Cứ dịp tết về nghe các chị em đồng nghiệp kể khổ chuyện ăn tết nhà chồng, tôi lại chỉ biết cười xòa, chứ không đồng cảm được. Bởi dù đi lấy chồng đã 10 năm, năm nào tôi cũng thấy vui trọn vẹn, dù không ăn tết cùng nhà ngoại.

leftcenterrightdel
 Ăn tết nhà chồng đã 10 năm, năm nào tôi cũng vui trọn vẹn (ảnh minh hoạ)

Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình êm ấm. Tết trong tâm khảm tôi luôn là những ngày quây quần, vui vẻ, yêu thương. Tối cuối năm cha chẻ lạt, mẹ đãi đậu rồi cả nhà quây quần gói bánh. Đêm giao thừa thắp hương xong, cha mẹ đều mừng tuổi chúng tôi rồi cả nhà ngồi cắn hạt dưa, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc tết.

Chồng tôi không được may mắn vậy. Tết với anh chỉ toàn kỷ niệm buồn. Cha chồng làm nghề lái xe du lịch, càng dịp lễ tết ông càng "bặt tăm". Nhà nghèo lại chỉ có ba mẹ con anh líu ríu với nhau, chồng tôi bảo nhà anh chẳng có nhiều "không khí" tết. 

Cha chồng lại vốn là người ham kiếm tiền. Tết năm nào "ế" khách phải ở nhà, thì ông lại không vui. Nhà người ta ăn tết quây quần vui vẻ, còn ông phải ở nhà là đá thúng đụng nia, hết mắng con, cãi nhau với vợ... Chồng tôi rất sợ những cái tết có cha.

Tôi nghe anh kể mà thấy thương khôn xiết. Năm đầu tôi về làm dâu, cha chồng đã nghỉ công việc lái xe vì sức khoẻ yếu. Chồng tôi nói luôn: "Em chuẩn bị tinh thần, nhà mình ăn tết không khác gì đưa đám".

Ai làm dâu năm đầu chẳng nhớ nhà, lại được lời chồng "dọa" - tôi cũng thấy lo. Nhưng rồi tôi quyết định rằng dù đi đâu, tôi vẫn có thể tạo ra không khí đầm ấm, hân hoan như tuổi thơ tôi đã từng trải nghiệm.

Ngoài việc gọi về hằng ngày hỏi thăm nhà mẹ đẻ, tôi dành hết tâm sức để sắm sửa cho cái tết đủ đầy ở nhà chồng. 

Tôi mua đủ cành đào cây quất như cha mẹ tôi vẫn làm khi còn ở nhà. Tự tay gói bánh, rồi bật nhạc xuân cho vang khắp cửa nhà. Món nào tôi sắm sửa, cha chồng cũng làu bàu "sắm gì cho tốn kém, phí tiền". Nhưng tôi mặc, trong lòng vẫn âm ỉ niềm vui.

Ở nhà chồng tôi, bình thường không ai thức đón giao thừa. Nhưng từ khi về làm dâu đã 10 năm, năm nào cũng vậy, cứ gần nửa đêm giao thừa là tôi "khua" cả nhà dậy. Chồng tôi thắp hương, còn tôi lôi ra một xấp lì xì mừng tuổi cho cha mẹ và em chồng. Cả nhà ngồi cắn hạt dưa, ăn bánh kẹo, uống trà tới 1 giờ sáng mới về phòng ngủ tiếp.

Em chồng tôi bảo: "Chị là người mang tết về nhà. Từ khi chị về, tết nào cũng vui khác hẳn trước kia".

Những năm đầu, mẹ chồng còn sợ tôi buồn, nhớ nhà, cứ hay loanh quanh ở cạnh hỏi han. Tôi bảo mẹ: "Nhớ thì có nhớ, nhưng tết với con dù ở đâu cũng là những ngày vui".

Vài năm sau đó, 2 đứa trẻ lần lượt ra đời. Ba chồng cũng quen với việc ở nhà vào dịp tết, lại có thêm các cháu nội, ông phấn khởi hẳn ra. Tôi nhờ treo đèn lồng hay kê lại bàn ghế, cha chồng cũng hào hứng giúp. Những bữa cơm ba mươi, mùng một ông từng không thèm động đũa, thì giờ vui vẻ ngồi ăn, khen món con dâu nấu ngon rồi còn "cụng ly" cùng các cháu. 

Tết nhà chồng bây giờ đã vui hệt như tết ở nhà tôi ngày xưa. Tôi vẫn tin rằng, ở đâu cũng là nhà. Chỉ cần trong lòng mình đủ an vui là được.

Theo phụ nữ TPHCM