Đây là vấn đề mà Sandra Radna, luật sư ly hôn ở Long Island, New York biết rất rõ. Cô đang đại diện cho nhiều khách hàng có chồng cũ, vốn là những người giàu có, bất ngờ than nghèo một cách vô lý.

"Một khách hàng của tôi có chồng cũ là nhà quản lý đầu tư với tài sản nhiều hơn 1 triệu USD. Anh ta tuyên bố tất cả những gì mình có là một tài khoản hưu trí chỉ 200.000 USD. Người vợ chắc chắn rằng anh ta còn tiền nhưng không biết chúng ở đâu", Radna chia sẻ.

                             Các nghiệp vụ pháp lý và kế toán đang trở nên khôn ngoan hơn đối với tiền điện tử. Ảnh: decrypt.


Bằng các cuộc điều tra pháp lý và lệnh của tòa án, nữ luật sư này tìm thấy số tiền còn lại đã được gửi vào các tài khoản tiền mã hóa.

Giới siêu giàu từng giấu tiền trong tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ hoặc bí mật trữ tiền mặt. Khi tiền điện tử ngày càng phổ biến, nhiều người đã chuyển sang dùng ví kỹ thuật số, thứ giúp họ chuyển tiền ẩn danh nhanh chóng mà không cần ra khỏi nhà.

Thành công của Radna trong việc lần theo dấu vết các tài khoản cho thấy các nghiệp vụ pháp lý và kế toán cần trở nên khôn ngoan hơn đối với tiền điện tử. Những người như Mark DiMichael đóng góp rất lớn cho thay đổi này. Là chuyên gia pháp lý của công ty kế toán Citrin Cooperman, DiMichael không chỉ giúp các công ty xử lý tận gốc gian lận mà còn giúp luật sư ly hôn xác định tài sản.

Dù các giao dịch tiền điện tử có tính ẩn danh cao, nhiều vụ lừa đảo ly hôn vẫn lộ sơ hở, theo chia sẻ của ông DiMichael. Nhiều người đã sử dụng sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase, một công ty phải ghi lại danh tính khách hàng theo luật ngân hàng liên bang Mỹ, cũng như trả lời trát đòi hầu tòa nếu có lệnh của tòa án.

Theo Radna, dù che giấu các giao dịch tiền điện tử cẩn thận, số tiền đó vẫn có thể lần ra. Cô đã xin được lệnh của tòa án để thu giữ máy tính và tiến hành tìm kiếm hoạt động liên quan đến tiền điện tử, bao gồm những đồng tiền đề cao quyền riêng tư như Dash hoặc Monero.

Chuyên gia pháp lý DiMichael cũng xây dựng phần mềm của riêng mình để phân tích các blockchain khác nhau. Chỉ cần tìm được một giao dịch tiền điện tử cũng đủ để xác định giá trị tiền điện tử ẩn của người vợ hoặc người chồng.


Đặc điểm của tiền mã hóa dựa trên blockchain là ẩn danh. Tuy nhiên, các dịch vụ giao dịch hoặc ví chứa tiền mã hóa nhiều khi yêu cầu chủ tài khoản phải xác thực danh tính. Đây là kẽ hở để xác định những người sở hữu tiền mã hóa giấu mặt. Ảnh: New York Times.


“Miễn là bạn có địa chỉ ví, bạn đã có vị trí để bắt đầu tìm kiếm. Ví cứng hoặc ví giấy chứa khóa Bitcoin cũng có thể được bạn đời của bạn giấu đâu đó trong nhà”, DiMichael cho biết.

Chuyên gia pháp lý này đã nhận hơn hai chục cuộc gọi về việc truy tìm tiền điện tử trong các vụ ly hôn, vì bạn đời của họ vô tình khoe khoang với bạn bè.

“Một khách hàng nói rằng chồng cô ấy, một cựu vận động viên chuyên nghiệp đã khoe với tất cả bạn bè rằng anh ta là một 'cá voi' tiền điện tử và đầu tư trong nhiều năm", ông DiMichael chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể theo dõi tài khoản tiền điện tử, nếu vợ hoặc chồng của khách hàng đã chuyển tài sản đến một sàn giao dịch ngoài nước Mỹ như Binance.

Giống như phía luật sư, các thẩm phán cũng đang tìm cách bắt kịp xu hướng tiền điện tử trong các vụ ly hôn. Cách đây 5 năm, nhiều thẩm phán có thể bối rối bởi Bitcoin, nhưng nhiều cơ quan của Mỹ như cơ quan tư pháp New York hiện đã thông thạo các vụ án về tiền điện tử.

“Sai lầm lớn nhất trong các vụ ly hôn chính là suy nghĩ có thể giấu việc đầu tư tiền điện tử với vợ hoặc chồng bạn", luật sư Radna cho biết.

Theo Zing