leftcenterrightdel
 Tại sao chỉ sau một thời gian thất nghiệp, chồng cô như trở thành một người lạ trong nhà? (ảnh minh họa)
Ông bà xưa nói đúng: “nhàn cư vi bất thiện”. Vy bây giờ đã thấm câu này hơn ai hết khi chồng cô lâm vào cảnh thất nghiệp hơn 1 năm qua.

Chồng cô là thầu xây dựng, chuyên lãnh những công trình dân dụng như nhà ở, nhà hàng khách sạn, quán ăn, quá cà phê… Chỉ là nhà thầu nhỏ, nên tiền lời lần cao nhất mà anh mang về cho cô chỉ được 50 triệu đồng. Những lần thi công nhà cấp 4, quán cà phê… thì tiền lời đâu chừng 10 - 20 triệu đồng.

Mang tiếng có chồng là thầu xây dựng, nhưng vợ chồng cô cố gắng lắm cũng chỉ cất nổi căn nhà gạch nhỏ xíu trên miếng đất ba má cô chia cho. Nghề của anh, tuần phải bỏ tiền túi đãi đằng thầy thợ 1-2 chầu nhậu. Tiền mồi 1 thì tiền bia rượu đến 10. Tháng nào không lãnh được công trình cũng phải bỏ tiền túi ra bao cơm thợ. Nếu không, thợ bỏ qua làm cho thầu khác. Vậy nên, tiền anh mang về hàng tháng cho Vy không đủ chi tiêu, cô phải xoay xở thêm bằng việc gia công, may thú nhồi bông, cắt chỉ quần áo tại nhà mới đủ nuôi 2 đứa con nhỏ.

Vy lập gia đình muộn khi tuổi đã gần 40. Sinh đứa con đầu lòng chưa đầy 2 tuổi, cô lại mang thai đứa kế tiếp. Thoạt đầu, chồng cô vui mừng vì ở tuổi này, đón con lành lặn khỏe mạnh lại kháu khỉnh là một may mắn. Nhưng rồi khi cô sinh đứa thứ 2 không bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến. Ngay khi đại dịch đã qua đi, theo đà đi xuống của nền kinh tế, mọi công trình đều ngưng trệ, hàng quán sang nhượng, trả mặt bằng, nhà đất thì đóng băng. Chồng Vy chính thức thất nghiệp khi cả năm không lãnh được một công trình nào ngoài việc sửa chữa mấy chỗ hư hỏng lặt vặt.

Tiền làm được không đủ anh tiêu xài. Lúc này, Vy như ngồi trên đống lửa khi 2 con đều đang ở tuổi phải chi xài nhiều thứ: tiền sữa, tiền ăn, quần áo, thuốc men…Cô cũng không thể xin đi làm công nhân vì con còn quá nhỏ. Làm công nhân phải đi theo ca và tăng ca thường xuyên, cô không bỏ con được, thuê người thì tiền thuê còn đắt hơn tiền lương.

Vy bàn với chồng, đề nghị anh ở nhà chăm con, cô sẽ mượn tạm mái hiên trước nhà mẹ ruột ngay mặt tiền đường, mở một quán bún bò nhỏ. Thoạt đầu, chồng ái ngại việc sáng sớm đã phải mò dậy pha sữa, làm việc nhà, chăm con. Nhưng rồi tình thế túng quẫn buộc anh miễn cưỡng chấp nhận.

Mỗi ngày, Vy dọn hàng từ 4 giờ sáng. Không có tiền thuê người phụ quán, một mình cô vừa nấu, vừa bưng bê. Hôm nào mẹ Vy khỏe, bà phụ một tay rửa chén. Sau vài tháng chịu lỗ, quán của cô dần có khách quen, ngày nào cũng hết sạch. Nhưng đến lúc quán ăn nên làm ra, Vy cơi nới mặt bằng, thuê người phụ chạy bàn thì bỗng nhiên chồng cô trở chứng.

leftcenterrightdel
 Lần này, lỗi rành rành ra đó nhưng anh cứ lầm lì chẳng thèm nói tới cô. (ảnh minh họa)

Mỗi sáng, anh hò hét đánh thức 2 đứa nhỏ bằng âm thanh vang dội, cáu bẳn. Con thì ngái ngủ, khóc la nhì nhằng, cha thì quạu quọ, đá thúng đụng nia, ầm cả khu nhà, khiến hàng xóm ái ngại. Sau một lúc vật lộn cùng nhau thì ba cha con cũng đèo nhau đi chợ, đi uống cà phê.

Mặc dù thương con, nhưng có lẽ ở nhà tù túng, lại vướng tay vướng chân với 2 thằng con cứ nheo nhẻo đòi mẹ, anh đâm ra khó tính. Hôm nào cô dọn quán về sớm chăm con thì thôi, về trễ là nghe anh cằn nhằn, kể tội con cả buổi. Những bữa cơm gia đình cũng căng thẳng, chẳng còn ngon lành gì.

Vy chỉ bán bún bò buổi sáng. Mặt bằng bỏ trống buổi chiều thì phí, treo bảng cho thuê mặt bằng thì không tìm được khách thuê. Vy tính đến chuyện buổi chiều mở bán đồ ăn vặt cho đám trẻ: bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, trà sữa… nhưng lúc này, chồng cô phản đối quyết liệt.

Anh nói nếu cô muốn bán buổi chiều thì hãy đem con đi gửi. Anh chỉ nhận chăm 2 đứa buổi sáng. Từ xế là anh đã phóng xe ra khỏi nhà, tối nào về cũng nồng nặc mùi rượu. Vy hỏi tới thì anh sừng sộ, nói mình cũng phải ra ngoài kiếm mối làm ăn chứ không lẽ cứ ở nhà bám váy vợ. Thế nhưng, “mối làm ăn” của anh không thấy đâu, chỉ thấy lâu lâu có người gọi điện cho Vy đòi nợ. Thì ra anh chơi bài thua, vay xã hội đen, tiền lãi cao ngất.

Đến lúc này, Vy không nhịn nổi nữa, quyết làm một trận ra ngô ra khoai. Nhưng lạ thay, nếu trước kia mỗi khi cô cáu giận, làm ầm lên vì những lỗi lầm của anh, anh đều xuống nước xin lỗi. Lần này, lỗi rành rành ra đó nhưng anh cứ lầm lì chẳng thèm nói. Cô nhắc đến khoản nợ của anh là anh ầm ầm bỏ ra khỏi nhà, còn dọa đi qua đêm cho cô “biết mặt”.

Vy không hiểu đã có chuyện gì xảy ra với chồng mình. Tại sao chỉ sau một thời gian thất nghiệp, chồng cô như trở thành một người lạ trong nhà? Cô phải làm sao để giúp chồng trở về là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình như trước đây? Nghĩ đến mối tơ vò này, lòng Vy nặng trĩu.

Theo phụ nữ TPHCM