Anh Dương và chị Hà là bạn cùng lớp đại học với chúng tôi. Họ yêu nhau từ thời đại học. Một tình yêu thật đẹp mà cũng thật… độc hại.
Cả hai đều có tài, nhưng anh Dương hướng nội, còn chị Hà hướng ngoại. Chị giỏi lãnh đạo, là thủ lĩnh sinh viên. Còn anh Dương say mê viết truyện, vẽ tranh. Nhưng chuyện sáng tác của anh mờ nhạt dần vì anh mải phụ chị làm sự kiện, và chạy lo cho chị từng bữa ăn…
Nhóm con gái chúng tôi đã từng… bàn kế hoạch chia rẽ họ. Những cuộc họp ấy thường diễn ra sau khi chúng tôi chứng kiến chị hành hạ anh “lên bờ xuống ruộng”…
Ví dụ, khi cả lớp đang tất bật ôn thi thì chị nhờ anh đi từ Thủ Đức lên Hóc Môn lấy đồ má chị gửi. Sau khi chở thùng đồ cồng kềnh từ Hóc Môn về, anh lại bị chị chê vì cái thùng bị móp.
Tất cả những lần anh vật vã chiều ý người yêu đều kết thúc bằng hình ảnh anh lủi thủi về phòng trọ vì bị chị chê trách gì đó.
|
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
|
Chúng tôi chứng kiến tất cả, vì ở cùng xóm trọ với chị. Nhưng sau bao cuộc họp bàn, người dũng cảm nhất cũng chỉ dám khuyên anh ở một sự việc cụ thể nào đó, ví dụ: “Anh phải lo chuyện của mình trước khi làm những việc chị Hà nhờ vả”. Còn lại, không đứa nào dám “xúi anh chia tay”.
Dần dần, chuyện anh Dương làm “ô-sin” cho chị Hà cũng trở nên quen thuộc. Chúng tôi cũng đủ trưởng thành để hiểu rằng mọi lời khuyên chia tay đều vô ích, và người ta chọn một mối quan hệ là vì nó vẫn cho họ một niềm vui nào đó. Dù niềm vui của anh Dương thế nào thì chúng tôi chưa bao giờ hiểu.
Ra trường, chúng tôi mỗi đứa một phương. Tôi ở lại TPHCM cùng Dương, Hà. Lần chúng tôi gặp nhau duy nhất là trong đám cưới anh chị. Khi ấy, chị Hà đã rất nổi tiếng, nhưng không ai biết về sự nghiệp của anh Dương. Trong những hình ảnh sự kiện trên Facebook chị, người ta vẫn thường thấy anh lẩn khuất đâu đó trong “đám đông” khán giả, đang lầm lũi lo việc hậu trường.
Chúng tôi lại thở dài mà rằng, họ đúng là xứng đôi, một người tận tụy chăm sóc còn một người ra sức đòi hỏi; một người quá nhẫn nhịn còn một người thì quá quắt.
Những tưởng, sự gắn bó (dù độc hại) kia là bền vững, cho đến khi Lan báo tin sốc. Lan nói, anh Dương ra Hà Nội dự triển lãm vì muốn quay lại với nghệ thuật. Nhìn anh rất u uất, nhưng cũng có dáng vẻ của một người tự do. Anh chị chia tay nhanh gọn vì không có con chung. Chị Hà không chịu sinh con. “Chuyện này không lạ, vì chị quá hãnh tiến” - một đứa bạn trong nhóm chen vào giữa lời kể của Lan.
Nhưng sau cùng, thông tin anh chị ly hôn vẫn khiến cả nhóm buồn bã. Dù gì, họ cũng là một cặp đôi đã đi suốt thời sinh viên của chúng tôi. Và với tất cả sự vô lý của mối quan hệ ấy, chúng tôi đã chọn tin rằng chính những năm tháng sinh viên đẹp đẽ đã khiến họ đi cùng nhau. Nên sự tan vỡ này như phủ định đi sự đẹp đẽ mà chúng tôi vẫn huyễn hoặc về những ngày tháng đó.
Chiều hôm đó, chúng tôi tìm đến xưởng làm khung tranh của anh Dương. Mấy anh em gặp nhau vừa mừng vừa tủi. “Bết-xê-lết không anh?”, Thảo khuấy động không khí bằng một “từ lóng” mà chúng tôi hay dùng để rủ nhau “không say không về”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto |
Khuya hôm ấy, cả nhóm ngà ngà say ở một quán bia vỉa hè. Anh Dương thừa nhận cuộc hôn nhân của anh rất bất hạnh. Anh lê lết theo vợ ở khắp các hội thảo, sự kiện, còn chị luôn khổ sở vì chồng “không cầu tiến, không bảnh bao”. “Rồi chẳng ai hạnh phúc hết” - anh nói.
“Nếu ngày đó tụi em mạnh dạn hơn, có khi đã giúp anh chị đỡ một quãng đời lê lết bên nhau”. Tôi vừa nói nửa chừng, anh đã gạt tay: “Tụi em không nói gì, nhưng anh hiểu hết. Cũng vì vậy nên khi ra trường, anh chị tránh liên lạc với các em. Anh biết tụi anh không ổn, nhưng nghĩ rằng mình cố gắng rồi sẽ ổn, và không muốn nghe tụi em nói ra điều mà anh đang cố tránh”.
Chúng tôi cùng thở dài. Anh tiếp: “Nhưng anh đã sai khi cố gắng theo hướng chôn vùi mình đi, từ bỏ bản sắc của mình chỉ vì muốn “vừa vặn” với mối quan hệ. Người ta trách Hà vô tình, nhưng anh hiểu, làm sao có thể yêu một kẻ không có bản sắc”.
Hôm đó, chúng tôi mới biết họ ly hôn vì chị yêu người khác. Anh sốc và đau như mất cả đoạn đời. Nhưng rồi anh chọn đứng dậy.
Tôi nửa đùa nửa thật: “Anh có còn tin vào tình yêu không?”.
Anh cười: “Anh chỉ hết tin vào cách mình đã yêu. Anh đã hy sinh bản sắc để yêu. Đó là một sai lầm. Không một tình yêu nào cần ta phải hy sinh vậy hết. Như vậy, sẽ chỉ khiến người ta thấy nặng nề. Và bản thân mình thì kém hấp dẫn…”.
Bài học anh vừa nói rành rọt đó như dành cho tất cả chúng tôi, với mọi vai trò, dù là vợ, là chồng, hay là mẹ, cha - cũng không nên yêu bạn đời hay con cái mình bằng cách hy sinh bản sắc…
Anh vẫn không quên ý chính trong câu hỏi của tôi, mà trả lời chắc nịch: “Còn tình yêu thì anh vẫn tin chứ! Chỉ có mình yêu sai, chứ tình yêu thì có bao giờ sai!”.
Theo phụ nữ TPHCM