Khi được hỏi bao giờ về quê ăn tết, chú Quân (65 tuổi, sống tại TPHCM) trả lời: “Chú ở lại thành phố chứ không về quê”. Theo lời chú, ai cũng nghĩ nên về sum vầy cùng cha mẹ già, anh em họ hàng nhưng mỗi lần về quê, chú chỉ thấy mệt.

Chi phí đi lại tăng cao trong những ngày tết, đường sá nườm nượp, việc chuẩn bị đồ đạc, quà cáp cũng vội vàng, gấp gáp và tốn kém. Về quê, họ hàng, làng xóm hỏi rất nhiều chuyện mà chú Quân không muốn trả lời. Chưa kể, nhiều người nghĩ người thành phố quan hệ rộng, lắm tiền nhiều của, nên tìm cách nhờ vả.

Những năm gần đây, chú thấy hương vị tết đã dần phai nhạt, không cảm nhận được sự thân thuộc, gần gũi như xưa nên chú quyết định không về quê ăn tết. Đón tết ở thành phố chú thấy thoải mái hơn. Ở thành phố thì không phải gặp gỡ, chào hỏi, không thích nấu nướng thì có thể ra nhà hàng dùng bữa…

Những hình ảnh chen chúc, đông đúc trên đường vào dịp tết khiến nhiều người sợ hãi (Ảnh: Internet)
Những hình ảnh chen chúc, đông đúc trên đường dịp tết khiến nhiều người sợ hãi (ảnh minh họa)
 

So sánh của chú Quân về việc ăn tết ở quê và thành phố nghe có vẻ "ngược" nhưng lại nhận sự đồng tình của nhiều người. Họ cho rằng ngày nay ăn tết, chơi tết ở đâu cũng vậy, vì thế có thể chọn điều tiện lợi cho mình.

“Trước đây tôi rất hào hứng về quê ăn tết, nhưng vui đấy mà buồn cũng nhiều. Bây giờ thì khác, tôi thích ở lại thành phố ăn tết chứ không về nữa”, một bạn trẻ chia sẻ.

Nỗi buồn khi về quê ăn tết được chia sẻ rất đa dạng. Những người phụ nữ có chồng sợ hãi chuyện bếp núc, rửa dọn, nghĩa vụ làm dâu. Những chàng trai, cô gái trẻ sợ bị hỏi chuyện hôn nhân. Những người đàn ông chưa có địa vị, thu nhập tốt thì chạnh lòng khi bạn bè thành công với nhà, xe, tiền bạc… Những câu chuyện hỏi thăm hay phong tục, tập quán truyền thống đôi khi trở thành gánh nặng với người ở xa về ăn tết.

Mặt khác, nhiều người có xu hướng chọn điều kiện nghỉ ngơi tiện nghi, thoải mái khi ở lại thành phố.

Xu hướng đi du lịch vào dịp tết, vốn là kỳ nghỉ dài nhất trong năm cũng tăng cao. Quỳnh Trang (chủ một tiệm spa tại quận 3, TPHCM) cho biết, cô dự định năm nay không về quê ăn tết mà nhờ cha mẹ từ quê vào thành phố trông nhà.

“Cả năm làm việc vất vả nên tôi thưởng cho mình chuyến đi Nhật vào Mùng 2. Ba mẹ tôi cũng muốn đón tết thành phố xem như thế nào nên tôi nhờ ông bà vào ăn tết và trông coi giúp tôi 3 "bạn cún". Tôi còn độc thân nên chỉ thích đi du lịch đây đó vào dịp tết”.

Nhiều người dù vất vả đến mấy vẫn muốn về quê đón tết (Ảnh: Internet)
Nhiều người dù vất vả đến mấy vẫn muốn về quê đón tết (Ảnh: Internet)

Không chỉ độc thân như Trang mới đi du lịch, nhiều người đã có gia đình cũng lên kế hoạch ăn tết nơi xa. Có những người rủ cả ông bà nội, ngoại đi du lịch ngay khi vừa xong trách nhiệm thờ cúng. Một số người vừa mua nhà thành phố, theo phong tục thờ cúng tại nơi ở, họ muốn ở lại ăn tết 3 năm mới về quê…

Trái với những người ở lại thành phố ăn tết hoặc đi du lịch, phần lớn người Việt quan niệm rằng, dù có như thế nào thì vẫn phải thu xếp về quê. Họ chỉ thấy tết vui khi có không khí sum vầy cùng cha mẹ, được thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên. Những đứa trẻ thành phố cũng thêm cơ hội hiểu về những phong tục tập quán quê hương.

Anh Bá Văn (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Ba mẹ tôi đã mất cách đây hơn 10 năm, nhưng năm nào tôi cũng đưa vợ con về quê đón tết. Vợ tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng rất thích về quê. Không khí tết quê quả thật không còn như xưa, nhưng tôi vẫn thích cảm giác đi trên con đường cũ, nhìn những mái nhà cũ, gặp anh chị em, những người hàng xóm, bạn bè thưở thơ ấu… Tôi cũng muốn tự mình sửa soạn bàn thờ cho ba mẹ”.

Cũng theo anh Văn, dù nhiều lần anh định đi du lịch vào dịp tết, nhưng “bước chân không đặng”, có lần ra đến sân bay rồi lại hủy vé quay xe về quê. Với anh, dù sống ở thành phố hơn 20 năm, nhưng phố xá vẫn không thể là quê hương. Tết đến xuân về lòng anh lại nôn nao những kỷ niệm đẹp bên gia đình.

Chia sẻ của anh Văn chạm đến cảm xúc nhiều người. Có những người chỉ mong thật nhiều ngày nghỉ để về sum vầy, gặp gỡ người thân và bạn bè cho trọn vẹn. Có người làm phép tính cơ bản xem “cuộc đời này còn gặp người thân được mấy lần nữa” và nhất quyết rằng: dù về quê vất vả đến mấy cũng phải cố gắng thu xếp.

Theo phụ nữ TPHCM