Hoàng thái tử Naruhito và cô Owada công bố việc đính hôn của họ với báo chí - Ảnh: ASAHI SHIMBUN
Theo báo New York Times, họ gặp nhau lần đầu tiên vào một buổi chiều tháng 10-1986 trong buổi lễ thái tử Naruhito chủ trì đón tiếp công chúa Tây Ban Nha Elena.
Cuộc gặp không ngẫu nhiên
Khi ấy chàng là một hoàng tử lịch thiệp, nho nhã đã từng học chuyên ngành lịch sử tại ĐH Oxford và là người thứ hai sẽ kế vị ngai vàng Hoàng gia Nhật Bản. Nàng 22 tuổi, là một cử nhân thông minh tốt nghiệp ĐH Harvard và đang nuôi chí nối bước cha trong sự nghiệp ngoại giao.
Bất kể việc tất bật giữa khoảng 120 vị khách, hoàng tử Naruhito, con trai lớn nhất của hoàng thái tử Akihito lúc đó, vẫn đã có được cơ hội chuyện trò chốc lát với cô gái trẻ Owada. Khi đó anh đã hỏi "Cô muốn trở thành một nhà ngoại giao như thế nào?".
Lịch sử đã không ghi lại lời đáp của cô Owada, nhưng nhiều năm sau này hoàng tử Naruhito vẫn nói ông rất thích cuộc nói chuyện của họ và nó đã gây ấn tượng mạnh với ông.
"Mặc dù cô ấy rất khiêm tốn", ông nhớ lại, "nhưng cô ấy đã nói ra những suy nghĩ của mình rất rõ ràng và rất thông minh".
Bà Masako Owada tại ĐH Oxford năm 1989 - Ảnh: ASAHI SHIMBUN
Đây không phải cuộc gặp tình cờ của họ. Vấn đề nối tiếp và tồn tại của Hoàng gia Nhật Bản là câu chuyện được người dân đặc biệt quan tâm, hoàng gia cần phải tìm một vị hôn thê cho hoàng tử. Một ngày trong tương lai hoàng tử Naruhito sẽ thành Nhật hoàng và ông cần một người nối dõi.
Vì lẽ đó, các vị chức sắc trong Cơ quan quản trị Hoàng gia Nhật Bản (Imperial Household Agency) đã thu xếp để mời cô Owada tới buổi đón tiếp công chúa Tây Ban Nha sau khi biết được cô là một trong ba phụ nữ hiếm hoi vượt qua kỳ thi tuyển khắc nghiệt của ngành ngoại giao năm đó.
Dĩ nhiên, ngoài cuộc gặp với cô Owada, các vị này còn thu xếp một số cuộc gặp khác tại nhiều sự kiện trong thành phố, tất cả đều nhằm tạo cơ hội để hoàng tử Naruhito tìm được một nửa "tiềm năng".
Sau cuộc gặp, cô Owada bỗng chốc được quan tâm đặc biệt, nhưng cô từ chối điều đó. Khi ấy cô đang là một nhà ngoại giao vừa vào nghề và rất tận tụy với công việc. Hoàng tử Naruhito đã gửi tặng hoa cho cô trong ngày sinh nhật.
Một năm sau đó, Bộ Ngoại giao Nhật gửi cô đi học ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Oxford. Giới phóng viên báo chí săn lùng nhiều tới mức cô phải tổ chức một cuộc họp báo ngẫu nhiên ngay ở thư viện trường và bác bỏ việc có quan hệ tình cảm với hoàng tử Naruhito.
Đám cưới của thái tử Naruhito - Ảnh: IMPERIAL HOUSEHOLD AGENCTY/GETTY IMAGES
Cả nước lo thái tử "ế"
Với những người làm nhiệm vụ mối mai của hoàng gia, thông tin này thoạt tiên dường như không khiến họ lo ngại. Họ đã có cả một danh sách dài các công chúa khác, tên tuổi của mọi cô gái thuộc những gia tộc quý phái, giàu có và thuộc giới tinh hoa ở Nhật.
Họ đã tìm kiếm và tập hợp được các hồ sơ về gần 200 cô gái, mỗi bộ hồ sơ kèm theo một bức ảnh về người này và gần như tin chắc một trong những cô ấy sẽ phải lọt mắt xanh của hoàng tử Naruhito.
Nhưng hoàng tử đã không rung động trước bất cứ ai trong số ấy. Và khi mỗi năm qua đi, nỗi lo lắng của Hoàng gia Nhật càng tăng trước nguy cơ ám ảnh về việc hoàng tử sẽ không kết hôn.
Vấn đề này càng "nóng" hơn sau năm 1989 khi thái tử Akihito chính thức lên ngôi, theo đó hoàng tử Naruhito trở thành thái tử.
