Tôi không đi làm chồng vẫn bắt góp tiền sinh hoạt
Cập nhật lúc 22:15, Thứ hai, 02/12/2019 (GMT+7)
Trước khi cưới tôi làm văn phòng, lương 7 triệu; anh cũng làm văn phòng lương khoảng 40 triệu. Tôi cố vun vén nên để dành được chút xíu.
Ảnh minh hoạ
Sau khi cưới, tôi sinh bé gái, nghỉ việc ở nhà chăm bé luôn. Lương tôi thấp nên chồng không cho đi làm nữa, ở nhà chăm con, đỡ tiền giúp việc hoặc gửi trẻ. Bảo hiểm thai sản của tôi được hơn 20 triệu, chồng yêu cầu tôi phải đóng góp khoản đó vào chi phí gia đình. Tôi nói không muốn, số tiền đó để đóng bảo hiểm vào công ty cũ (tôi nghỉ việc rồi nhờ công ty đóng giúp, tiền thai sản nhận được tôi đóng bảo hiểm hết 2/3 rồi), sau này đi làm tôi sẽ đóng. Chồng không đồng ý, bảo tôi muốn công bằng thì đóng góp như nhau, tức là tôi phải đóng tiền vào, đóng bao nhiêu % lương tùy tôi quyết định. Tôi bảo tôi có đi làm đâu mà % lương ở đây, chồng bảo tôi cất tiền riêng để tiêu riêng mà không chịu đóng góp quỹ chung, trong khi tôi cũng không tiêu pha gì riêng cả.
Chồng nói tôi hay đòi công bằng, nhưng tôi đòi công bằng với chồng là vì: Lắm lúc tôi lu bu nhiều nhiệc, nhờ vả chồng cái này cái kia thì anh không làm, toàn bảo việc này việc kia của phụ nữ. Tôi mới bảo phụ nữ đàn ông gì thời này, bây giờ bình đẳng giới cả rồi. Từ đó hở chút là chồng kiếm chuyện với tôi, bảo tôi muốn công bằng, đòi công bằng thì phải đóng góp. Tôi bảo tôi ở nhà là đóng góp hết thời gian sức lực rồi còn gì, chồng bảo anh đi làm thì không đóng góp thời gian hay sao mà khi về nhà còn bị nhờ vả? Trong khi tôi cũng biết thân biết phận, có nhờ vả anh việc gì to tát hay nhiều nhặn gì đâu.
Tôi thật sự chán nản. Chồng đi làm tôi không biết cụ thể lương bao nhiêu, chồng đi nhậu tôi hỏi đi với ai thì nếu vui anh sẽ nói, không vui anh sẽ bảo tôi hỏi làm gì. Chúng tôi ở chung mà nhiều khi tôi cảm giác mình đang sống tạm bợ, chẳng biết đến lúc nào đó có bị đuổi đi hoặc chịu không nổi nữa mà ra đi không (lúc đó ra đi tay trắng, không tiền, không con). Nhiều khi cãi nhau hoặc nói vu vơ, chồng hay bảo có ly hôn thì làm sớm còn có quyền nuôi con, ý là con nhỏ thì tòa đa số sẽ xử cho ở với mẹ, còn con lớn chắc chắn không được vì không có kinh tế nuôi con được như nhà chồng. Mong được các bạn chia sẻ.
Theo vnexpress