3 ngày liên tục, tôi đi làm nhưng luôn phải mở camera để xem ở nhà ba mẹ chồng làm gì. Ba chồng tôi đã ngoài 80, may mắn cho con cháu là ba vẫn khỏe mạnh. Vườn tược nhà cửa được ba ra vào chăm chút kỹ. Mẹ chồng tôi ít hơn vài tuổi nhưng bà yếu và khó tính.
Chúng tôi ở bên cạnh, chung với ba mẹ khoảng sân nhỏ. Nhưng trong không gian ấy để kết nối được với mẹ chồng tôi là cả một vấn đề.
Mẹ gần như không ra khỏi nhà, không chơi với ai, lại thêm chứng nghĩ quá nhiều về chuyện mình mắc bệnh và chồng “không nghiêm túc”, thành ra câu chuyện với con cháu luôn là những phàn nàn quanh 2 chuyện đó. Không ai có thể khuyên hay đủ kiên nhẫn để ngồi nghe bà than vãn mãi những điều này.
Các con tôi đi học, vợ chồng tôi còn đi làm, nên biết bà rất “thèm người” nói chuyện, chúng tôi cũng chỉ có thể dành cho bà ngày cuối tuần và những buổi tối.
|
Mẹ chồng tôi rất thèm người để nói chuyện... (Hình mình họa) |
Tôi để ý camera vì gần đây mẹ liên tục gây hấn với ba. Vẫn chuyện ghen tuông với tất cả những gì bà tự nghĩ ra. Khi không có chúng tôi ở nhà, bà đứng trước camera khóc, hoặc liên tục kể tội ba như mách với những đứa con đang bận đi làm rằng ba làm khổ mẹ, rằng mẹ lại mất đồ, mất tiền...
Tôi thực sự không biết làm cách nào, bởi cứ khoảng một tuần mẹ lại đòi họp gia đình một lần để mách tội ba. Chúng tôi không cho các con, các cháu tham gia, nhưng chỉ cần tôi và chồng không ở nhà là bà lại kể xấu ông nội với chúng. Lâu dần, bọn nhỏ có ý muốn né bà.
Theo dõi camera mấy ngày tôi thấy khi không xem ti vi, mẹ lại đến trước camera “tâm sự”. Tôi biết dù khắc khẩu, nhưng ba chồng tôi vẫn lo cho vợ mình nhiều. Ông chăm chút từ bữa ăn, nồi thuốc lá, đến giờ uống thuốc. Nhưng cứ đụng mặt, mẹ lại cằn nhằn. Không khí trong nhà khá mệt.
Bất ngờ một tối mẹ gọi riêng tôi vì “có chuyện”. Chồng tôi cũng ngạc nhiên, bởi xưa nay mẹ luôn bắt lỗi và không ưa gì con dâu. Hơn 10 năm làm dâu mẹ, về cơ bản tôi luôn ấm ức còn mẹ không vừa lòng. Nhưng sống lâu, tôi học được cách “giả điếc”, luôn vâng dạ cho mẹ vừa lòng, miễn là trách nhiệm dâu con của tôi tròn trịa.
|
|
Nỗi ám ảnh chồng có bồ bao nhiêu năm khiến mẹ không thể nào sống yên được... (Hình minh họa) |
Mẹ nắm tay tôi thân mật khi tôi vừa ngồi xuống, bà xót xa: “Dạo này gầy quá con ơi!”.
Tôi kinh ngạc. Chưa bao giờ mẹ bày tỏ sự gần gũi như vậy. “Mẹ dặn này, đất đai nhà cửa mẹ sẽ giao cho vợ chồng con quản lý. Ba con là người không tin được, ổng cầm là ổng mang cho gái hết...”. Hóa ra chứng hoang tưởng trong mẹ quá nặng. Mẹ thà giao cho một người chưa từng được tin tưởng như tôi, còn hơn giao cho chồng.
Nỗi ám ảnh “chồng có bồ” đằng đẵng bao nhiêu năm khiến mẹ không thể nào sống yên. Nhưng mỗi lần lựa cho mẹ đi khám, mẹ đều cự tuyệt.
“Con giữ lấy cho các cháu của mẹ. Chứ ổng không thương vợ con gì đâu, ổng chỉ rình đầu độc mẹ để lấy bà khác thôi”, mẹ chồng vẫn tiếp tục.
Tôi thở dài, định nói làm gì có chuyện như mẹ nghĩ, ba cả đời sống chất phác, tiền nong mẹ quản hết, cái kim còn không lọt ra ngoài thì ba có gì mà mang đi. Nhưng tôi biết lại như vô vàn những lần khác, câu chuyện sẽ bế tắc và không khí trong nhà thêm căng thẳng hơn, nên không nói gì.
Tay run run, mẹ lôi trong một cái hộp cũ kĩ ra bìa hồng căn nhà đang ở. Tôi hoảng hồn: “Để con gọi chồng con lên”. Nhưng bà nhất định ấn vào tay tôi.
Tôi cứ bần thần nghĩ mãi về những tháng ngày tuổi già của mẹ. Hoang mang, lo âu thậm chí là stress vì chứng hoang tưởng. Mỗi người già khổ một cách. Người thì sợ thừa ra trong cuộc sống của con cháu. Người thì nằm đó, không tự bước chân được xuống giường để ra ngắm bầu trời mỗi sáng. Người thì như mẹ chồng của tôi...
Đúng là mẹ già như chuối chín cây. Thêm một lần nữa như trẻ con lần 2 trong đời. Tôi biết phải làm sao để mẹ bớt căng thẳng mà sống an vui trong chính căn nhà mình?
Theo phụ nữ TPHCM