Nhà mới có con dâu, lại là dâu trưởng nên má rất vui. Má nói có dâu về là có người quán xuyến nhà cửa, bếp núc, chi tiêu... em trai tôi nhờ đó mà bớt nhậu nhẹt, chơi bời. Nhưng má đâu ngờ, chính sự “quán xuyến” của cô con dâu khiến má thêm buồn.

Nhà có 2 chị gái đã đi lấy chồng nên 2 em trai, Nam và Út, bàn nhau chia đều khoản chu cấp cho má. Trước khi cưới vợ, Nam luôn chu cấp cho má mỗi tháng vài triệu để má thèm gì thì mua.

Má tôi vốn tính tiết kiệm nên cũng không tiêu xài gì nhiều ngoài thuốc bổ mắt, sữa, đồ ăn sáng. Má lớn tuổi nên cũng không thích dự tiệc tùng, khoản quần áo mới không bao giờ sắm, có mấy bộ mặc đi mặc lại, quanh quẩn từ nhà ra chợ.

leftcenterrightdel
 Má khổ tâm vì thói quen tằn tiện quá mức của con dâu (ảnh minh họa)

Trước khi cưới vợ, Nam và Út bàn nhau hùn tiền để sửa sang lại căn nhà cho đàng hoàng, vài năm nữa cũng tới phiên Út cưới vợ, đâu thể để nhà cửa xập xệ được. Từ lúc sửa nhà, Nam giảm tiền chu cấp cho má xuống còn 1 triệu đồng mỗi tháng, dù Út vẫn đưa đúng số tiền như trước.

Nhưng khi cưới vợ xong xuôi, nhà cửa cũng ổn định, Nam vẫn chỉ đưa 1 triệu mỗi tháng cho má, không hơn. Nam nói vợ chồng đang chơi hụi để dành tiền sau này xoay xở khi sinh con. Má nghe cũng hợp lý, nên gói ghém việc tiêu dùng.

Sẽ không có gì đáng để má buồn bã tâm sự với hàng xóm, nếu cô con dâu tinh tế và phóng khoáng hơn một chút. Nam đã tính toán như vậy, vợ Nam còn “ki bo” hơn. Làm dâu được nửa năm nhưng chưa bao giờ cô mua cho má chồng được cục xà bông hay đôi dép. Tan làm, cô chỉ ghé chợ mua thức ăn vừa đủ cho bữa cơm chiều.

Má tôi lớn tuổi, mỗi bữa má ăn chỉ lưng chén cơm, nhưng tối muộn thì xót ruột, ưa lục cơm nguội ăn đêm. Bây giờ, nhiều buổi tối trong bếp chỉ còn cái nồi rỗng. Không dám uống sữa sợ lạnh bụng, má phải lục đục nấu nước sôi, chế mì gói, hoặc cháo gói ăn đỡ.

Nhiều lần tôi tạt về thăm nhà, thấy kệ gia vị trên bếp, chai lọ gia vị đều cạn tới đáy. Má nói con dâu không mua nhiều. Có khi má phải bỏ tiền ra mua hũ đường đã hết mấy ngày. Gạo cũng là do má gọi người ta chở tới và má trả tiền. Cứ ngỡ con dâu đi làm về sẽ hỏi han và gửi lại, nhưng rồi cũng không nghe nói gì. Thằng Út sau vài lần ăn cơm chung với anh chị cũng ý tứ rút lui, viện cớ chiều ăn ở công ty rồi. Nhưng thực ra Út vẫn phải đi ăn cơm tiệm.

Vợ Nam cũng chưa bao giờ mua quà bánh cho các cháu - là con tôi và con của chị Hai. Tôi biết rõ tính cách tằn tiện ấy của cô, nhưng vẫn thấy tiếc cho em dâu. Giá như cô ấy ứng xử khôn khéo hơn, có lẽ mọi người trong nhà thoải mái hơn rất nhiều.

Tôi và chị gái biết má buồn, nhưng cũng chỉ có thể an ủi, không biết góp ý ra sao cho vợ chồng Nam, vì nói không khéo sẽ khiến em dâu nghĩ sâu xa, lại mất lòng. Mỗi lần về thăm má, chị em tôi tranh thủ mua mấy món má thích cùng số tiền bồi dưỡng hàng tháng. Má mừng, nhưng cũng rầy: "Má ăn bao nhiêu mà tụi bây mua chi". Tôi biết, nếu chị em tôi không mua, má có thèm cũng ráng nhịn. Đời má còn bao nhiêu lâu đâu. Là con má, chị em tôi không thương má, thì ai thương bây giờ!

Theo phụ nữ TPHCM