Ảnh minh họa
Chúng tôi còn nhiều băn khoăn khi định tiến tới hôn nhân. Tôi cùng các con và chồng cũ đi du lịch nhiều ngày. Tôi khẳng định không làm gì trái đạo đức, không phản bội bạn trai. Tôi cho rằng ba mẹ ly hôn nhưng vẫn có thể xem nhau như bạn, cùng đi chơi và giúp đỡ nhau khi cần để bù đắp thiệt thòi cho con, để con vẫn cảm nhận có đủ cha mẹ và tâm lý con phát triển tốt, thậm chí tốt cả cho con dâu, rể và các cháu tôi sau này. Tôi cũng khuyến khích anh như vậy với vợ cũ, có thể việc ấy khó xảy ra vì một số lý do riêng của anh và cô ấy.
Tôi mong muốn nếu kết hôn với anh thì anh xem con tôi như con anh và tôi cũng vậy, quan tâm và chăm sóc chúng, thay vì có 2 đứa con thì giờ có 4 đứa. Nhìn các con được vui vẻ và lớn khôn, không phải vui hơn hay sao? Có vẻ anh không cùng quan điểm với tôi. Anh cho rằng các con lớn sẽ có cuộc sống của chúng, anh không thích chia sẻ thời gian của tôi cho các con tôi. Anh nói sau này các con sinh bé rồi tôi đi chăm con cháu, anh ở nhà một mình à?
Thật sự mà nói, tôi không thể sống cuộc sống chỉ biết có mình anh được. Hơn nữa tôi cũng không cảm nhận được sự hết lòng của anh với tôi. Là một phụ nữ nhạy cảm, tôi thấy anh có chút gì đó ích kỷ và tính toán cho bản thân. Anh không sẵn sàng hy sinh và chịu chút thiệt thòi vì tôi, cảm giác tình cảm anh chưa đủ lớn để nghĩ cho tôi. Anh cũng không muốn chia tay, dứt khoát với tôi. Tôi có nhiều suy tư và cảm thấy mệt mỏi, liệu bản thân có đòi hỏi quá đáng? Có nên tiếp tục mối quan hệ này hay dứt khoát để anh tìm hiểu người khác? Xin chuyên gia Nguyên Phong tư vấn cho tôi và các bạn giúp tôi nhìn nhận rõ vấn đề này. Trân trọng cảm ơn.
Phượng
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào chị Phượng!
Chắc chị sẽ đồng ý với tôi một điều rằng, mỗi người đều mang trong mình những thói quen khác nhau, quan điểm sống và nhu cầu khác nhau, dựa trên những gì họ từng trải qua. Vì vậy, hai người lạ lần đầu tiên tiếp xúc với nhau giống như hai nền văn hóa nhỏ giao thoa, việc có sự khác biệt hay mâu thuẫn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhất là với hai anh chị, những người đã trải qua nhiều thăng trầm, có nhiều sự ràng buộc trách nhiệm với gia đình, bản thân.
Để tìm được tiếng nói chung, hai người sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để tìm hiểu và chấp nhận sự khác biệt, tùy thuộc vào nỗ lực của hai bên. Khoảng thời gian này có thể đem lại cho người phụ nữ nhạy cảm như chị nhiều bối rối và lo lắng về mối quan hệ hiện tại. Với chị, việc được ở bên cạnh đồng hành cùng các con, nhìn các con trưởng thành và hạnh phúc làm chị cảm thấy bình yên. Chị luôn hướng tới các con và mong rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, con mình luôn nhận được đầy đủ sự quan tâm của cả bố và mẹ theo cách tốt nhất. Đó có lẽ là mọi điều chị hướng đến trước khi gặp anh. Khi gặp người thể hiện quan điểm khác biệt là anh, chị khó lòng cảm thấy dễ chịu và thoải mái.
Còn về phía người bạn trai hiện tại, người từng trải qua nhiều thay đổi trong cuộc sống, có lẽ giờ đây thứ anh ấy cần chỉ là một người ở bên để chia sẻ, quan tâm nhau, hơn là việc để tâm quá nhiều tới những ràng buộc trách nhiệm khác. Tuy nhiên quan điểm không dành quá nhiều thời gian ở cạnh, chăm sóc các con của anh không đồng nghĩa với việc anh hoàn toàn bỏ qua trách nhiệm với các con. Có thể với anh ấy, trách nhiệm với các con được thể hiện bằng những phương pháp khác, khi các con đã lớn và dần đến tuổi tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Bên cạnh đó, việc chị cùng chồng cũ đi nghỉ dài ngày cùng các con vẫn còn là điều mới mẻ với anh, có lẽ sẽ cần nhiều hơn thời gian để anh dần chấp nhận và thích nghi với điều mới mẻ đó.
