Vợ chồng tôi kết hôn tới nay đã 12 năm, từ hai bàn tay trắng cho tới cơ ngơi hiện tại. Tôi thấy vậy là đủ đầy, có một mái ấm, chiếc xe che nắng mưa và một ít tiền tiết kiệm trong ngân hàng.

Về việc ai kiếm tiền chính: Theo quan điểm xã hội châu Á thì người làm việc đó là đàn ông, vì vậy gánh nặng trên vai người đàn ông rất lớn. Nếu đó là người tài giỏi, bản lĩnh, biết kiếm tiền, mọi chuyện có thể êm đẹp. Còn với các ông chồng có năng lực giới hạn, chưa tìm được cơ hội, yên phận, sẽ bị đánh giá thấp hơn khả năng của họ. Từ lúc tôi lấy vợ, lương cơ bản của tôi lúc nào cũng thấp hơn vợ, hầu hết chỉ bằng một nửa. Tuy nhiên tôi luôn dành được sự tôn trọng của vợ và bên ngoại với các nguyên tắc riêng của mình.

Đầu tiên là việc đóng góp hết sức lực với gia đình như chăm sóc con cái, làm việc nhà, nấu ăn, vệ sinh, bảo trì nhà cửa, tôi thấy đó là trách nhiệm. Tôi cho rằng phụ nữ không đủ sức khỏe để làm những việc nặng nhọc, đặc biệt với những người vợ yếu và công việc đặc thù nhiều. Vợ làm ngân hàng, tầm 7h tối mới về tới nhà, áp lực cũng nhiều, về tới nhà là hết cả tâm trí và sức lực nên tôi không để vợ làm việc nhà. Ví dụ, để lau nhà sạch, thông thường phải dành khoảng một giờ đồng hồ làm cật lực từ dọn dẹp, hút bụi rồi lau. Để nấu ăn thông thường phải dành hai giờ, dọn rửa tầm 30 phút, thêm các việc không tên nữa.

Tôi có khu vườn nhỏ 20 m2, sẽ tốn khoảng 15-20 phút mỗi ngày cho việc chăm sóc, tưới nước. Hồ cá cảnh khoảng nửa tháng thay nước, vệ sinh một lần. Xe hơi cần hút bụi và rửa nửa tháng một lần, xe máy và xe đạp cũng vậy. Cho chó ăn và vệ sinh sân sáng chiều mỗi lần 15 phút. Đó là những việc làm hàng ngày. Còn làm theo tháng, theo quý hoặc cuối năm như giặt ga giường, giặt rèm cửa, giặt bọc nệm, bọc sofa, sơn lại nhà cửa, vệ sinh bếp, lau kính... tôi thấy làm quanh năm không hết việc. Hầu hết tôi đi làm về là làm liên tục tới 9-10h tối, hai ngày cuối tuần nếu không bận việc ngoài xã hội thì làm việc nhà tiếp. Thử hỏi người phụ nữ chân yếu tay mềm làm sao kham nổi?

Việc đóng góp chi phí vào gia đình: Chúng tôi đến với nhau khi tay trắng, xác định cùng xây dựng gia đình trên tinh thần công khai tài chính. Không cần biết lương bao nhiêu, chỉ biết tổng lương hai vợ chồng sẽ gộp chung vào rồi mới bắt đầu chi tiêu.

Về việc chi tiêu khá dài, tôi tóm tắt như sau: Tất cả những gì chúng tôi có là từ việc chăm chỉ làm việc, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Mười năm đầu trong hôn nhân, hầu hết chúng tôi chỉ tiêu khoảng 50% tiền lương, còn lại tiết kiệm. Lúc cao điểm khi cần tiền trả nợ mua nhà, chúng tôi tiết kiệm 70%, chỉ tiêu 30%. Hiện tại vợ chồng cảm thấy đầy đủ nhà cửa, xe cộ nên cho phép mình thoải mái hơn, chi tiêu 80% quỹ lương và 20% tiết kiệm để đầu tư.

