Em muốn đi bước nữa, nhưng sợ con tổn thương. Không biết phải làm thế nào, em nghĩ mãi mà vẫn chưa được thông suốt.

Nguyệt Nông

leftcenterrightdel
 


Em Nguyệt Nông thân mến,

Tiếc rằng em không nói rõ trong thư con em là con trai hay con gái, đã lớn hay còn nhỏ? Nếu có những thông tin cụ thể thì Hạnh Dung có thể cho em những tư vấn hữu ích hơn. Vì giới tính khác nhau, lứa tuổi khác nhau, có thể có những cảm xúc hoàn toàn khác nhau trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Tuy nhiên, dù là lứa tuổi nào, giới tính nào thì cảm xúc chênh vênh, hụt hẫng, thậm chí là mất mát, hoang mang như bị bỏ rơi, hầu như sẽ có ở mọi đứa con. Sự thiếu vắng người cha vốn đã khó khăn, nay phải chia sẻ tình cảm của người mẹ với nhiều người là không thể chấp nhận nổi.

Với những đứa trẻ đã trưởng thành, có hiểu biết, thì sự nghi ngờ, lo lắng mẹ mình có thật sự hạnh phúc hay không, có thật sự được tôn trọng, yêu thương hay không, cũng là điều gây nên những bất an rất lớn.

Chính vì những điều này, mà không ít người mẹ đã lựa chọn việc làm mẹ đơn thân suốt đời, lấy con cái và hạnh phúc của con cái làm hạnh phúc của mình. Họ chấp nhận gánh chịu những chênh vênh, cô đơn, thiếu thốn để có được sự bình an cho cả mẹ và con.

Những người mẹ mong muốn đi bước nữa là những người mẹ hết sức can đảm và đầy lòng khao khát được yêu thương và chia sẻ yêu thương, được hạnh phúc và mang đến hạnh phúc cho người khác.

Để có được những điều đó một cách chắc chắn hơn, họ cần phải vô cùng tỉnh táo và sáng suốt khi lựa chọn bạn đời thứ hai. Một phần rất lớn vì người đó không chỉ là chồng mình, mà còn phải là cha của con mình.

Với con, cần có những bước chuẩn bị tinh thần cho con rất kỹ. Làm sao để trẻ hiểu được rằng: niềm vui, hạnh phúc của mẹ mình cũng quan trọng như là niềm vui, hạnh phúc của chính mình.

Làm sao cho trẻ hiểu rằng, mẹ lấy chồng là mình có thêm người cha, chứ không phải mất đi người mẹ. Đó là điều hết sức khó khăn mà người mẹ phải làm được: kết nối hai con người quan trọng với cuộc đời mình - chồng tương lai và con - lại với nhau.

Hãy giúp họ gần gũi, có những cảm nhận tốt đẹp và thậm chí trở thành bạn bè của nhau trước khi xác định chính xác được mối quan hệ cha con. Vai trò của mẹ làm cái cầu nối ở đây hết sức tế nhị và khó. Hãy giúp trẻ tự nhiên cảm nhận được sự kết nối với người đàn ông sẽ là cha dượng của mình, tin tưởng và quý mến anh ta.

Hai bên cũng cần phải có những quy định ban đầu một cách rõ ràng. Làm sao để chồng tương lai ý thức được vai trò làm cha của một đứa trẻ khó khăn thế nào, và anh ta phải hiểu rằng yêu mẹ đứa trẻ thì phải yêu luôn đứa trẻ, không có sự tị nạnh, so sánh, soi mói ở đây. Anh ta phải chấp nhận rằng, không có gì quan trọng trên đời này với một người mẹ hơn con của họ.

Những quy định về việc dạy dỗ con riêng của vợ: can thiệp hay không can thiệp, can thiệp tới đâu là đủ, và dừng ở đâu là đủ, cũng là những vấn đề hết sức tinh tế mà em cần phải suy nghĩ và đặt ra.

Làm mẹ đã khó, làm mẹ của một đứa con đang có nguy cơ bị tổn thương vì mẹ lấy chồng còn khó hơn gấp ngàn lần. Mong rằng em chuẩn bị đủ tinh thần, sự bản lĩnh, sáng suốt và mạnh mẽ để dung hòa được tất cả những vấn đề đó, em nhé!

Theo phụ nữ TPHCM