Chính những điều khác biệt chưa được chấp nhận và dung hòa này đã tạo cho chị cảm giác thiếu tin tưởng vào tình cảm của anh dành cho mình. Như đã đề cập đến ở trên, việc chị và anh có những quan điểm, giá trị sống khác nhau là điều hiển nhiên xảy ra khi hai người, ở hai hoàn cảnh xã hội khác nhau đến với nhau. Nếu tiếp tục mối quan hệ, điều hai anh chị cần chính là sự thỏa hiệp tích cực. Điều này không đồng nghĩa với việc một trong hai người từ bỏ lý tưởng sống của bản thân để theo đối phương. Ngược lại, thỏa hiệp tích cực là tìm ra điều đáp ứng được kỳ vọng của cả hai người, hay nói cách khác chính là tìm ra được những giá trị chung. Tôi sẽ đề xuất một số phương thức mà trên quan điểm chuyên môn tôi cho là phù hợp với hai anh chị:
Giao tiếp hiệu quả: Giao tiếp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và gìn giữ bất kỳ mối quan hệ nào. Giao tiếp hiệu quả sẽ giúp hai bên thu thập được thông tin chính xác và đưa ra hành động phù hợp. Để nắm được chính xác những gì đối phương muốn truyền tải, sự tập trung để lắng nghe là điều cần thiết. Hãy nghe hết những gì đối phương muốn nói, hỏi về cảm nhận và lý do đằng sau mong muốn của họ sẽ là bước đầu để hiểu về quyết định của nhau hơn. Cảm xúc thường là yếu tố gây nhiễu, khiến cá nhân vô tình chạy theo chúng mà không hiểu đúng những gì đối phương muốn truyền tải.
Vì vậy, tôi khuyến khích cả hai, sau những cuộc trò chuyện, nhớ lại và ghi chép những gì mình và đối phương đã nói. Đây là cách để cá nhân tự nhìn nhận xem liệu mình lắng nghe và hiểu chính xác đến đâu những thông tin mà đối phương đưa ra.
Chấp nhận và tôn trọng: Chấp nhận ở đây không đồng nghĩa với việc chị sẽ đồng ý những quan điểm, quyết định của anh ấy. Thay vào đó, chị chấp nhận rằng ở thời điểm hiện tại, đối phương đang có những suy nghĩ khác và tôn trọng nó. Điều này sẽ gửi cho anh ấy một thông điệp: "Em hiểu rằng giữa chúng ta sẽ luôn tồn tại sự khác biệt và em tôn trọng những ý kiến của anh. Vì vậy em cũng mong anh có thể chấp nhận một điều rằng em cũng đang có những mong muốn, nhu cầu riêng cần được đáp ứng".
Tìm ra những giá trị chung và phương án thỏa hiệp: Những giá trị chung sẽ là nền tảng cốt lõi để kết nối hai anh chị. Chẳng hạn, quan điểm về nuôi con, chăm sóc con của hai anh chị có nhiều khác biệt. Chị muốn được ở bên con và có những giây phút gần gũi, những kỷ niệm đẹp với các con. Anh muốn bố mẹ dành nhiều thời gian hơn cho nhau, các con đã lớn và nên để chúng tự lo liệu cho cuộc sống của bản thân. Đó là những khác biệt về cách thức, về biểu hiện. Hai anh chị đều là những bậc cha mẹ đã lâu, tôi tin rằng, sau hành động đó đều là mong muốn con mình trưởng thành và hạnh phúc. Hai người đều có tình yêu thương sâu sắc dành cho các con, vậy phải chăng thay vì cố gắng thuyết phục với người kia rằng hành động của mình là đúng, là hiệu quả nhất, hai anh chị có nên ngồi lại với nhau và tìm ra phương án thỏa hiệp hiệu quả, hướng tới giá trị chung của hai người?
Trên đây là ý kiến của tôi dựa trên một số mô hình được xem là hiện đại và ưu việt nhất với xã hội bây giờ. Việc đi tiếp hay dừng lại sẽ dựa vào nhiều yếu tố, nhưng sẽ là quyết định của riêng hai người, dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng và chấp nhận. Sẽ khó có thể tìm được hai người giống nhau hoàn toàn về suy nghĩ, quan điểm và hành động, chỉ có lòng yêu thương và những giá trị chung mới là chất keo dính gắn kết cả hai người. Vì vậy tôi xin phép dừng bức thư tại đây. Chúc chị sẽ tìm được câu trả lời phù hợp nhất cho những băn khoăn của mình, để thật hạnh phúc, an yên.
Theo vnexpress