leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hồi trẻ mẹ cũng vì gia đình mà thôi việc. Ngày đó, ba tôi giỏi làm ăn nên mẹ nghe theo ba ở nhà nội trợ. Mẹ là phụ nữ nội trợ thứ thiệt. Nhà to, có sân vườn. Mẹ vừa dọn dẹp, cơm nước, vừa chăm sóc, đưa rước 3 đứa con, một mình quần quật suốt ngày.

Đùng một cái sự nghiệp ba tiêu tan, ba mẹ tôi chới với một thời gian dài, đành lao động tay chân, vất vả nuôi các con vào đại học. Gia đình tôi khi ấy sống chật vật, nhưng ba mẹ luôn động viên nhau vượt khó, vượt hết chặng này đến chặng khác. Khi các con trưởng thành, mẹ mới giật mình nghĩ đến 2 chữ lương hưu.

Ba mẹ không ngờ làm ăn thất bại, không bao giờ nghĩ tuổi già của mình sẽ không thoải mái về kinh tế, bởi ngày trẻ đã hết sức cố gắng nên tin là nhất định sẽ có thành quả như mong đợi.

Trong thất vọng, mẹ ám ảnh chuyện lương hưu. Mẹ tiếc: phải chi không nghe lời ba, phải chi ngày đó mẹ mạnh mẽ đi làm… Mẹ hay dặn chúng tôi, sau này chồng giàu cỡ nào, con cũng phải có việc làm, không sống phụ thuộc chồng. Mẹ nói chuyện tương lai không lường trước được, đừng nghe lời chồng mà nghỉ việc chăm con. Mẹ rằng, việc nhà không làm lúc này thì làm lúc khác. Khi bận bịu thì không nhất thiết phải lau nhà. Nhà có thể dơ, nhưng tuổi già nhất định phải có tiền. Người già mà không có lương hưu hoặc không có nguồn tiền dự trữ sẽ thiếu tự tin bước vào những năm tháng cuối đời, khi sức khỏe đã bắt đầu suy sụp.

Mẹ còn dặn chúng tôi, sau này, vì lý do chính đáng nào đó, nếu nghỉ việc thì phải tiếp tục mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, bởi đó chính là “tài sản” tuổi già, là niềm vui, là khoản dự phòng không bao giờ thừa.

Ngẫm mà thương mẹ - một phụ nữ có học nhưng vì quá yêu gia đình, hy sinh bất chấp nên sự nghiệp dang dở, để đến bây giờ hối tiếc trong cuộc sống và trong cả những giấc mơ.

Mẹ kể, thỉnh thoảng mẹ mơ thấy mình đi công tác, dù mẹ nghỉ làm đã 20 năm. Thỉnh thoảng, mẹ mơ thấy mình đã già, bạn bè rủ đi du lịch nhưng mẹ cứ trì hoãn vì không đủ tiền. Thương mẹ, tôi an ủi: “Tuổi già của mẹ đã có chúng con”, dù tôi biết mẹ là kiểu người không muốn dựa dẫm, không muốn làm gánh nặng cho cháu con.

Mẹ từng có ý định bán nhà về quê trồng rau, nuôi gà. Nhưng mẹ cũng chưa dứt khoát, vì chị em tôi quá thiết tha được sống gần mẹ. Ngày trẻ ba mẹ nuôi con (ba mẹ còn chăm ông bà nội, ngoại một thời gian dài) thì tuổi già của ba mẹ, sẽ có con cái lo. Tôi muốn mẹ đừng nghĩ như cách nhiều người nghĩ, rằng nếu “gánh” tuổi già ba mẹ, con cái sẽ kém hạnh phúc. Bản thân tôi sáng suốt khi chọn chồng - anh rất hiếu thảo, ba mẹ khó khăn cỡ nào, ốm đau ra sao, anh cũng sẵn sàng “cân” hết. Mấy bận ba nhập viện, anh xin nghỉ làm, chăm sóc ân cần như đứa con trai chăm cha ruột.

Từ bài học ở nhà nội trợ của mẹ, tôi biết tích cóp vốn liếng để không bị động những khi có việc cần. Phụ nữ có tiền, không chỉ lo được cho bản thân mà còn có thể chủ động lo cho ba mẹ lúc về già.

Trong thâm tâm mẹ luôn cháy bỏng một điều, nếu ba mất trước, mẹ muốn sống ở nhà dưỡng lão để có bạn già, không làm phiền con cháu. Chúng tôi thì mong được mẹ làm phiền, miễn mẹ vui. Anh chị em tôi cũng đã tìm hiểu mọi thứ về nhà dưỡng lão. Nếu mẹ quyết tâm, chúng tôi sẵn sàng làm theo ý mẹ, nhưng trên hết vẫn mong mẹ nghĩ lại, mong mẹ tạo điều kiện để con cháu được cận kề, được chăm sóc nhiều nhất có thể.

Con gái dù lấy chồng, nhưng vẫn luôn tự tin mình có điểm tựa để quay về mỗi khi gặp sóng gió. Điểm tựa ấy luôn vững chãi, bao dung, sẵn sàng trao cho con sức mạnh để đối diện cuộc sống thì mẹ ơi, xin hãy cho chúng con được làm tròn hiếu đạo.

Theo phụ nữ TPHCM