Chị Hạnh Dung kính,
Cách đây 4 năm, em bị mối tình đầu bỏ rơi. Khi đó em đau khổ lắm, vật vã, tưởng chết đi sống lại. Và chồng em bây giờ xuất hiện. Thật ra là tụi em biết nhau từ lâu vì làm chung công ty, chồng biết cả người yêu cũ của em. Anh thầm yêu em, nên khi thấy em chia tay người cũ, anh đã tiến tới với em.
Ngay trước ngày đám cưới, kẻ Sở khanh đó đã xuất hiện và đòi em gần gũi một lần trước khi chia tay, nếu không sẽ phá đám cưới của em. Vì bất ngờ, không chuẩn bị nên em bị gã khống chế. Quá sợ hãi nên em đã im lặng giấu kín chuyện này.
Sau đám cưới vài tháng, em biết mình có thai, nhưng em luôn tin tưởng rằng đó là con của chồng em, vì em bị tai nạn kia ngay vào những ngày an toàn. Con của chúng em giờ đây đã được 2 tuổi. Cháu rất đẹp trai và ngoan. Chồng em thương em và con như vàng bạc, em thật sự rất hạnh phúc.
Thế nhưng thời gian gần đây, em bắt đầu phát hiện thấy cháu có những thói quen trong tính cách, sở thích ăn uống đặc biệt giống người kia chứ không giống ba cháu. Đặc biệt, cháu có một nốt ruồi ngay sau tai, giống y người kia.
Em thấy hoang mang, lo lắng, không biết có khi nào cháu là kết quả của lần em bị cưỡng đoạt đó không? Em biết rằng chồng em không hề nghi ngờ gì, nhưng nếu lỡ có những chuyện như trong phim, chẳng hạn phải truyền máu hay gì đó thì sao?
Em muốn đưa cháu đi thử xét nghiệm ADN xem cháu là con ai, nhưng cũng sợ chuyện này sẽ mang đến những kết quả bất ngờ. Và nếu thật lòng cháu không phải con của chồng em thì em phải làm gì? Xin chị cho em lời khuyên.
Lê Loan Anh
|
Ảnh minh họa |
Em Loan Anh thân mến,
Là một người mẹ, em không thể nào vì bất cứ điều gì sợ hãi mà không tìm hiểu đến tận nơi, tận chốn những điều quan trọng có liên quan đến con mình, và nhất là có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của cháu. Nhóm máu của cháu, ADN của cháu, người bố đích thực của cháu là ai, em nên biết để có thể đề phòng những trường hợp quan trọng có liên quan, thậm chí, đến cả tính mạng của cháu, mà các bác sĩ cần những thông tin cơ bản như vậy.
Em cũng cần làm điều đó cho chính bản thân mình, vì sống lâu dài trong dằn vặt, lo sợ, nghi ngờ, hoang mang là điều không tốt cho sức khỏe của chính em.
Khi biết sự thật, nếu nó không đúng như em nghi ngờ thì quá tốt, em sẽ được bình an, nhẹ nhàng mãi mãi. Còn nếu nó đúng như em nghi ngờ thì từ trạng thái lo lắng, sợ sệt, em sẽ được chuyển sang trạng thái hành động: làm gì để tháo gỡ mọi chuyện? Điều đó ít nhất là tốt hơn việc sống trong sợ hãi.
Em phải làm điều đó cũng chính vì để không có những chuyện bất ngờ xảy ra mà em không lường trước, không dự trù, không chuẩn bị để đối phó được, như em thường thấy trong phim ảnh về các tình huống con cái đột nhiên bị phát hiện ra không cùng huyết thống với cha mẹ ruột của mình.
Khi bị bất ngờ, bởi cảm giác lừa dối, coi thường, che giấu... người ta sẽ có những phản ứng rất nặng nề, tiêu cực và khó kiểm soát. Chính vì thế, trong trường hợp có kết quả (mà em nói rằng bất ngờ, nghĩa là con trai em không phải con ruột của chồng em), Hạnh Dung nghĩ chồng em có quyền được biết sự thật này, để anh ấy có quyền lựa chọn thái độ của mình với con trai em, với em và với chính gia đình của em và anh ấy.
Điều quan trọng lúc này là em phải lựa chọn thời điểm thích hợp và cách thích hợp để trò chuyện với chồng, và em phải chuẩn bị tinh thần với những phản ứng gay gắt của chồng. Hạnh Dung hy vọng rằng anh đã từng biết câu chuyện quá khứ của em và vẫn yêu thương em, sẵn sàng đón nhận, che chở yêu thương em, thì giờ đây, một lần nữa, anh sẽ thể hiện con người cao cả và tình yêu đẹp đẽ của mình dành cho em.
Nếu chồng em có thể bỏ qua, tha thứ, vì anh thương em và gắn bó với đứa con mà anh đã coi là con mình, thì đó là điều tuyệt vời. Tụi em chỉ cần nâng đỡ nhau đi qua khủng hoảng, và học cách quên đi những điều không tốt đẹp, để bước tới một tương lai bình yên, thanh thản vì đã tôn trọng, trung thực với nhau.
Về lâu dài, nếu mọi việc diễn ra theo chiều hướng con trai không phải là con trai của chồng em, và chồng em đủ bao dung để quên đi điều này, yêu thương em và con em như trước, thì vợ chồng em cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống đặc biệt khác: con sẽ lớn lên và cũng có quyền biết hết mọi sự thực.
Một cách giải thích nào đó tốt nhất, ít gây tổn thương nhất cho con trai, để cháu không cảm thấy tủi hổ vì sự ra đời không mong muốn của mình, là điều em và ông xã cần cân nhắc. Hãy làm sao để cháu dù có biết thân phận mình vẫn hiểu rằng mình được yêu thương và được lựa chọn trong cuộc đời này.
Trong trường hợp xấu nhất: chồng em không chấp nhận sự thật, không đủ bao dung và tha thứ, thì em cũng hãy mạnh mẽ đón nhận mọi việc, và đặt mục tiêu cao cả nhất của một người mẹ là bảo vệ hạnh phúc của con mình.
Chấp nhận một kết thúc buồn là để mở ra những cơ hội mới đẹp hơn cho hai mẹ con. Đừng oán trách, hận thù hay dùng dằng van nài, cầu khẩn. Hãy bước đi với một tâm thế mới: từ nay mình hoàn toàn làm chủ số phận của mình, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM