Một buổi chiều đang ngồi làm việc ở quán cà phê, tôi ngước nhìn lên, thấy đồng hồ chỉ 17g20, tôi giật mình nhận ra sự thật: Tôi đã quên đón con gần 1 tiếng!

Tôi có 3 đứa con cần đón: 2 đứa đang học tiểu học tan học lúc 16g30 và một đứa đang học mầm non sẽ phải đón trước 17g30. Hốt hoảng gập vội máy tính, tôi chạy sang trường con. Sân trường chỉ còn lác đác ít người, tôi đi vòng quanh lớp học, ra khu vực sân khấu, tất bật tìm mãi vẫn không thấy con đâu.

Nghĩ rằng có thể con đi bộ về, tôi nhấc máy gọi điện nhờ chị hàng xóm kiểm tra giúp và thở phào khi biết tiếng tụi nhỏ đã ở nhà. Thoáng chút tức giận khi nghĩ con không nhớ lời mẹ dặn là ở lại đợi mẹ. Nhưng rồi tôi vẫn “ghê người” nghĩ đến cảnh 2 anh em bé xíu dắt tay nhau qua đường, hoặc tình huống thằng anh lơ đễnh không chịu nắm tay em. Tụi nó vẫn chỉ là trẻ con thôi!

leftcenterrightdel
 Có hôm trời mưa ngập nước, tôi phải lội nước để đi tác nghiệp, viết bài (Ảnh: Tác giả cung cấp)

“Nếu có chuyện gì xảy ra với con, chút "kiếm thêm” của mình có đủ gánh nổi không?”, tôi tự vấn. Trong quãng đời làm mẹ, không ít lần tôi phải tự vấn như thế, chấp chới giữa lựa chọn lo chu toàn cho con hay cống hiến cho sự nghiệp.

Cách đây 9 năm, vì con trai thứ 2 hay bệnh và thiếu người chăm, tôi nghỉ việc để có thời gian thoải mái chăm con và đưa đón con. Nhưng rồi tôi vẫn không thể thoải mái vì sinh thêm 2 đứa con nữa, những khoản tiền sinh hoạt của gia đình đông con đè nặng trên vai chồng tôi. Tôi tìm việc cộng tác với các báo và viết bài thuê cho nhiều thương hiệu để kiếm thêm tiền và cũng là để có sự tự tin cho chính mình.

Để có tiền, tôi lao vào viết, tìm đề tài, có mặt ngay khi nhận được yêu cầu về công việc. Vì tôi quan niệm, làm việc là phải chuyên nghiệp, phải cố gắng hết sức. Tôi đặt mình trong vai trò những người mà mình cộng tác, sẽ chẳng ai thích một người làm việc mà một vài ngày lại trễ hẹn, thất hứa...

Tôi làm việc tự do nhưng luôn cố gắng làm đủ từ thứ 2 đến thứ 7, chỉ dành chủ Nhật cho gia đình. Điều này đồng nghĩa là có những ngày cơm trưa thành cơm chiều, cơm tối thành cơm đêm, nhà cửa bừa bộn, đi tác nghiệp để phản ánh đưa tin về người khác nhưng lại đón con mình muộn. Nhiều ngày tôi bị giáo viên "nhắc nhở" vì lơ đễnh quên chuẩn bị đồ ngoại khóa cho con. Tôi thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng và quát tháo, kêu ca và chỉ biết đổ lỗi cho người khác, có khi là đổ lỗi cho cả… cuộc đời.

Nhưng trong những giây phút tiêu cực như hôm nay, khi lại muốn từ bỏ hết công việc bên ngoài, không muốn cố gắng gì nữa, tôi chợt nhớ đến những người phụ nữ quanh mình.

Trong lớp học thêm nghiệp vụ, tôi được nghe cô giáo - vốn là một nhà báo kỳ cựu đã 80 tuổi - kể chuyện bên lề bài giảng. Những năm tháng khó khăn, cô vừa phải lăn xả với nghề báo vừa phải tranh thủ đi rất xa để làm việc làm thêm là đọc truyện cho các đơn vị thu thanh. Có những khi cô còn không được nhận tiền công vì họ nói làm ăn khó khăn nên không trả.

Tôi lại nhớ đến lời một người cô khác trong lần tôi đến chơi. Cô kể về thời kỳ theo chồng sang nước Nga, cô ở nhà trông con nhưng cũng phải tìm cách làm thêm để có thêm thu nhập. Cô hỏi các mối bán hàng gửi về Việt Nam. Vất vả đưa con đi chợ từ sáng sớm, đến chiều lại đóng gói, liên hệ đủ nơi, kiếm được ít tiền nhưng “năng nhặt chặt bị”. Nhờ vậy, vợ chồng cũng có một khoản tích cóp để khi về Việt Nam mua được mảnh đất.

Tôi lại nhớ đến cô bạn của mình, lâu lâu bạn đi cà phê hay thậm chí đi mua sắm cũng không rời được cái điện thoại trả lời công việc. Chốc chốc bạn lại nói chuyện lô hàng, tờ khai hải quan, điều phối nhân công… Tôi hỏi: “Sao mà bà có thể làm được nhiều thế, chăm chỉ thế? Làm quá sức để chết à?”. Bạn nói: “Bà cứ thử nợ nhiều như tôi rồi biết. Có những đêm vắt tay lên trán nghĩ đến món nợ mà không ngủ được, lại ngồi dậy làm việc”.

Dường như những người cô bác, chị em hay bạn bè của tôi, trong thời đại nào cũng luôn vươn lên, tìm cách xoay xở để vươn lên, để không thỏa hiệp với cái nghèo, cái thiếu thốn. Vậy nên tôi chọn làm việc ở nhà hay những người khác đi làm thì cũng vậy thôi. Mỗi người đều sẽ có lúc này, lúc kia và không tránh khỏi được việc không như ý xảy ra.

Tôi mở điện thoại, đặt báo thức giờ đón con để nếu làm việc say sưa quá thì cũng có lời nhắc. Về nhà, tôi nói với con sau này tuyệt đối phải đợi mẹ, vì kiểu gì mẹ cũng sẽ đến đón con. Còn trong trường hợp con đợi lâu quá mà muốn về, con phải nhờ ai đó gọi cho mẹ hoặc bố. Tôi cũng sửa lại chiếc điện thoại nhỏ để vào cặp và hướng dẫn con sử dụng.

Nhìn chung về quy hoạch cuộc sống của mình, tôi nhắc mình giờ nào việc nấy, áp dụng quy tắc “bốn lò lửa” như khi bật chiếc bếp gia đình lên thì tắt chiếc bếp công việc đi… Tôi cũng nên thôi đóng vai nạn nhân trong mọi cuộc cãi vã, đòi hỏi chồng phải về nhà sớm hơn vì biết anh cũng cần thời gian để làm việc, không thể ngày nào cũng trả lời câu “hôm nay anh về mấy giờ?”

Mỗi ngày luôn là một cơ hội mới để tôi học hỏi, sửa sai chứ không phải là thở than, đổ lỗi. Và sự cố hôm nay nhắc tôi cố gắng hơn, chuyên tâm hơn để linh hoạt, phù hợp chứ không phải là chọn giữa làm việc kiếm tiền hoặc chỉ ở nhà trông con.

Theo phụ nữ TPHCM