Bạn Q. tuy một tay nuôi hai đứa nhỏ, dường như đã vực dậy khỏi biến động cuộc đời. Từ khi yêu nhau đã biết tính chồng trăng hoa, nhưng Q. lúc nào cũng tự tin rằng lạt mềm buộc chặt, gia đình êm ấm sẽ là nơi người đó muốn trở về.
8 năm bên nhau, lần lượt hai đứa con xinh xắn ra đời, những cuộc cãi vã chưa bao giờ dừng lại vì người chồng ngựa quen đường cũ.
Cho đến một ngày, đứa trẻ 7 tuổi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao ba cứ về khuya là mẹ khóc hoài. Con ở đây rồi, mẹ đừng cần ba nữa”. Đó là lúc Q. nhận ra mọi cố gắng níu kéo của mình không chỉ vô ích, mà còn tổn hại đến các con. Cô quyết định tự giải thoát mình khỏi bi kịch hôn nhân.
Ly hôn xong, ba mẹ con chuyển về Đà Nẵng ở với ông bà ngoại. Q. tìm được công việc mới ở đây, mức lương khá giúp cô tự tin nuôi con mà không cần đến khoản trợ cấp của chồng cũ - số tiền này cô dự định sẽ tích góp thành khoản vốn cho con khi vào đại học.
Q. không vội nghĩ tới chuyện tìm một bờ vai khác. Cô nói: “Bao năm giam mình trong góc tối của cuộc hôn nhân bên xây, bên phá, giờ mình mới thực sự tìm lại được cân bằng.” Thoát khỏi những hoang mang, tự ti của người vợ có chồng trăng gió, Q. bắt đầu tìm lại được bản thể của mình.
Có ba mẹ đón con, chăm con giúp, Q. dành thời gian đi tập yoga mỗi buổi chiều. Cô tập thiền, thấy lòng mình dần bình an. Lũ trẻ dường như cũng cảm nhận được sự thay đổi đó. Chúng vui vẻ hơn, không còn đôi mắt sợ sệt, hoang mang những lần nhìn mẹ khóc.
Người bạn còn lại của tôi là em H., mới kết hôn được 2 năm. H. ly hôn gần như cùng thời điểm với Q., nhưng đến giờ dường như bóng đen của cuộc hôn nhân vẫn bao trùm cô gái trẻ.
Ảnh minh hoạ
Mâu thuẫn vợ chồng ban đầu chỉ là những chuyện nhỏ: xắt hành lá nấu canh thì ngắn hay dài, cho con ngủ chung giường hay ngủ riêng trên cũi. Thay vì lắng nghe và đối thoại để tìm ra điểm thỏa hiệp, hai người ai cũng muốn giữ cái tôi của mình, khăng khăng bài trừ quan điểm của người kia.
Cứ như thế rồi không một ngày nào sống chung mà hai vợ chồng không cãi vã. H. ôm con về ngoại, chồng qua làm lành đón về được vài hôm lại thấy H. đùng đùng bỏ đi. Giằng co mệt mỏi, cuối cùng họ dứt điểm chia tay.
Tôi cảm thấy như H. vẫn chưa thực sự học được điều gì từ cuộc hôn nhân chóng vánh. Em không nhận ra rằng lỗi là ở cả phía mình. Cuộc hôn nhân của em tan vỡ vì cả hai chưa chịu trưởng thành, chưa biết bao dung và lắng nghe nhau.
Ly hôn chẳng có gì là xấu. Nó là một quyết định lớn, mà nếu muốn trở thành quyết định đúng thì người phụ nữ phải cam kết với chính mình. Cam kết rằng mình sẽ nhìn thẳng vào cuộc hôn nhân đã qua để rút ra bài học. Rằng mình buộc phải đập đi, nhưng rồi phải kiên trì xây lại. Còn nếu chỉ dùng ly hôn như một cách trừng phạt người cũ, thì chỉ là chuyển từ cái khổ này, sang cái khổ khác mà thôi.
Em vẫn đăng những dòng tâm trạng trên trang cá nhân. Khi thì than khổ, thèm có người sẻ chia. Khi thì căm phẫn, mượn chuyện nữ quyền để lên án “lũ đàn ông”.
Tôi nói với em rằng, ở trạng thái bây giờ, dù em có gặp được một người đàn ông em thích thì muốn đi bước nữa cũng chưa chắc kết cục đã khác đi. Muốn cuộc sống tích cực hơn, phải thay đổi từ chính mình trước khi trách cứ người khác.