“Nó lại giận chồng cô ạ. Đang ngồi khóc rưng rức vì chồng nhậu “khỉa” 2 đêm liền. Nó ghen đấy. Tui thấy mệt quá. Vào giữ con cho chúng nó làm ăn, nhưng tối về nhìn vợ chồng lục đục, tui chỉ muốn về quê ngay. Ngặt nỗi cháu nội mới 8 tháng, không đành để chúng nó mang cháu đi gửi...”. Biết tôi thân thiết với Hường - con dâu bà - nên bà hay tâm sự.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Vợ chồng Hường còn trẻ. Công việc của chồng Hường đang rất thuận lợi. Cậu ấy thường hay đi nhậu với đối tác, đồng nghiệp, thỉnh thoảng cậu không đón con vì những lý do đột xuất khiến Hường ghen.
“Đàn bà ghen, tôi thấy thật đáng thương. Họ nói năng, hành động thiếu kiểm soát. Khuôn mặt trở nên xấu hẳn đi, dữ tợn, thật uổng” - mẹ chồng Hường nhận xét con dâu.
Bà Thành vào sống với vợ chồng con trai từ khi con vừa lập gia đình. Con trai không yên tâm khi mẹ sống ở quê một mình nên thuyết phục khô nước bọt, bà mới chịu vô. Lối xóm bà ở có vài người già, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Nghe tin bà bán nhà ở quê, có người nói bà vội vàng quá; bán nhà rồi, nhỡ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trục trặc thì đường đâu mà lui. Bà Thành cười hiền: “Ở với con, con vui mình vui, con buồn mình buồn, hoàn cảnh tôi muốn sống một mình cũng khó. May mà cuộc sống hiện tại bình yên”.
Có bao nhiêu người mẹ cảm thấy hài lòng khi sống với vợ chồng con trai, con dâu? Có bà mẹ nào không bị... văng mảnh từ những xung đột của vợ chồng con trai, con dâu? Những mâu thuẫn vặt vãnh như khi vợ/chồng tan làm không lo về nhà mà tạt quán nhậu hay vợ để con khóc, không chịu dỗ con hoặc chồng mải nằm lướt điện thoại, không phụ việc nhà; đến những mâu thuẫn lớn như chồng có quỹ đen, chồng có “con rơi”, vợ/chồng ngoại tình... Những mâu thuẫn lớn, bé đó xảy ra như cơm bữa, các bà mẹ chồng nếu không thông cảm, sẽ khó sống chung lâu dài.
Mẹ chồng Hường hơi khó khăn. Mỗi khi thấy con trai phụ vợ việc nhà, bà có chút ấm ức, rằng con trai bà giỏi kiếm tiền, thời gian ở nhà là thời gian nghỉ ngơi; chẳng phải việc bà trông cháu, coi như... thay phần việc con trai bà rồi hay sao? Bà không hài lòng con dâu mấy chuyện đại loại thế, thành ra mẹ chồng - nàng dâu đôi khi cũng lấn cấn. Hường tâm sự: “Bà vào ở giữ cháu, đợi cháu tới tuổi đi nhà trẻ rồi bà về, nên em không “chấp” bà chuyện gì cả. Chứ anh Kha - chồng em nhiều “tội” lắm. Nhưng vì anh có mẹ “bảo kê” nên em nhiều lần ngó lơ. Chỉ sợ em không nói gì, tạo thói quen xấu cho ảnh sau này”. Mẹ chồng Hường thì cho rằng, mỗi thời mỗi khác. Thời này, cực chẳng đã ba mẹ mới sống chung với con cái. Con dâu thời nay độc lập, mạnh mẽ, thế hệ 4X như bà cảm thấy khó chịu khi con dâu rạch ròi mọi chuyện, cho rằng bình đẳng là phải bình cho... tới, chồng có thể vào bếp, vợ có thể đi nhậu.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Bà Thành hay nói về hoàn cảnh đơn chiếc của mình. Kha là đứa con duy nhất của bà. Kha có lý khi không để mẹ sống già một mình. Đặc biệt, Kha luôn cố gắng giữ hòa khí với vợ, để mẹ được sống bình yên, nhờ vậy mà vợ Kha cũng sẵn lòng dịu nhẹ với mẹ anh. Sống chung với con, bà Thành cũng cố gắng không quá nặng nề mỗi khi vợ chồng con cãi nhau. Những lúc đó bà lặng lẽ ra ngoài, thường chừng 5, 10 phút là nhà cửa lại bình yên. Bà nghĩ, vợ chồng làm sao tránh khỏi va chạm, nhưng các con thương mẹ đang sống cùng, nên biết dừng lại, vậy là bà mừng rồi. Những khi con dâu buồn, bà Thành lại hỏi thăm, động viên. “Lấy được lòng con dâu sẽ dễ sống vô cùng”. Bà đã bán nhà ở quê, may mắn sống “được” với con dâu, dù đôi khi cũng có chút mủi lòng, nhưng đó là sự mủi lòng vu vơ của người già, không thành vấn đề.
“Giữ hòa khí với vợ để mẹ được sống bình yên”. “Coi mẹ chồng như mẹ ruột”. “Lấy được lòng con dâu sẽ dễ sống vô cùng”. Những câu “slogan” này nếu khéo léo áp dụng, “bộ ba quyền lực” hẳn sẽ thoải mái khi sống chung nhà.
Theo phụ nữ TPHCM