Nói thêm là vợ chồng tôi sống ở tỉnh lẻ, tổng lương tăng dần đều từ khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng năm 2010, tới nay là 40 triệu đồng. Hầu hết các quyết định liên quan đến tiền bạc hai vợ chồng đều bàn bạc và thống nhất, không ai tự quyết. Có khoảng thời gian năm, sáu năm lúc trả nợ tiền mua nhà, vợ chồng mỗi tháng chỉ bỏ túi 500 nghìn đồng để chi tiêu cá nhân khi đi làm hoặc ra đường. Chúng tôi dồn hết tiền vào chi phí gia đình và trả nợ.

Tôi nhớ như in những lần từ chối hội họp, ăn nhậu hoặc bạn bè rủ đi du lịch. Có lần một nhà bạn thân rủ đi Nha Trang chơi ba ngày hai đêm với chi phí cỡ ba triệu đồng, họ chạy xe hơi tới tận nhà rủ mình đi. Vì không có tiền, cũng không muốn mắc nợ (bạn chi tiền trước để đi chơi, đi xong về trả sau) mà vợ chồng tôi đành từ chối. Sau tất cả, chỉ khoảng 10 năm chăm chỉ làm việc và tiết kiệm, chúng tôi đã sở hữu nhà riêng, xe hơi riêng, tiền tiết kiệm ngân hàng. Tôi cho rằng tất cả đều đáng giá.

Ngày nay các bạn trẻ sống theo tinh thần YOLO (You only live once hay có thể hiểu là: Bạn chỉ sống một lần) rất nhiều, làm bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, thậm chí vay tín dụng để tiêu xài. Theo quan điểm cá nhân, kiểu tiêu xài đó rất nguy hiểm, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vừa qua, khi ai đó mất việc, không có tiết kiệm. Trong lúc nhiều bạn bè lâm vào cảnh khó khăn, gia đình tôi đã có tích lũy từ trước, kể cả đại dịch mất việc vài năm vợ chồng vẫn đủ chi phí sinh hoạt thoải mái. Thứ nhất chúng tôi tiết kiệm, thứ hai đã quen với việc tính toán chi tiêu hợp lý. Hiện tại chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi, mua hàng online chỉ cần ngồi nhà, ai cũng mua được, nếu không biết điểm dừng thì kế hoạch chi tiêu khó giữ nổi. Khi trong gia đình thiếu tiền, chắc chắn khó hạnh phúc.

Trên đây là một số tâm sự nhỏ của tôi về kinh tế gia đình mình. Để nói chi tiết rất dài, từng khoản tiền nhỏ cũng phải tính toán chi tiết, chi tiêu làm sao hợp lý nhưng vẫn thoải mái. Cái đó cần sự tinh tế rất nhiều. Tôi muốn nhấn mạnh chỗ chi tiêu hợp lý chứ không phải tiết kiệm cực đoan, ki bo, hành xác cả gia đình. Mười năm tiết kiệm nhưng tôi vẫn cho con học đầy đủ từ các môn năng khiếu như piano, học bơi, Anh văn, đá banh. Một năm gia đình đi du lịch ba, bốn lần, ăn uống đầy đủ dưỡng chất và an toàn.

Qua chia sẻ nhỏ của mình, tôi chỉ mong gửi tới các bạn một thông điệp: Vì hôn nhân gia đình, hãy cho đi tất cả sức lực và tình yêu thương. Đừng tính toán tiền anh, tiền em, tiền chúng ta, hãy xem gia đình là con thuyền, cả nhà cùng chung tay xây dựng và tiến về phía trước dù có đầy bão tố phong ba của cuộc đời. Nếu thuyền chìm, cả nhà cùng gặp nạn chứ không chỉ cá nhân nào trong đó, vì thế hãy chung tay xây dựng con thuyền vững chắc. Cảm ơn mọi người đã đọc tâm sự.

Theo vnexpress