Tôi làm cán nhộ nhà nước, năm nay 55 tuổi, là mẹ của 2 đứa con. Những ngày gần đây, quý báo có nhiều bài viết về người cao tuổi. Tôi xin được chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Các con tôi đã trưởng thành, có công việc ổn định và lập gia đình riêng. Ngay từ khi dựng vợ gả chồng cho các con, tôi xác định cho chúng ra ở riêng và độc lập về kinh tế.
Tôi cũng tuyên bố khi sức khỏe mình suy yếu, không thể tự chăm sóc, tôi sẽ vào viện dưỡng lão. Tiền chi trả hàng tháng cho dịch vụ này trích từ tiền lương hưu và tiền tôi tích lũy được.
|
Ảnh:asiaone |
Trước đây, tôi rất bất mãn khi thấy ai đó vì nhiều lý do phải đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão sống.
Văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có quan điểm: Bố mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con. Sau này chúng phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu.
Thế nhưng, xã hội ngày càng hiện đại. Tôi ra ngoài tiếp xúc nhiều, dần dần tôi nhận ra, suy nghĩ đó hoàn toàn cổ hủ.
Từ khi chứng kiến câu chuyện của chị gái ruột, tôi càng cởi mở hơn về việc này.
Chị gái tôi chỉ có một cậu con trai duy nhất, đã lấy vợ. Một lần chị lên cơn tai biến. Mặc dù qua cơn nguy hiểm nhưng tay chân chị yếu hẳn, ngồi xe lăn.
Cả ngày chị ở nhà làm bạn với bốn bức tường, không đi ra ngoài giao lưu được. Từ người hoạt bát, chị mắc chứng trầm cảm. Nỗi cô đơn tuổi già cộng với nỗi buồn bệnh tật khiến chị càng suy sụp, trí nhớ giảm sút.
Con chị hiếu thảo nhưng bận rộn liên miên, ít có thời gian trò chuyện cho mẹ khuây khỏa. Việc vệ sinh cá nhân, nấu nướng cho chị ăn ngày 3 bữa cũng thấm mệt. Vợ chồng quay ra cáu kỉnh lẫn nhau. Chị cảm giác mình là người thừa thãi, làm khổ các con.
Phương án thuê giúp việc cũng không ổn vì tìm được người tâm huyết rất khó. Cuối cùng, con trai chị thuyết phục mẹ chuyển đến viện dưỡng lão ở. Hàng tuần con sẽ vào thăm.
Ban đầu chị không đồng ý, tôi cũng sốc và phản đối kịch liệt. Mọi người chỉ trích cháu bất hiếu.
Thế nhưng, sau một tháng vào viện dưỡng lão, chị tôi thay đổi hẳn. Tôi vào thăm còn ngỡ ngàng.
Trong viện, có nhiều người cùng tuổi, được bầu bạn chị tôi vui vẻ hơn. Hàng ngày có hộ lý chăm sóc, tập vật lý trị liệu, thuốc men uống đầy đủ, tay chân chị đỡ dần. Cuối tuần vợ chồng con trai vào thăm. Ai cũng cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng.
Chị có vấn đề gì, nhân viên y tế của viện sẽ báo về cho con cái qua điện thoại.
Tôi thấy đó là biện pháp tốt cho cả chị và các cháu. Con cái không phải lo lắng mẹ ở nhà làm sao? Có bất trắc gì hay không? Mẹ thoải mái tư tưởng…
Qua việc này tôi nghĩ rằng, mọi người đừng nên đặt nặng trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lên con cái.
Một đứa trẻ không tự ý bước vào cuộc đời bạn, ngược lại, bạn mới người muốn chúng ra đời. Tôi tin bất cứ cha mẹ nào cũng đều mong con cái ngoan ngoãn, trưởng thành và sống một đời bình an.
Tư tưởng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn đạo hiếu vô hình chung khiến đứa trẻ vừa ra đời phải mang một gánh nặng trên vai.
Chẳng phải chúng ta vẫn luôn mong con hạnh phúc hay sao? Muốn con hạnh phúc, hãy cởi bỏ những trách nhiệm cho chúng.
Ở các nước phát triển, bố mẹ chỉ nuôi dưỡng con đến năm 18 tuổi. Sau đó, những đứa trẻ tự bươn ra ngoài kiếm sống. Ngược lại, cha mẹ về già cũng chọn viện dưỡng lão sống.
Tôi thấy đây là sự văn mình, chúng ta nên học hỏi. Bản thân các bậc làm cha làm mẹ, thay vì tằn tiện chi tiêu, gom góp mua nhà, mua xe… cho con. Họ nên để dành tiền đó dưỡng già hoặc để dành lo cho mình.
Một số trung tâm chăm sóc người cao tuổi tôi có dịp đến, đều có điều kiện khá tốt. Mức gia dao động từ 8 triệu đồng/tháng - 15 triệu đồng/tháng. Nếu có nhiều viện dưỡng lão hơn, thì giá cả có thể sẽ giảm xuống.
Cơ sở vật chất cũng tiện nghi, có người phục vụ 24/24. Khi nào thích, bạn vẫn có thể ra ngoài chơi…
Vậy tại sao chúng ta không cho bản thân cơ hội sống thoải mái, lại khư khư đòi ở với con. Con cái bận rộn, không chăm sóc chu đáo lại tủi hờn, rồi trách cứ chúng?
Theo vietnamnet