳng có gì phải bàn cãi, vì anh và con thuộc 2 giới tính khác nhau, 2 thế hệ khác nhau, xu hướng chọn lựa khác biệt.

Chồng tôi là dân thể thao, ưa khám phá các loại xe phân khối lớn, thích nhậu và mọi suy nghĩ đều rất đơn giản. Con gái chúng tôi hoàn toàn ngược lại - mềm yếu và nội tâm, tuổi đời còn quá trẻ, nên “ảo” một tí cũng không sao. Tôi và con gái hay cùng phe, trong mọi chuyện dường như đều trái ngược với người đàn ông duy nhất trong nhà.

Chúng tôi và anh ấy như sao Hỏa với sao Kim vậy - 2 hành tinh khác biệt - nên cách suy nghĩ, cách nhìn, cũng như cách giải quyết vấn đề sẽ khác. Được cái, chồng tôi chỉ nêu quan điểm của anh chứ không cấm cản vợ con. Anh cho rằng, các con còn trẻ, thiếu thực tế, mà mấy chuyện sống ảo đó không quan trọng nên không cần tranh luận; chứ những chuyện cần thiết, anh phân tích… tới nơi mới chịu.

Với tôi, anh cũng không tranh luận những việc lặt vặt, còn khuyến khích vợ con thoải mái làm những gì mình thích, anh chỉ… nhúng tay khi cần.

Còn nhớ, việc chọn ngành học cho con, con gái lúng túng khi chọn giữa 2 ngành mà con đều thích. Chồng tôi bảo, con thích là một chuyện, nhưng xem ngành đó có phù hợp với sức khỏe và năng lực con hay không. Với một đứa trẻ hướng nội như con thì chọn ngành này phù hợp hơn ngành kia…

Cuối cùng, con gái xuôi theo ba và thỏa mãn với lựa chọn của mình. Để rồi, khi chọn được ngành con thích, con như cá gặp nước, kết quả học tập luôn tốt, có việc làm trước khi tốt nghiệp, khiến con vui vẻ, hào hứng, ba mẹ vui lây. Hay như việc tôi cắt bỏ mái tóc, anh ấy kịch liệt phản đối. Anh nói đã quen nhìn tôi với mái tóc dài thùy mị, anh không thích phụ nữ tóc ngắn.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Nhưng với tôi, phụ nữ thỉnh thoảng cũng phải làm mới mình, nếu sau cắt thấy không hợp với gương mặt thì chấp nhận kiểu “xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy chốc”. Khoảng 1 tháng sau khi tôi cắt tóc, chồng mới… quen mặt vợ. Nghe tôi dỗ dành: “Giai đoạn này tóc em gãy rụng nhiều, nhìn xơ xác; em cắt ngắn cho gọn rồi chờ tóc khỏe, dưỡng lại cho dài”. Anh thấy hợp lý nên dần dần cũng có cảm tình với mái tóc ngắn của vợ.

Từ những bất đồng trong gia đình mình, tôi nghĩ, dù quan điểm giữa vợ chồng hay giữa ba mẹ và con cái khác biệt cỡ nào cũng luôn cần sự lắng nghe và thấu hiểu, để nếu không đạt sự hòa hợp thì cũng vui vẻ chấp nhận sự khác biệt ấy. Cha mẹ lắng nghe con cái giãi bày. Con cái lắng nghe cha mẹ chỉ dạy. Vợ chồng lắng nghe nhau.

Nếu không tìm thấy tiếng nói chung, mỗi bên có thể cất giữ quan điểm riêng, không làm tổn thương, không cần thiết tranh cãi. Khi khoảng cách thế hệ, giới tính, quan điểm… được cảm thông, tôn trọng thì mọi chuyện sẽ được hóa giải một cách nhẹ nhàng, êm đẹp. Có lẽ đó cũng là bí quyết để sao Hỏa và sao Kim chung sống hòa bình dưới một mái nhà.

Theo phụ nữ TPHCM