Chị Hạnh Dung thân mến,

Vợ chồng tôi cưới nhau đã được gần 10 năm, có 2 con trai và gái. Các cháu ngoan ngoãn và học giỏi. Chồng tôi làm công ty nhà nước. Cuộc sống gia đình vừa đủ chi tiêu.

Hàng tháng chồng tôi đưa tôi 20 triệu, lương tôi 15 triệu, vun vén thì cũng đủ ăn, đủ mặc. Vì là người biết lo xa, nên tháng nào tôi cũng dành dụm vài ba triệu, để đề phòng những ngày khó khăn bất ngờ.

10 năm chung sống, vun vén, tôi cũng tiết kiệm được hơn 400 triệu. Số dư này tôi cũng luôn khoe với chồng, tôi muốn anh vui và bình an, không phải lo lắng quá nhiều về kinh tế gia đình.

Cũng vì cố gắng như vậy nên tôi rất ít mua sắm cho mình. Hình như 10 năm qua, số quần áo mới tôi có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà có hai chị dâu xinh đẹp và biết ăn mặc, nên thỉnh thoảng nếu đi đâu cần mặc đẹp, tôi lại qua mượn các chị bộ đồ, cây son, cái túi xách...

Tuần trước, khi tôi ghé chị dâu mượn đồ, chị nhìn tôi thương hại và bảo tôi đừng quá tiết kiệm, hãy sống cho mình đi. Chị nói là chồng tôi giấu tôi nhiều tiền lắm, mẹ chồng tôi đang giữ giùm anh ấy khoảng hơn 3 tỉ đồng. Anh ấy đang dự định mua nhà, đất. Chuyện đó anh thường bàn với cả nhà, trừ tôi.

Nghe chị nói mà tôi choáng váng. Tôi nhớ đến những cố gắng của mình... Tôi tiết kiệm đến cái mức nhiều khi đi đường khát nước, cũng không dám mua chai nước 6 ngàn đồng, mà cố nhịn khát để về nhà uống, đỡ đồng nào hay đồng đó.

Tôi cứ tưởng chồng hiểu được những gì tôi làm, là vì gia đình, vì chồng con. Không ngờ, anh vẫn coi tôi như người xa lạ. Anh sợ mất tiền bạc, sợ phải chia sẻ công sức lao động của mình với tôi.

Anh còn tính toán với cả nhà rằng lương tôi 15 triệu, anh đưa 20 triệu là đóng góp công bằng rồi. Phần còn lại là của riêng anh. Phải giữ gìn để nếu vợ chồng có vấn đề thì không phải mất mát vô lý.

Giờ đây đầu óc tôi hoang mang và trống rỗng lắm. Tôi không biết nên tiếp tục sống với anh thế nào? Ly hôn thì tôi sợ với thu nhập này, tôi không đủ sức nuôi hai con. Mà anh cũng chưa chắc cho tôi nuôi cả hai con.

Tôi có nên hỏi thẳng vì sao anh đối xử với tôi như thế? Hay cứ cố gắng nghĩ như anh nghĩ: đóng góp thế là công bằng rồi, ráng sống mà lo cho các con đến khi chúng trưởng thành?

Lòng tôi đau lắm, chị Hạnh Dung ạ.

Tuyết Mai

leftcenterrightdel
 

Chị Tuyết Mai thân mến,

Có một thực tế vô cùng đáng buồn trong đời sống hôn nhân hiện nay: tỉ lệ ly hôn ngày càng cao, người ta ly hôn ngày càng dễ dàng, và các cuộc ly hôn ngày càng cay đắng, không phải vì sự phân chia tình cảm, trách nhiệm... mà vì sự tranh giành tiền bạc, quyền lợi.

Thế nên, cái điều mà chỉ tầm 20, 30 năm trước không thấy, thì bây giờ trở nên phổ biến vô cùng. Trước khi kết hôn, trong khi kết hôn, người ta vẫn cứ nghĩ và đề phòng hai chữ "ly hôn". Đề phòng để không bị mất quyền lợi, không bị chia sẻ tài sản, chứ không chỉ tranh giành việc nuôi và cấp dưỡng cho con...

Chưa kết hôn mà đã nghĩ tới việc phải giữ, phải thủ cho mình; cha mẹ anh em bạn bè toàn khuyên đừng tin quá, phải có quỹ riêng, tài sản riêng... Thế nên cái tư tưởng không dám trao trọn vẹn tài sản cùng với cả trái tim của mình cho cuộc hôn nhân trở nên bình thường, phở biến. Một thực tế đáng buồn.

Nói một chút như thế, để chị có thể phần nào chấp nhận sự thật buồn mà chị vừa phát hiện. Để an ủi mình rằng, ừ thì ít ra chồng mình còn đóng góp một cách công bằng, sòng phẳng để chia sẻ trách nhiệm nuôi con và lo cho gia đình.

Từ trước tới giờ chị vẫn thấy việc đóng góp này là bình thường, chị vẫn có thể chi tiêu cho gia đình được đầy đủ, thậm chí tiết kiệm một chút thì vẫn để dành được. Như vậy là nếu không biết cái sự thật đáng buồn kia, thì cuộc sống của chị tạm ổn.

Đó là điều chị nên giữ lấy để cân bằng cán cân cảm xúc lúc này, khi mà phía bên kia cứ trĩu xuống, khiến chị thấy cần phải làm gì đó để giải tỏa. Cân bằng để việc giải tỏa mà chị đang hướng tới sẽ không khiến tình trạng gia đình trở nên xấu đi, chỉ do không kiểm soát được cảm xúc.

Tất nhiên, vấn đề ở đây không chỉ nằm ở chuyện tiền đóng góp cho gia đình. Điều khiến chị thấy tủi thân và ấm ức vì mình đã dồn hết tình thương yêu cho gia đình, hy sinh những nhu cầu cá nhân của chính mình, thế nhưng chị lại không được tin, thậm chí còn cảm thấy bị qua mặt.

Chị hãy thử nhìn vấn đề ở một góc nhẹ nhàng hơn: Chồng chị cũng bị những cảm xúc bình thường như Hạnh Dung nói ở trên chi phối, khi anh ấy có thu nhập cao hơn nhiều lần. Biết đâu anh ấy cũng bị mọi người tác động trong việc cần giữ tiền riêng?

Hơn nữa, anh ấy là đàn ông, có thể là anh ấy có những trách nhiệm, những gánh nặng, những nghĩa vụ cần thực hiện. Nhìn thấy chị rất chắt bóp, tiết kiệm trong chi tiêu, có thể anh ấy ngại bị kiểm soát nên phải có những cách xử lý riêng của mình.

Vì việc này đã được chị chồng chị xác nhận, chị cũng có thể thẳng thắn trò chuyện với anh. Biết đâu chồng chị sẽ cởi mở với chị những nỗi khó xử của anh ấy, và đây là một cơ hội để anh chị có thể bàn bạc, thảo luận lại lần nữa về các vấn đề tài chính trong gia đình, khi mà chị có thể nói với anh về những khó khăn, những cố gắng, và mong ước của chị.

Tiền bạc, trong bất kỳ mối quan hệ nào, cũng là lý do phá hủy rất to lớn. Chị hãy cân nhắc mọi chuyện thật kỹ lưỡng. Căn cứ vào những hiểu biết, cảm nhận của chị về chồng, để có thể tìm được những cách gầy dựng lòng tin, căn cứ vào cách suy nghĩ và chia sẻ kinh tế với nhau.

Theo phụ nữ TPHCM