|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nội ngoại ganh nhau
Ba mẹ tôi là giáo viên về hưu, kinh tế khá giả, còn ba mẹ vợ vốn ít học, buôn bán nhỏ và có thêm nghề cho vay lấy lãi. Khi tôi quyết định lấy vợ, ba mẹ tôi băn khoăn vì nền tảng 2 bên không tương đồng. Nhưng vì tình yêu, chúng tôi vẫn quyết đến với nhau.
Thời gian đầu, em làm dâu nhà tôi. Một lần, mẹ tôi vô tình trông thấy quyển sổ để lẫn trong chồng báo cũ, trong đó có mấy trang viết của con dâu, đại khái nói là về nhà chồng thấy xa lạ, mẹ chồng suốt ngày đọc báo, xem sách, xem ti vi trong khi mẹ ruột ở nhà thì tất bật cả ngày, hết bán buôn rồi đi lấy hàng, còn chị chồng thì đi làm luôn quần là áo lượt… nên thấy chạnh lòng.
Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là vợ chưa thân với nhà mình nên chưa hiểu nhau thôi. Sau này, qua lời cô giúp việc nhà ngoại, tôi mới biết mẹ vợ luôn tò mò hỏi con gái mọi chuyện bên nhà chồng; không quên bình phẩm, phân tích để “định hướng” cho con không bị thua thiệt. Từ mặc cảm không môn đăng hộ đối, dần dần, mẹ vợ gieo vào đầu vợ tôi suy nghĩ so sánh, ganh đua với nhà chồng trên mọi phương diện để không bị mất mặt. Chuyện quyển sổ khiến ba mẹ tôi có một nút thắt trong lòng với con dâu.
Đến khi vợ chồng tôi sinh con đầu lòng thì mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao. Nhà vợ luôn “phát động” những đợt thi đua ngấm ngầm với sui gia trong việc chăm lo cho cháu. Đầy tháng cháu, ông bà ngoại mừng cháu 1 chỉ vàng thì ông bà ngoại phải tặng hẳn 2 chỉ để “trên cơ”. Tết, mẹ tôi lì xì cháu 200.000 đồng thì mẹ vợ nhất định phải rút tờ 500.000 đồng ra mới chịu. Ba mẹ tôi đi du lịch Đà Lạt thì ba mẹ vợ cũng phải tổ chức ngay chuyến đi Phú Quốc.
Vợ chồng chị Hai tôi đưa ba mẹ đến studio chụp bộ ảnh gia đình thì liền sau đó, vợ tôi cũng đưa ba mẹ và em trai cô ấy đi chụp ảnh. Dù 2 nhà không hợp nên rất ít lui tới, hỏi thăm nhau; nhưng nhất cử nhất động của nhà tôi hoặc những hình ảnh kỷ niệm được ba mẹ tôi chia sẻ trên Facebook đều được nhà vợ theo dõi sát sao để… ứng phó.
Chuyện nuôi dạy cháu cũng bị đem làm thứ để tranh đua. Mỗi lần tôi đưa con về ngoại chơi, thể nào bà ngoại cũng rủ rỉ hỏi han mấy đứa cháu xem bà nội đối xử với chúng ra sao và tìm cách xuyên tạc. Con bé lớn kể chuyện bà nội hay kêu con lau bàn, lặt rau, dọn chén. Thằng con trai nhỏ nói bà nội cứ bắt Tí tập đánh vần, rồi viết bài, làm toán mỏi cả tay.
Vậy là bà ngoại liền nói: “Con nít biết gì mà làm, về với ngoại ngoại làm hết, tụi con chỉ việc chơi. Học ở trường mệt muốn chết rồi, về nhà phải cho nghỉ ngơi chớ”. 2 đứa nhỏ thấy được ngoại chiều là thích chí, đến khi về nội thì không chịu nghe lời, nội rầy thì khóc nói nội không thương, không muốn ở với nội nữa. Thế là 2 nhà đã xa cách, nay càng cách xa. Ba mẹ tôi tuyên bố từ nay không đặt chân qua nhà sui gia, dù ở chung xóm.
Tôi biết chuyện nên cằn nhằn vợ. Vợ bị tôi la lại bênh mẹ ruột chằm chằm. Từ mâu thuẫn của phụ huynh, chúng tôi nhiều lần cãi nhau, chuyện này chưa xong, chuyện khác lại tới. Bên nội lẫn bên ngoại đều tìm cách tác động để lôi kéo con cháu về phe mình, không ai chịu ai, bất phân thắng bại. Vợ thì ngại nhà chồng, chồng thì đổ thừa tại nhà vợ khiến gia đình xào xáo.
Con cháu phải là cầu nối
Thấy kéo dài không ổn, tôi quyết định ra riêng. Chúng tôi tự thu xếp việc nhà, đi làm và đưa đón, chăm sóc con; không gửi bên nội hay bên ngoại cho đỡ rắc rối. Cuối tuần, tôi và vợ sẽ thay phiên đưa các cháu về thăm nội - ngoại.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Từ ngày ra riêng, không có bà kèm cặp việc học, vợ tôi phải đánh vật cả tối để dạy con. 2 đứa nhỏ quen được bà ngoại chiều, giờ đưa vào khuôn khổ cũng khá vất vả. Lúc này, vợ tôi mới thấm thía và dần hiểu thì ra bà nội có lý. Còn tôi ngày nào cũng phải đưa đón con - công việc mà trước đây ông bà ngoại làm giúp - mới hiểu được ba mẹ vợ cũng rất thương con, thương cháu, chỉ là cách thương của 2 nhà “vênh” nhau nên không tìm được tiếng nói chung.
Từ lúc hiểu nhau, thái độ của vợ với nhà chồng và của tôi với nhà vợ cũng vui vẻ hơn trước. Chúng tôi nhận ra quan hệ thông gia phụ thuộc rất nhiều vào con cháu. Nếu vợ chồng hòa thuận, người này kính trọng, thật lòng yêu quý ba mẹ người kia thì tình cảm đôi bên gia đình sẽ dần tốt lên.
Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi một sớm một chiều mà thay đổi được nếp nhà của mỗi bên, nhưng ít ra cũng sẽ giúp 2 nhà trọng nhau như khách, lấy hạnh phúc của con cháu ra làm tiêu chuẩn để hành xử.
Tết năm nay, tôi định sẽ sắm món quà mang qua nhà vợ, nói là của ba mẹ tôi gửi biếu. Còn vợ thì lãnh nhiệm vụ thuyết phục bằng được mẹ vợ gọi điện chúc tết ông bà thông gia lúc giao thừa. Mấy đứa nhỏ cũng được quán triệt tinh thần là qua nhà nội phải nhớ nói chuyện vui, chuyện tốt của nhà ngoại và ngược lại để không làm phức tạp thêm tình hình.
Hy vọng rằng, sẽ có lúc chúng tôi thành công trong việc đưa 2 nhà “xuống thang chiến tranh”, để có lúc thằng Tí thực hiện được mong ước của nó là chụp tấm hình có nhà mình và có cả ông bà nội, ngoại.
Theo phụ nữ TPHCM