Bất chấp việc Cơ quan quản trị Hoàng gia Nhật Bản muốn thái tử Naruhito kết hôn trước rồi mới tới em trai ông, hoàng tử Akishino, song do quá sốt ruột vì không thấy ông anh có "động tĩnh" gì, năm 1990 người em trai thái tử đã quyết định làm đám cưới với người bạn gái học cùng ĐH.
Ở thời điểm đó, có lẽ không chỉ có hoàng tử Akishino sốt ruột, dường như cả nước cũng nóng lòng trước chuyện hôn nhân muộn màng của thái tử Naruhito.
Năm 1991, một tờ báo của Nhật thậm chí còn tuyên bố "vấn đề lo lắng nhất của người dân là chuyện hôn nhân". Các nhà báo săn lùng những công chúa có khả năng trở thành hôn thê của hoàng tử. Tuy nhiên trước công chúng, thái tử Naruhito vẫn chưa bao giờ phát tín hiệu đang hò hẹn với ai.
Bị báo chí gây áp lực khi ấy, hoàng thái tử Naruhito lặp lại quan điểm về việc lựa chọn ý trung nhân. Anh nói không quan tâm tới dòng dõi của gia đình vợ tương lai, cũng không để ý tới việc cô ấy từng học trường nào hoặc thậm chí cả chiều cao của nàng. Những vị quan chức trong Cơ quan quản trị Hoàng gia Nhật Bản thì muốn một cô công chúa thấp hơn vị thái tử chỉ cao 1,62m.
Theo thái tử Naruhito, người phụ nữ anh tìm kiếm là người có thể chia sẻ những quan điểm về các giá trị, hòa hợp dễ dàng với mọi người và sẵn sàng bày tỏ quan điểm của cô ấy "khi cần thiết". Và quan trọng hơn tất cả, thái tử Naruhito muốn tự chọn vợ cho mình.
Chính Nhật hoàng Akihito cũng kêu gọi báo chí bình tĩnh. "Tôi nghĩ điều quan trọng là cần quan sát một cách lặng lẽ", ông trả lời các phóng viên như vậy khi được hỏi có lo lắng về chuyện hôn nhân của con trai không.
Tuy nhiên một điều lúc đó không ai rõ, nhưng sau này đã trở thành một phần của truyền thuyết hoàng gia, khi nói ra tất cả những tiêu chí của người vợ tương lai, thái tử Naruhito đã hướng tới một người "trong mộng" của anh: cô Masako Owada.
Thái tử Naruhito và vị hôn thê Masako chụp ảnh cùng Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko sau đám cưới của thái tử - Ảnh: GETTY IMAGES
6 năm chờ đợi
Là con gái một nhà ngoại giao, cô Masako Owada có tới một nửa khoảng thời gian thơ ấu sống ở nước ngoài. Cô nói được ít nhất 4 thứ tiếng và cũng tốt nghiệp một trường trung học công lập ở Mỹ trước khi theo học ngành kinh tế học tại ĐH Harvard. Cô cũng cao hơn thái tử Naruhito một chút.
Điều đáng kể nhất, cô Masako Owada có một sự nghiệp mà chưa một công chúa nào trước đó của Nhật có được. Kể từ khi trở về Tokyo năm 1990 cô Owada đã mau chóng thăng tiến trong công việc ở Bộ Ngoại giao. Tại đây, cô dành rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều đêm thức trắng, để bảo vệ các lợi ích thương mại của Nhật trong những cuộc đàm phán với Mỹ.
Song tất cả những điều đó không làm nản chí thái tử Naruhito. Anh từng nói nếu cô Owada không chấp nhận, anh có thể sẽ không kết hôn nữa.
Tới mùa xuân năm 1992, nhiều nỗ lực đã được tiến hành, tập trung cho việc thuyết phục cô Owada hẹn hò với thái tử Naruhito. Nhiều nhà ngoại giao đã được "nhờ vả" cho công cuộc mai mối, trong đó có cả cha của cô Owada, một quan chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao.
Cô Owada đã đồng ý đi uống trà cùng thái tử. Và hẳn cuộc gặp đó đã diễn ra tốt đẹp nên chưa đầy hai tháng sau, họ đã gặp lại nhau và lần này, thái tử đã 32 tuổi ngỏ lời cầu hôn. Cô Owada xin thêm thời gian suy nghĩ.
Việc chấp nhận lời cầu hôn có nghĩa cô sẽ phải từ bỏ sự nghiệp để bước vào cuộc sống mới với nhiều khuôn phép, áp lực căng thẳng hơn. Nhưng cô Owada, khi đó 28 tuổi, hiểu rằng rất có thể cô cũng sẽ phải sớm lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình ngay cả khi cô từ chối. Và trước cuối năm đó, cô quyết định nhận lời cầu hôn của thái tử.
Khi họ công bố chuyện đính hôn trước báo giới, cô có kể lại việc thái tử đã hứa với cô rằng "Anh sẽ bảo vệ em hết cuộc đời mình".
Theo
Tuổi Trẻ