Kính gửi chị Hạnh Dung, 

6 tháng nay em sửa nhà. Việc bắt đầu từ chỗ vợ chồng xác định không dọn ra riêng mà sống luôn với ba má, chăm sóc ba má đến cuối đời. Chuyện đó cũng đồng nghĩa với việc em làm dâu toàn thời gian. Từ khi về nhà chồng tới giờ đã 13 năm, em luôn nghĩ có ngày mình sẽ có nhà riêng, sẽ độc lập tự do.

Nhưng rồi các anh chị em bên chồng dần ổn định, ba má công khai chuyện chỉ hợp tính với vợ chồng em, muốn được vợ chồng em chăm lo tuổi già. Anh chị em cũng đồng thuận, vậy là chồng em quyết định sửa nhà.

Em cũng nghĩ bỏ tiền sửa cho thoáng, rộng, mình cũng đỡ bức bối đụng chạm, mới có thể sống vui khỏe cùng ba má lâu dài. Nhưng tới giờ em thấy sai lầm rồi.

Nhà của ba má, tiền của em, mỗi bên cứ vậy mà giằng kéo. Ba má có ý thích riêng, muốn phòng thờ thế này phòng ngủ thế kia, em không thích lắm nhưng vẫn đồng ý.

Chỉ riêng căn bếp, em muốn làm theo ý mình, vì đó là nơi em phải xếp dọn, phải cất trữ thực phẩm, phải nấu ăn mỗi ngày… Nhưng má chồng em can thiệp vào tất cả - từ cái bồn rửa chén, chỗ để máy giặt, tủ lạnh, cho đến gắn bếp gas hay gắn bếp từ...

Hôm qua là ngày căng thẳng nhất, má con bất đồng ý kiến, má tuyên bố: “Tao còn sống trong nhà này mà mày coi như tao chết rồi”. Em nghẹn lời, không biết nói sao nữa. Biết vậy, từ đầu đừng có nghĩ tới chuyện sửa nhà. Nay đã lỡ phóng lao phải theo lao, tiền sửa nhà cũng đã vượt dự toán. Thật sự em không biết phải làm sao để thu xếp cho tròn vụ sửa nhà này.

Bích Thúy (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Em Bích Thúy thân mến,

Sửa nhà, hầu như ai cũng ít nhiều gặp chuyện vậy, vậy mà rồi ai cũng sửa xong nhà, sống vui sống khỏe hơn trong ngôi nhà mới. Em đừng căng thẳng quá, người ta gỡ được thì mình cũng gỡ được. Mình chủ động thì không đến nỗi sứt mẻ tình cảm gia đình.

Chắc vợ chồng em, cũng như nhiều cặp khác, khi thiết kế bếp luôn muốn căn bếp hiện đại, sáng sủa. Bản vẽ thiết kế thường do “nhóm trẻ” trong nhà chủ trì, trong khi “nhóm già” không tham gia đọc hiểu bản vẽ, cho tới khi thợ xây lên, thậm chí tới khi hoàn thiện rồi, mới có ý kiến.

Phần lớn là do các cụ không hiểu hạ tầng đường nước, đường điện đã đi, nên các cụ sửa ngang. Vụ này em phải đưa chồng em nhập cuộc, để anh ấy giải thích cho ba má hiểu cái gốc kỹ thuật của mọi chuyện và có ý kiến phù hợp hơn.

Một cách nữa là đưa các cụ xem bản phối cảnh để các cụ dễ hình dung tổng thể, dễ bị thuyết phục bởi vẻ đẹp của căn bếp mới, đồng thời hình dung được mình đang sửa cái gì, ở đâu.

Điều khó nữa là do quan niệm cũ, các cụ thường quen với căn bếp kín, quen với không gian truyền thống của nhà bếp. Vợ chồng em có thể đưa ông bà đi tham quan vài chỗ, những nơi có không gian bếp mới mẻ, thoáng rộng. Có thể đưa các cụ đi chọn đồ nội thất bếp, để các cụ biết giá tiền từng món và cũng có cảm giác chủ động trong sắp xếp đồ đạc.

Nói chung, cần để các cụ tham gia chủ động vào quá trình sửa nhà, để các cụ tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khách quan và mình cũng nên có một số nhường nhịn cần thiết. Các cụ sẽ quen dần với nhà mới và vẫn có cảm giác đó là nhà mình, không bị lấn lướt, không thấy mình mất hẳn không gian quen thuộc và bị đặt vào một không gian xa lạ.

Hiện nay em đang vướng ở gian bếp, vậy cứ lùi lại vài ngày, chịu khó chuyển sang sửa các phòng khác. Sau vài ngày bình tâm lại, cả gia đình sẽ bàn thảo, điều chỉnh trên bản vẽ cho thống nhất trước khi bắt tay vào sửa.

Em cũng nên ý tứ, giữ cho bà cảm giác bà vẫn là chủ nhà, vẫn chia sẻ quyền lực trong bếp. Bà có thể lo lắng về thiết bị mới, không biết dùng, em cứ nhờ chồng, nhờ thợ tư vấn cho bà để bà không lo lắng.

Thời gian này ai cũng căng thẳng, dễ quạu cọ, em cố cân bằng để không bị rơi vào tranh cãi, thể hiện cảm xúc tiêu cực. Chúc em thành công.

Theo phụ nữ TPHCM