Tiết trời mùa này mát mẻ dễ chịu, buổi sáng tôi thích loanh quanh trong con hẻm nhỏ để ăn sáng. Sở thích ấy giúp tôi kết nối được với nhiều hàng xóm ở gần, từ chị bán bánh mì đầu hẻm, cô bán xôi, đến xe cà phê thơm lừng của chàng trai trẻ…
|
|
Kết nối với nhau bằng những cuộc trò chuyện thân tình (ảnh minh họa) |
Sáng nay tôi gặp lại chị bán bánh mì sau nhiều ngày không thấy chị bán. Nhìn chị không khỏe, làn da nhợt nhạt và bộ tóc lạ lạ. Chẳng đợi tôi hỏi chuyện, chị chia sẻ nghỉ bán lâu là vì điều trị ung thư. Tôi ngỡ ngàng. Nhìn chị trẻ hơn tuổi 50 bởi sự cởi mở, hay cười, vậy mà đùng một cái, sau cơn đau bụng bất thường của kỳ kinh, đến bệnh viện làm một số xét nghiệm, chị biết mình mang trọng bệnh, chẳng hề có bất cứ một sự báo trước nào. Cũng may, căn bệnh phát hiện khi ở giai đoạn nhẹ nên còn kịp thời điều trị.
Chị nói: “Chỉ có sức khỏe là quan trọng nhất”. Câu này ai cũng từng nghe nhiều lần. Có những người còn trải qua những cuộc giành giật sự sống với thần chết, nhưng lại quên ngay sau đó. Quên vì thờ ơ. Quên vì mải mê trên hành trình với những mong cầu của riêng mình. Vậy nên cái lý thuyết “sức khỏe là quan trọng” ấy nghe tưởng rất quen mà vẫn không thực hành được.
Ta chẳng dễ dàng lững thững mà sống, mà đi theo cách mình được. Sự khắc nghiệt buộc mỗi người phải nỗ lực tiến về phía trước. Bởi nếu chỉ cần “dậm chân tại chỗ”, bạn sẽ bị loại bỏ.
Chưa nói đến khả năng bị loại bỏ, con người ta còn có nhiều nấc thang hướng đến những danh vọng trong cuộc đời. Tất cả những thứ đó khiến bản thân quên mất đi điều căn bản nhưng cũng là quan trọng nhất là sức khỏe thể chất và tinh thần. Có những căn bệnh được cơ thể lên tiếng báo trước, cũng có những căn bệnh khi phát hiện ra, bệnh nhân chỉ nhận cái lắc đầu của bác sĩ.
Tôi quen một người, anh đam mê lĩnh vực ẩm thực. Anh đi nhiều, thích thưởng thức món ngon ở các vùng miền, một phần vì công việc. Đến khi một vài chỉ số báo động, bác sĩ khuyên anh hạn chế một số chất dư thừa trong cơ thể, nhưng anh vẫn ỉ y. Một lần, khi nằm trong phòng cấp cứu, vừa mới tỉnh dậy, anh gọi cho tôi, nhờ tôi mang vào loại bánh anh rất thèm, mặc dù món đó nằm trong thực đơn kiêng nghiêm ngặt. Anh vẫn cứ nói “không sao đâu”. Anh mất khi tuổi đời còn rất trẻ. Người thân ai cũng tặc lưỡi, giá như anh chịu khó dành thời gian tập luyện, theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh thì biết đâu…
Có người cho rằng, sống chết có số. Người ăn uống kiêng khem, lành mạnh cũng chưa hẳn tránh được những nguy cơ. Hoàn toàn đúng, nhưng một lối sống lành mạnh với vận động điều độ, ăn uống dinh dưỡng cân bằng, biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, chắc chắn sẽ mang lại kết quả khả quan, ít nhất là cũng tránh được số cân nặng dư thừa khiến bộ khung xương quá tải, cũng đa phần bởi chế độ ăn uống thiếu cân bằng kéo dài mà ra.
|
|
Chăm chỉ luyện tập cũng là cách yêu thương cơ thể mình (ảnh minh họa) |
Người thân thiết, gắn bó, đồng hành với mình đến trọn cuộc đời không phải cha mẹ, chồng con mà là chính bản thân mình. Vậy nên, ta phải đối xử thật tốt với người bạn thân đó, bằng cách đối đãi và làm những gì tốt nhất cho chính mình. Khi đã sống trọn vẹn với bản thân, dù có xảy ra chuyện gì cũng không để lại hối tiếc với hai chữ “giá như”.
Tôi có nghe rằng, cuộc sống như một trò chơi điện tử mà mình không có quyền điều khiển tính năng “đăng xuất”. Tính năng mà chỉ cần chạm vào, ta sẽ thoát khỏi cuộc chơi, biến mất hoàn toàn.
Ta đến với cuộc đời này không phải để kiếm thật nhiều tiền, để có quyền cao, chức trọng, để vươn tới những mục tiêu mà bỏ quên mất điều bản thân cần, đó là sự bình yên từ bên trong. Có khi chỉ là một giấc ngủ ngon không mộng mị, một chuyến du lịch trọn vẹn bên người thân mà không bị chi phối bởi những lo toan, hay đơn giản hơn chỉ là bữa cơm quê nhà với canh rau, cá kho nơi không gian yên ả - bối cảnh mà ở tuổi thơ ta từng thuộc về.
Nếu đã chẳng biết khi nào ta phải “đăng xuất”, vậy cớ gì mình không chọn sống cuộc đời ý nghĩa nhất?
Theo phụ nữ TPHCM