Cứ mỗi cuối năm, nhà nhà người người tất bật mua sắm quà cáp để dành biếu tặng cho ông bà mỗi dịp tết đến xuân sang. Tôi lại thấy lòng chùng lại, cảm giác cô đơn và lạc lõng lại ùa về.

Tôi cũng có quê, là một miền sông nước trù phú, nhưng nơi đó lại không còn ai chờ tôi trở về. Đôi khi tôi ham muốn cảm giác có ai đó chờ mình, đợi mình trở về, đợi mình để có thể nấu một bữa cơm ngon, cùng nhau quây quần dưới bếp.

Ba tôi mất sớm, mẹ tôi cũng lên hẳn thành phố ở cùng em trai và tết năm nào em tôi cũng dẫn mẹ đi du lịch. Em bảo: "Xu hướng mới mà. Mỗi năm chỉ có dịp tết là được nghỉ dài, nên tranh thủ đi chơi xa".

Tôi thì khác em. Tết với tôi là một mâm cơm ấm cúng, sau khi cúng cơm ông bà, ta có thể ngồi cùng nhau vừa ăn vừa trò chuyện vừa có thể ôn lại những chuyện đã qua, "hiện diện cùng nhau" - như thầy Minh Niệm nói trong thông điệp mùa xuân năm 2023 và điều này chưa bao giờ cũ.

Tôi nhớ con phà xưa. Bến phà cũ ấy đã không còn mà thay vào đó là chiếc cầu dây văng cao vời vợi. Cầu dài nhưng hẹp nên cứ tết đến là những hàng xe nối dài, bụi xe, không khí ngột ngạt và kèm theo đó là tâm lý muốn về nhanh làm ai cũng khó chịu.

Đi phà thì khác. Cũng là chờ, cũng là đợi, nhưng nhịp phà thật bình yên, giúp người ta có thể chậm lại, thư thả ngắm dòng nước đang trôi.

leftcenterrightdel
 Con phà ngày cũ gợi nhiều kỷ niệm

“Nước sông ngoài kia cuồn cuộn nổi sóng bao nhiêu thì nước hồ ở đây im lặng hiền lành bấy nhiêu. Nước sông ngoài kia cuồn cuộn nổi sóng bao nhiêu thì nước hồ ở đây im lặng hiền lành bấy nhiêu. ở đây, ta tìm thấy được lòng mình, ta không bị cuốn phăng theo dòng hành động suy tư.” Đây là mấy câu văn gợi nhiều suy tư của thầy Thích Nhất Hạnh khi viết về Bến Tre vào những năm 1965 và tôi thấy đúng đến tận bây giờ.

Cái hồ trong tỉnh mà thầy đang nói là hồ Trúc Giang. Những năm còn ở quê, dân huyện chúng tôi rất mê bờ hồ ấy. Vì nó hào nhoáng, đèn xanh đèn đỏ sáng rực chứ không tối tăm như hàng dừa ở xã. Nỗi nhớ quê nó cồn cào lên mỗi khi tết về, nhà nhà người người mong chờ giây phút sum họp gia đình.

Bạn tôi, quê tận miền Trung, hay một bạn khác tận tỉnh Thái Bình ở miền Bắc xa xôi đều đang tất bật chuẩn bị quà cáp, quần áo, vật dụng cá nhân… Việc đi tàu lửa hay đi xe, hay "năm nay chơi sang mình đi máy bay cho nhanh", các bạn đã bàn bạc với nhau từ tháng 9, tháng 10,

Những lúc như vậy, vẻ mặt của những người "còn quê để về" khiến cho tôi - kẻ đã ở thành phố hơn nửa đời người - thèm thuồng ganh tị.

Một người bạn khác sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, lấy vợ ở Sài Gòn nên Tết với bạn về quê là về… Gò Vấp, nơi bạn gọi là quê vợ. Tôi thấy buồn cười, hỏi bạn biết quê là thế nào không? Bạn bảo, gia đình ở đâu, sinh ra ở đâu, thì đó là quê thôi.

Vậy thì quê tôi là hàng dừa xanh biếc, là nơi mà người ta hay thắc mắc tại sao tên là Bến Tre mà thấy toàn dừa? Là cái nơi mà mấy bạn ở miền ngoài hay hỏi: "Bến Te phải không? Cá gô nhảy dô gổ kêu gồ gồ...".

Nhưng quê hương với tôi còn là nơi mà có ai đó đợi mình, bằng không thì ta về cũng chỉ như khách du lịch. Dạo qua chỗ này một tí, chỗ kia một tí rồi trở lại thành phố, hoặc sang hơn thì ở một resort nào đó. Vậy thôi, vì chẳng còn nhà, chẳng có bà con nào để ở lại.

Tết xa quê thì buồn, nhưng tết không có nơi nào để về còn buồn hơn.

Theo phụ nữ TPHCM