Tôi tình cờ “lạc” vào một hội nhóm chị em trên mạng xã hội. Đang lúc rảnh rỗi nên tôi đọc những tâm sự muôn hình vạn trạng trong đó. Và sau một hồi hoa mắt thì tôi thấy phụ nữ sao mà... khổ đến thế.

Câu chuyện hầu hết mà hội chị em chia sẻ với nhau là chồng ngoại tình, là nỗi đau khi bao năm kề vai sát cánh trong khó khăn thì kết quả nhận được khi cuộc sống gia đình ổn định, kinh tế dư dả thì lại nhận sự phản bội.

Tâm sự nhiều thứ hai trong hội nhóm là những khúc mắc không thể hóa giải trong mối quan hệ với nhà chồng, đặc biệt là với mẹ chồng hoặc chị/ em chồng. Mối quan hệ muôn thuở đã phức tạp lại gặp ông chồng vô tâm hoặc đứng hẳn về phía những người ruột thịt khiến người vợ cô đơn, cảm thấy bị ra rìa. Hoặc người vợ mang cảm giác của người đã hết lòng vì gia đình nhưng không được tôn trọng, không có tiếng nói.

Ít hơn là những tâm sự về người bạn đời có tật xấu không thể dung hòa trong quá trình chung sống. Đã vậy, những thói quen xấu lại được nhà chồng bênh vực, khiến người vợ bức xúc.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Tôi không ngạc nhiên với nỗi niềm của chị em. Bởi thực tế, suốt cả hành trình dài chung sống, gia đình nào cũng có những sóng to gió lớn. Bát đũa còn có lúc xô, huống hồ hôn nhân không chỉ là mối quan hệ hai người mà còn là chằng chịt những lo toan về kinh tế, con cái, những mối quan hệ bên ngoài... 

Nhưng tôi ngạc nhiên với thái độ của đa số chị em dưới những lời bình luận: "Bỏ ngay đi". "Ngoại tình lần một là có lần hai đó, chạy ngay còn kịp". "Sao không ly hôn cho khỏe người?..".

Cứ mười bình luận thì khoảng bảy, tám lời khuyên như vậy. Nếu là câu chuyện bạo hành, thì lời khuyên ấy khả dĩ, nhưng có những va chạm rất thường ngày, có chị em cũng nâng quan điểm, hô hào cho việc ly hôn văn minh.

Tất nhiên ly hôn là giải pháp văn minh ở xã hội hiện đại, giải thoát cho những cặp vợ chồng không thể chung sống cùng nhau. Nhưng chỉ một chút cũng xúi nhau ly thân, ly hôn thì có đáng không? 

Người trong cuộc đương nhiên khi đi đến một quyết định nào đó, họ sẽ cân nhắc, sẽ tham khảo, sẽ lựa chọn giải pháp hợp lý hợp tình. Có người chọn ra đi, nhưng cũng có những người sẽ chọn vì con mà giữ lại tổ ấm, sửa chữa hôn nhân, chữa lành tổn thương cho mình.

Tôi cứ thắc mắc: cùng là phụ nữ, cùng hiểu giá trị của hai từ gia đình, cùng thấy được những sự việc đau lòng khi những đứa trẻ gặp cảnh ba dượng, mẹ kế hành hạ... sao không lựa chọn những lời lẽ nhẹ nhàng để làm dịu tâm sự của nhau. Sao không khuyên nhau thử một lần ngồi xuống sửa chữa những hỏng hóc của hôn nhân?

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa


Tôi biết vài người bạn, họ cũng phải chịu những tổn thương do người chồng không đủ tốt. Có người chồng ngoại tình, có người chồng nhất nhất nghe mẹ không mấy khi để tâm những ý kiến của vợ, có người chồng quá an phận thủ thường... Nhưng người vợ chọn ở lại, tự chữa lành vết thương trong tâm, trân trọng bản thân hơn sau những năm tháng làm mẹ làm vợ quên lãng. Họ cố tìm niềm vui cho mình, nhìn vào ưu điểm của người bạn đời để tiếp tục nắm tay nhau đi qua giông bão. Và rồi, gia đình họ vẫn là một tổ ấm. Nụ cười vui vẻ của bọn trẻ là minh chứng cho quyết định ở lại của người mẹ là đúng.

Thời gian trôi đi, không có vết thương nào không lành. Nhưng người tiêu cực thì cứ mãi mắc kẹt, làm đau mình rồi truyền cái nhìn tiêu cực vào hôn nhân của người khác. Hôn nhân phá thì dễ, xây mới khó. Giữ lại một bàn tay, bờ vai đã từng say đắm thời trẻ để cùng già đi bên nhau là việc nên chứ?

Vậy nên bạn đừng dễ dàng buông lời khuyên ai đó ly hôn...

Theo phunuonline.com.vn