"Khi xác định thành vợ thành chồng là chúng ta ước mong được song hành bên nhau trọn đời, cùng chung tay xây dựng hạnh phúc bền lâu. Mối quan hệ vợ chồng “tuy hai mà một” - dẫu là hai cá thể, hai tâm hồn, hai tính cách khác nhau nhưng mọi mối quan hệ, sự sở hữu cá nhân lại luôn có sự giao nhau bởi chung một mái nhà, chung mẹ cha, chung con cái. Nếu vợ chồng không đồng tâm hiệp lực, lúc nào cũng giỏ anh - giỏ tôi, người nhiều, kẻ ít thì khó tạo dựng được hạnh phúc bền lâu”, chị Đào Thị Phượng (Hà Nam) bày tỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống vợ chồng 20 năm êm đềm, không điều tiếng, chị Phượng cho hay, hồi hai người cưới nhau, chị là giáo viên cấp 3 còn anh chỉ là nhân viên chuyên lắp đặt điện thoại, internet. Bề ngoài, ai cũng bảo, chị và anh "cọc cạch, không xứng đôi vừa lứa" vì công việc của hai người không tương đồng, vợ trí thức còn chồng… "cu li".
Chị kể: "Mặc dù khi yêu và trước khi cưới, tôi và anh ấy đã thoả thuận với nhau không bao giờ bị tác động hay chia rẽ tình cảm vì những điều bàn tán bên ngoài nhưng nếu đặt địa vị mình là anh ấy, cũng sẽ khó chịu khi nghe được những lời không hay ho, thiện cảm chứ!
Để thể hiện cho mọi người thấy sự tôn trọng giữa vợ chồng tôi, từ trong nhà đến ra ngoài xã hội, tôi luôn ý thức từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói, hành động để thể hiện tình yêu và sự tôn trọng chồng. Khách khứa, bạn bè của chồng, họ hàng bên chồng đến nhà, vợ chồng tôi lúc nào cũng một điều anh, hai điều em.
Hai vợ chồng làm công việc khác nhau nhưng học cùng nhau từ nhỏ, quá hiểu tính nết, con người của nhau nên không bao giờ tôi phàn nàn, kêu ca hay tỏ ra "trên cơ" chồng. Hiểu được sự tôn trọng của vợ dành cho mình nên chồng tôi cũng luôn tỏ ra trân trọng vợ, hết lòng vì vợ, không nề hà bất cứ việc to, việc nhỏ gì trong nhà".
Không phải nhà tâm lý, cũng chẳng phải chuyên gia gia đình nhưng từ thực tế cuộc sống, chị Phượng cho rằng, trong mối quan hệ với chồng con, người xung quanh, mình phải luôn đặt bản thân vào vị trí của họ, để biết được họ cần gì, mong muốn gì, từ đó có cách ứng xử phù hợp.
Cũng nhờ điều này, bao năm qua, chị luôn giữ được sự chừng mực trong ứng xử, kể cả lúc cáu giận, chị cũng không "quá lời" hay hành động thô lỗ, mất kiểm soát.
Thực tế, nhiều cặp đôi thiếu sự tôn trọng nhau, bỗ bã trong lời ăn tiếng nói, người nọ coi thường người kia vì thu nhập thấp, công danh sự nghiệp không thành công, giao tiếp kém, các mối quan hệ xã hội hạn hẹp…
Chính sự bất bình đẳng trong suy nghĩ và ứng xử này dẫn đến những vết rạn trong quan hệ vợ chồng. Khi giữa vợ hoặc chồng nảy sinh tư tưởng "coi thường", tỏ ra "trên cơ" nhau thì mối quan hệ vợ chồng thiếu sự thấu hiểu, sẻ chia. Và sự lệch chuẩn trong tư tưởng dễ dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí là lăng mạ nhau khiến hạnh phúc chênh vênh, có thể đi đến tan vỡ.
Tuệ Lâm