Khi một cặp đôi nổi tiếng nên vợ nên chồng, dư luận thường quan tâm đến chuyện ai là người giữ tiền. Nếu có một anh nào đó khoe mình đưa tiền hết cho vợ và được vợ phát tiền chi tiêu hằng ngày, cộng đồng mạng lại được phen trầm trồ phong danh hiệu “chồng quốc dân”.
Là một phụ nữ, tôi thấy việc quản thúc chi tiêu đến mức phát từng đồng cho chồng giống như cho tiền con đi học mỗi sáng chẳng hay ho gì, chỉ khiến phụ nữ thêm phần vất vả. Nếu anh nào nói rằng “đưa tiền cho vợ để tránh bản thân phung phí tiêu xài vô lối”, thì có thể nói ngay: do khả năng quản lý chi tiêu của anh khá kém!
Theo truyền thống của gia đình Việt, phụ nữ được cho là có khả năng kiểm soát tài chính tốt hơn nam giới. Dựa vào quan sát xung quanh của cá nhân tôi, khoảng 50% nam giới có gia đình sẽ chọn đưa tiền cho vợ giữ (tự nguyện hay bị ép buộc thì không rõ) và chỉ "xin" lại một phần chi tiêu cá nhân.
Khoản chi tiêu cá nhân này là bao nhiêu, ít hay nhiều, thừa hay đủ, còn phụ thuộc vào “sự bao dung” của người vợ và cả sự “lươn lẹo” của cánh đàn ông. Bởi vậy nên mới có tình trạng "quỹ đen - quỹ đỏ". Nhưng ít ra thì phương án này cũng có thể chấp nhận khi quý ông tự do chi tiêu trong khoản tiền được giữ lại. Ít nhất là khi có tình huống đột xuất cũng không phải ngửa tay xin vợ.
|
Diễn viên Bình Anh chia sẻ: "Ban đầu, vợ cho tôi mỗi ngày 500.000 đồng để tiêu vặt. Khi tôi kể chuyện này trên Facebook, nhiều bạn bè nói như vậy là quá nhiều, nên cô ấy giảm xuống còn 200.000 đồng" |
Xui xẻo nhất có lẽ là những ông chồng bị áp chế phương thức cấp tiền hằng ngày hoặc bị vợ quản thúc từng bữa cơm, tiền mua dao cạo, hộp quẹt… Hôm nào vợ quên thì lại phải mượn tiền đồng nghiệp để xài đỡ.
Có anh ở công ty tôi phải đi phúng điếu đột xuất nên đành nhờ bộ phận nhân sự ứng trước 500 ngàn đồng (phải là phòng hành chính nhân sự mới dễ bề về nhà “giải ngân”, “tất toán” với vợ).
Riêng bản thân tôi, tôi thấy đàn ông đưa hết tiền cho vợ để rồi phải xin và giải trình tất tần tật rất đáng thương. Trong chuyến đi teambuilding của công ty, tôi ở cùng phòng với một nữ đồng nghiệp và thấy chị phải đặt đồ ăn từ xa cho chồng con.
Khi tôi tỏ vẻ thắc mắc, chị cười bảo "tiền chị giữ hết rồi, nên hai cha con ở nhà không có đồng nào...". Tôi không thể hiểu được vì sao chị vắng nhà mà không chịu để lại vài trăm ngàn đồng để chồng con có tiền ăn uống, lỡ có chuyện gấp gáp cần tiền thì sao?
Là một người mẹ và có con trai, tôi cũng sẽ cảm thấy khó chịu nếu sau này con trai tôi là người người lao động cực khổ để làm ra đồng tiền, nhưng khi có thu nhập lại đưa hết cho vợ giữ, đến lúc cần phải ngửa tay xin.
Tôi nghĩ nếu con dâu tôi thực sự thương con mình, giỏi quán xuyến, vun vén, chăm lo cho gia đình và có “chỉ số cảm xúc” cao thì cũng sẽ không áp dụng phương thức kiểm soát từng đồng tiền của chồng.
Cho đến nay, quan niệm chung vẫn cho rằng người vợ phải cầm tiền mới tốt. Nhưng tôi nghĩ, giữa hai vợ chồng, ai quản lý tốt tài chính thì nên cầm tiền. Tôi nhận ra điều này khi lấy ông chồng là kế toán trong gia đình có truyền thống kế toán, do ông và cha anh đều là kế toán.
Tôi thấy, nhìn chung ai giữ tiền cũng được, miễn phải báo cáo, tổng kết rõ ràng chi bao nhiêu, còn lại tiết kiệm bao nhiêu cho người còn lại biết. Nếu biết thống kê tốt thì nên báo cáo cụ thể hơn cho các nhóm vấn đề,như tiết kiệm, sinh hoạt cố định, du lịch, ma chay, hiếu hỷ, học tập, đề phòng rủi ro...
Trong hôn nhân, chuyện tiền nong là vấn đề rất quan trọng. Nếu phụ nữ không đồng ý chuyện nam giới giữ tiền và chỉ đưa đủ tiền đi chợ hằng ngày thì cũng nên đặt mình vào vị trí nam giới, giữ thể diện cho họ.
Còn nếu các chị cho rằng phải siết từng đồng để chồng không nhậu nhẹt trăng hoa, thì cũng đừng quá chủ quan. Vì các quý ông vẫn “ăn phở” bằng quỹ đen đó thôi.
Theo phụ nữ TPHCM