leftcenterrightdel
 Cha mẹ có vẻ giận khi chúng tôi không thể về ăn tết (ảnh minh họa)
Khoảng cách hơn 1.000 km từ Vũng Tàu về Quảng Trị ngốn mất của gia đình tôi hơn 20 tiếng nếu di chuyển bằng xe khách hoặc tàu hỏa. Năm nào có điều kiện đi máy bay, chúng tôi phải xuống sân bay Huế, sau đó mới di chuyển bằng ô tô về nhà.

Dù tốn kém, xa xôi nhưng hơn 10 năm lấy nhau rồi lập nghiệp xa quê, năm nào vợ chồng tôi cũng "tay bồng tay bế" để kịp về bên mâm cơm chiều Ba mươi, trong không gian thơm hương nhang trầm ngày tết.

Năm nay, ngay đầu tháng Chạp, chúng tôi đã lấy hết can đảm gọi điện về thông báo cho 2 bên nội ngoại: "Năm nay chúng con không về".

Mấy hôm đầu, mẹ tôi có vẻ giận. Tôi biết điều đó khi quan sát sắc mặt đầy hờn tủi, trách móc của bà qua màn hình. "Chờ mãi mới đến tết để được gặp con, giờ lại bảo không về là không thế nào!", ba tôi đứng từ xa cũng nói vọng vào.

Thế rồi mấy hôm sau, giọng mẹ tôi hạ giọng, bà bảo khoảng 20 tháng Chạp, làm gì thì làm nhưng nhớ canh điện thoại, ba mẹ sẽ gửi đồ vào. Đừng bỏ lỡ cuộc gọi nhận hàng của nhà xe.

Mẹ gửi sớm một phần để tránh sự đông đúc, chật chội, tăng cước phí vào dịp cận tết, nhưng phần quan trọng hơn là để chúng tôi chủ động chia quà tết. Phần nào dùng để cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, phần nào để biếu hàng xóm, đồng nghiệp, đồng hương…

Mở chiếc thùng xốp chồng tôi đón về từ nhà xe, tôi vừa hân hoan vừa xúc động. Ông bà gửi cho vợ chồng tôi rất nhiều thứ: Gà, vịt cấp đông, dưa món, bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, măng khô, bánh lọc, bánh canh khô, trứng gà, mấy hộp nấm tràm, rau trái…

leftcenterrightdel
 Những món quà quê ấm tình gia đình (ảnh minh họa)

Tôi biết, để có thùng quà cho các con ăn tết, ba mẹ tôi và ba mẹ chồng đã phải "hùn hạp". Nhớ lần về quê những năm trước, vì nhà chồng và nhà tôi chỉ cách nhau một con ngõ nên tôi mỗi ngày đều chạy qua chạy lại 2 nhà. Những ngày sát tết, mật độ qua lại ấy lại càng dày hơn. Khi thì tôi bưng tô măng hầm còn nóng hổi từ nhà tôi sang cho ba chồng. Trong các món ăn ngày tết, ông thích nhất món này. Khi khác tôi lại xách đùm bánh thuẫn mẹ chồng vừa cho ra lò mang về cho mẹ tôi soạn sửa, đặt lên ban thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Những năm được về quê sớm, tôi và chồng cũng rộn ràng phân công nhau cùng  cha mẹ bên sửa soạn, trang hoàng lại nhà cửa, sân vườn để đón xuân.

Buổi sáng, trời quê còn rét mướt mù sương, tôi chở mẹ chồng đi chợ huyện mua sắm thêm chiếc bình gốm, bộ khăn bàn, mấy bó hoa cúc, lay ơn, trái cây, rượu, bánh... Chẳng mấy khi về, tôi rủ mẹ thăm thú, ngó nghiêng mấy hàng quán thuở ấu thơ. Quầy chè đậu ván của chị Cúc, gian đậu hũ cốt dừa của Bà Tho, gánh bánh ú, bánh nếp chấm đường… Quầy còn, quầy không, tuy nhiên không khí chợ quê ngày tết năm nào cũng đông vui, ấm cúng.

leftcenterrightdel
 Hàng rào nhà chúng tôi sẽ được "thay áo mới" mỗi dịp tết (ảnh minh họa)

Trong lúc tôi đi chợ, chồng tôi sang nhà vợ phụ cắt tỉa, sửa sang lối đi, khu vườn. Khi anh và ba tôi đã mướt mồ hôi vì vất vả bưng bê, kê dọn thì cũng là lúc tôi và mẹ từ chợ trở về. Tôi dọn lên mâm những món bún, món bánh dân gian. Mẹ tôi gắp thêm đĩa dưa món, chiết ly rượu chuối bà ngâm từ mùa hè. Ba tôi không quên mời thêm ông sui. 3 người đàn ông thong thả ngồi “cưa" hết vò rượu rồi bàn chuyện tết nhất.

Năm nay, chúng tôi không về, chắc chắn niềm vui đón xuân của ba mẹ vơi đi một nửa. Chúng tôi ở lại phố cũng sẽ có những khoảnh khắc nhớ nhà. Tuy nhiên, món quà tết gia đình gửi vào sớm khiến chúng tôi được khích lệ và yên tâm. Dẫu mong con, cha mẹ vẫn biết gác nỗi buồn để tính toán, lên danh sách món này món kia, tìm xe gửi vào phố sớm cho các con chủ động sắp đặt. Trong lòng mọi người kiên định một niềm tin: năm nay không về được thì năm sau, năm sau nữa các con sẽ về.

Chiều nay đi làm về, tôi cũng bắt đầu "chiến dịch chia quà". Năm nay, gia đình chị hàng xóm quê Bình Định cũng ở lại, không biết ba mẹ chị có gửi gì vào phố không?

Theo phụ nữ TPHCM