Ngày đầu tiên ở nhà, Ngân nghe cô bạn đã có trải nghiệm về thất nghiệp cảnh báo: “Nỗi buồn thất nghiệp nó không đến ngay, mà đến từ từ, ít nhất là khi cuối tháng, bởi lúc ấy không còn nghe tiếng ting ting quen thuộc từ thông tin chuyển khoản lương”.
Cô ấy còn kể, những ngày đầu lúc mới nghỉ việc, cứ tưởng buồn da diết lắm, khi dọn thùng đồ từ công ty về, bùi ngùi đủ thứ tâm trạng. Hẳn là vậy, vì bất cứ ai gắn bó với chỗ làm việc lâu năm đều quyến luyến khi rời đi. Công việc đôi khi không phải lúc nào cũng như ý, nhưng với 1/3 số thời gian mình gắn bó nơi chỗ làm, hẳn ít nhiều sẽ có những lưu luyến khi phải rời xa, nhưng đó chỉ là chút cảm xúc ban đầu, sau đó sẽ được cân bằng bởi niềm hân hoan khác. Đó là, bản thân sẽ không còn những áp lực vô hình lẫn hữu hình, không còn những buổi họp căng như dây đàn, không phải hối hả mỗi sáng để không bị trễ giờ…
Những ngày đầu không phải đi làm, trải nghiệm cảm giác thời gian là của mình, thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi mà chẳng cần né giờ hành chính, Ngân thấy "đã" gì đâu, nhất là ngồi cà phê giữa phố thị vào giờ cao điểm kẹt xe, khói bụi. Mọi thứ cứ như một giấc mơ khi Ngân đã thoát khỏi dòng người tất bật ấy, thảnh thơi ngồi đây.
Nhưng đúng như cô bạn của Ngân cảnh báo, nỗi buồn thất nghiệp đến rất từ từ… Cũng vì được căn dặn kỹ, nên Ngân phần nào có sự “đề kháng” hơn. Tuy nhiên, cùng một tình huống nhưng chẳng ai giống ai. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nên mọi thứ đều do chính mình trải nghiệm và cảm nhận, thì mới cho ra nhận định của mình được.
Với Ngân, thất nghiệp ở tuổi trung niên không phải là điều gì đó quá buồn bã như một số người quanh mình. Ngân còn nhẩm tính xem mình đã đi làm bao nhiêu năm, cũng gần 20 năm chứ có ít ỏi gì. Sau bao năm đi làm, vợ chồng Ngân cũng có khoản tích lũy riêng, để phòng những lúc khó khăn nhất lấy ra dùng. Con cái thì vẫn tuổi ăn tuổi học, nhưng không đến nỗi mất đi khoản lương mỗi tháng của Ngân mà mọi thứ gián đoạn. Cả chồng cũng ôn tồn khuyên Ngân cần nghỉ ngơi, sau bao nhiêu năm căng thẳng với công việc chuyên môn.
Vậy sao không tự thưởng cho mình khoảng thời gian nhàn nhã mà phải cuống cuồng đi tìm việc mới?
|
Cô phải tính toán lại chi tiêu khi thất nghiệp (ảnh minh họa) |
Ngân bắt đầu với việc cân đối lại chi tiêu trong gia đình và bản thân. Ngân tâm đắc một câu nói của vị chuyên gia tài chính: "Hãy tiết kiệm đến keo kiệt cho những thứ không mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân và hãy chi tiêu thật thoải mái trong khả năng có thể, đối với những điều mang lại hạnh phúc cho mình".
Nếu như khi còn đi làm, mỗi sáng Ngân lại phát tiền ăn sáng cho 2 đứa con, thì giờ đây Ngân tranh thủ dậy sớm ra chợ mua thực phẩm về chế biến bữa sáng cho gia đình 4 người. Cô còn có hẳn cuốn sổ tay để cân nhắc chuyện nấu nướng sao cho hợp lý, bữa ăn đủ dinh dưỡng mà vẫn tiết kiệm chi tiêu được.
Việc tự nấu ăn có nhiều cái lợi, đó là phù hợp khẩu vị người thân, an toàn trong khâu chế biến, đảm bảo dinh dưỡng và khiến cho Ngân không quá thừa thãi thời gian dẫn đến nghĩ ngợi linh tinh.
Ở bữa trưa và tối, Ngân cũng cân nhắc kỹ lưỡng để tránh thức ăn thừa. Nhờ đi chợ mỗi ngày, chị Ngân cũng nắm chắc thông tin giá cả, để biết món nào mua ở đâu thì sẽ có lợi. Cùng ở chợ, nhưng mỗi cửa hàng bán giá mỗi khác.
Một điều mà Ngân nhận ra nữa là, chế biến những món ăn tươi sống hương vị sẽ ngon, ngọt hơn so với thực phẩm để đông lạnh. Lại ít phải “trợ giúp” từ đủ thứ loại gia vị mới có thể làm thành món ăn ngon, hấp dẫn nhưng chưa chắc an toàn cho sức khỏe. Vì vậy mà Ngân thấy an tâm hơn hẳn. Mỗi bữa ăn, nhìn từng thành viên ăn ngon miệng, không dưng Ngân thấy “quãng nghỉ ngơi” vì thất nghiệp của mình ý nghĩa hẳn lên.
Ngân cũng tự hạn chế chi tiêu bằng cách không lướt những trang mua sắm online như trước. Chỉ mua những thứ thực sự cần cho bản thân và người thân. Bên cạnh đó, so với việc không đến văn phòng mỗi ngày đã cắt giảm một số chi tiêu như xăng xe, ăn hàng quán, giày dép, quần áo các loại… Nhờ đó mà tiết kiệm thêm được một khoản kha khá.
Theo phụ nữ TPHCM